Đừng để là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao

Những năm vừa qua, tội phạm công nghệ cao đã và đang trở thành vấn nạn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước. Các đối tượng lợi dụng công nghệ để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

TỘI PHẠM NGÀY CÀNG TINH VI

Thời gian qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa nhận thức được phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, thiếu cảnh giác và thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân khi hoạt động trên môi trường mạng nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ này.

Cơ quan Công an làm việc đối tượng Lê Quốc Thiện giả danh Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang lừa đảo chiếm đoạt trên 4,5 tỷ đồng.

Cơ quan Công an làm việc đối tượng Lê Quốc Thiện giả danh Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang lừa đảo chiếm đoạt trên 4,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, bên cạnh các phương thức, thủ đoạn đã được cảnh báo, thời gian gần đây xuất hiện một số thủ đoạn mới như: Giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên bán hàng online; thông qua việc mua bán, vay tiền qua mạng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản (mã OTP) để chuyển tiền; thủ đoạn kêu gọi đầu tư kiếm tiền trên mạng, tham gia sàn mua bán tiền ảo, giao dịch quyền chọn nhị phân (thực chất là đánh bạc); thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, thực hiện hành vi lừa đảo; sử dụng mạng xã hội đăng tải tin, hình ảnh kêu gọi từ thiện. Và gần đây nhất là đối tượng giả danh cán bộ Công an thông báo căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chưa cập nhật thẻ bảo hiểm y tế...

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 293 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, tổng thiệt hại về tài sản trên 100 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận, cơ quan điều tra Công an các cấp đã tiến hành khởi tố 79 vụ, 12 đối tượng về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Không dừng lại đó, tội phạm này còn triển khai các đường dây tổ chức đánh bạc, mỗi đường dây có hàng chục ngàn người chơi, hoạt động biến tướng dưới nhiều hình thức mới như: Đặt cược tài chính theo quyền chọn nhị phân, cá cược thể thao điện tử, cá cược tài xỉu qua mã giao dịch của ví điện tử...; chủ yếu do người nước ngoài cầm đầu, móc nối với số đối tượng trong nước hình thành các đại lý đánh bạc, được phân quyền và bảo mật chặt chẽ.

Mới đây nhất, các hàng quán ở các tỉnh, thành nói chung, trong đó Tiền Giang xuất hiện những người lạ mặt tặng quà gồm: Cốc nhựa, hộp đựng giấy, hộp đựng đũa… bảng hiệu có dòng chữ “OKVIP…” và trên các vật dụng này họ để lại mã vạch để bất kỳ người dân nào cũng có thể quét vào. Theo cơ quan chức năng, đây có thể là hoạt động cờ bạc trá hình, lôi kéo người chơi cờ bạc trực tuyến, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hoạt động vi phạm pháp luật.

Trước vấn đề trên, từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, triệt xóa 58 vụ, 487 đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet (chủ yếu là đá gà qua mạng). Song song đó, Công an tỉnh cũng đã phát hiện 322 trang web, tài khoản mạng xã hội hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, đưa tin sai sự thật; 233 đối tượng sử dụng mạng xã hội để bình luận, đăng tải, chia sẻ tin, bài viết có nội dung sai sự thật, đả kích chế độ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công an tỉnh đã củng cố hồ sơ xử phạt hành chính 41 đối tượng; xử lý hình sự 6 vụ, 11 bị can về hành vi lợi dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Có thể nói, nạn lừa đảo, tội phạm công nghệ cao xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự, đa dạng về hình thức, phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội mới; hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn và thậm chí có sự móc nối, học tập kinh nghiệm của các băng nhóm tội phạm trên thế giới.

NHẬN DIỆN, TỈNH TÁO TRƯỚC TỘI PHẠM

Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức khác nhau, nhắm đến mọi khía cạnh đời sống xã hội của người dân, với mỗi phương thức, các đối tượng đều xây dựng nhiều kịch bản tiếp cận khác nhau nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, đặc điểm của tội phạm này là hoạt động trên không gian mạng hoặc sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ có tính ẩn danh cao để thực hiện hành vi phạm tội. Khai thác lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị điện tử hoặc sơ hở của người dùng khi tham gia môi trường mạng.

Đồng thời, các tội phạm đều đánh vào lòng tham, gây tâm lý hoang mang, thiếu nhận thức, thiếu cảnh giác của người dân khi tham gia mạng xã hội. Đặc biệt, hoạt động của tội phạm này có tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm khác nhau, thậm chí còn xây dựng cả kịch bản cho nhân viên trước từng tình huống cụ thể.

PHÒNG AN NINH MẠNG VÀ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO KHUYẾN CÁO:

Khi người dân bị lừa đảo, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng Internet hoặc nhờ sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải, người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh và tỉnh táo hơn.

Trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.

Lưu lại tất cả thông tin như: Lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo.

Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử. Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động, phòng ngừa.

Trước vấn đề trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho người dân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng, Công an Tiền Giang cũng đã xác định 11 phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay và ban hành Cẩm nang về dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến để người dân nắm rõ.

Cụ thể, người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ ai. Nâng cao nhận thức việc cơ quan chức năng, công quyền không làm việc qua điện thoại, khi cần làm việc sẽ có thư mời gửi về nhà và chỉ làm việc, tiếp công dân tại trụ sở cơ quan. Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn báo các vấn đề liên quan bản thân, gia đình, yêu cầu chuyển tiền… người dân phải bình tĩnh, tuyệt đối không làm theo yêu cầu mà liên hệ cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hướng dẫn...

Ngoài ra, việc đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn vì tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” của tội phạm này làm cho các đối tượng phạm tội khó bị phát hiện, đây là một trong những yếu tố kích thích đối tượng hoạt động phạm tội, với niềm tin là không thể hoặc rất khó bị phát hiện.

Bên cạnh đó, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường có địa bàn hoạt động ở nước ngoài (kể cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài), am hiểu về công nghệ thông tin nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm đối tượng.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, trong thời gian tới, ngành Công an sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, thực hiện rà soát, quy hoạch tổng thể công tác ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong Công an tỉnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Hệ thống thông tin ngành Công an giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chú trọng và tăng cường triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin các trang thiết bị, hệ thống mạng của tỉnh và thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an tập trung thực hiện tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới để kịp thời xác minh, đấu tranh các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, giúp người dân cảnh giác và chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm.

Đồng thời, ngành Công an tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và chú trọng đầu tư các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

LONG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202411/dung-de-la-nan-nhan-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-1026590/