Đừng để lặp lại những cái chết oan uổng và đau xót!

Không chỉ ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, mà trong toàn quốc, vụ việc cháu bé học sinh trường mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón đã gây nên một làn sóng bất bình và đau xót, thương tâm trong dư luận xã hội…

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) - nơi xảy ra vụ việc trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Ảnh: CTV.

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) - nơi xảy ra vụ việc trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Ảnh: CTV.

Tối ngày 29/5, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan vụ cháu bé 5 tuổi chết trong ô tô đưa đón học sinh của Trường mầm non Hồng Nhung 2.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình khởi tố vụ án "vô ý làm chết người" được quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự để điều tra vụ việc cháu bé 5 tuổi chết trên xe đưa đón học sinh.

Theo Công an TP Thái Bình, kết quả điều tra bước đầu xác định vào 6h20 ngày 29/ 5, tài xế ô tô 29 chỗ N.V.L. (59 tuổi) và cô giáo P.Q.A. có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình.

Thời điểm này, xe đón cháu T.G.H. (5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư) và 9 học sinh khác đi học. Khi đến trường, tài xế L. mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, người này cho ô tô đỗ ở gần cổng trường rồi ra về.

Khi vào lớp, giáo viên có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý và phát hiện vắng cháu H. nhưng lại không thông báo cho gia đình.

Đến khoảng 17h cùng ngày, anh T.Đ.A. (cậu ruột của cháu) đến đón nhưng không thấy cháu H. nên báo cho nhà trường, đồng thời tìm kiếm và phát hiện cháu bé vẫn ở trong ô tô đưa đón học sinh của trường.

Thời điểm này, do không có chìa khóa để mở cửa xe nên người cậu đã cùng người dân khu vực phá cửa xe để đưa cháu bé ra ngoài, cấp tốc đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu, tuy nhiên nạn nhân được xác định đã chết trước đó.

Sau đó một ngày, vào ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thái Bình đã bắt khẩn cấp Phương Quỳnh Anh, người đi cùng và có nhiệm vụ đưa đón học sinh trong vụ trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe. Diễn biến vụ việc cho ta thấy cả một sự cẩu thả, tắc trách, vô trách nhiệm, vô lương tâm nối đuôi nhau diễn ra tại Trường mầm non Hồng Nhung, xã Phú Xuân, Tp Thái Bình.

Cán bộ điều tra đang tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Cán bộ điều tra đang tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Nhân viên đưa đón học sinh thì không phát hiện thiếu cháu bé khi xuống xe, mà cả xe chỉ có 9 cháu học sinh, và nạn nhân ngồi ngay hàng ghế thứ 2. Tài xế trước khi mang xe đi cất cũng không hề kiểm tra lại xe để có thể phát hiện ra cháu bé. Cô giáo phụ trách chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo đõi, quản lý và phát hiện vắng cháu Huy, nhưng cả cô và Hiệu trưởng lại không thông báo cho gia đình.

Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Thái Bình vào ngày 29/5 gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm về trước, khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên tựu trường khiến bé tử vong. Diễn biến của vụ việc vừa xảy ra ở thành phố Thái Bình cũng giống y những gì đã diễn ra ở trường Gateway. Cũng do tài xế không kiểm tra lại xe trước khi đóng cửa, bỏ đi. Cũng do cô giáo và nhà trường điểm danh, phát hiện vắng mặt học sinh nhưng không báo cho phụ huynh biết, không tổ chức soát xét, tìm kiếm.

Rõ ràng là tài xế, cô giáo, nhà trường hoàn toàn không chịu rút ra bài học trước đó. Nếu không trừng phạt nghiêm khắc, chuyện đau lòng như thế này sẽ rất có thể còn xảy ra, như chuyện "bỏ quên trẻ trên ô tô" vẫn diễn ra rải rác ở Hà Nội, Bắc Ninh… Chỉ có điều ở những vụ việc kia, người ta đã phát hiện sớm nên trẻ đã được cứu.

Tại Quốc hội Khóa 15 kỳ họp thứ 7, tin tức về vụ việc đau thương này nhận được sự chia sẻ, đồng cảm với dư luận xã hội và sự quan tâm sâu sắc từ các vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Tạ Văn Hạ đã nêu ý kiến: “Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc, đau lòng ở Thái Bình. Và lúc chúng ta ngồi kiểm điểm thì đã mất đi một mạng người”.

Do vậy, quan trọng nhất sau đây chính là vai trò then chốt của con người trong việc thực thi nhiệm vụ đưa đón, chăm sóc trẻ em. Trong đó, cần phải có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những người làm công tác đưa đón học sinh.

Theo đó, những người được giao nhiệm vụ đưa đón trẻ phải là người được lựa chọn cẩn thận, cụ thể, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn chứ không phải không xếp được việc gì thì cho đi đưa đón học sinh.

Người đưa đón phải được tập huấn, có trình độ hiểu biết, tâm lý, cẩn thận. Với người lái xe cũng phải là người chỉn chu, không chỉ đảm bảo an toàn trên đường đi mà còn là người phải rà soát kỹ càng sau cùng trước khi đóng cửa xe, về bãi.

Bên cạnh trách nhiệm của những người này, giáo viên chủ nhiệm thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng phải rõ ràng. Người đứng đầu cơ sở là phải thường xuyên nhắc nhở, thậm chí lựa chọn những người được giao nhiệm vụ đưa đón trẻ.

Hiện nay trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chuẩn bị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 khóa 15 cũng đã có các quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về xe đưa đón học sinh.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu để lắp thêm camera giám sát (không phải camera hành trình) hoặc biện pháp nào đó trong mỗi xe đưa đón. Camera này sẽ kết nối với máy của hiệu trưởng, thường trực trường và chính các phụ huynh có con đi xe cũng có thể theo dõi. Tất cả các biện pháp nào có thể đảm bảo an toàn hơn cho trẻ em đều cần nghiên cứu, thử nghiệm…”.

Có thể thấy, dù xe đưa đón được trang bị hiện đại hay các phương tiện cảnh báo tai nạn khẩn cấp trong nhà trường có nhiều đến mấy, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là con người. Đó là những người làm chủ các phương tiện vận tải, đưa đón, điểm danh học sinh. Ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ là một trong những góp ý rất đáng để toàn bộ các cơ sở giáo dục, các trường học trên toàn quốc có xe đưa đón học sinh, các cơ quan chức năng liên quan và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nghiên cứu và đề ra các biện pháp thực hiện ngay từ đầu năm học mới 2024-2025.

Cũng xung quanh vụ việc ở Trường mầm non Hồng Nhung 2, các báo đã đưa rất nhiều tin bài, trong đó có một bài báo đã viết: “Những đứa trẻ cần ở người lớn một thứ trách nhiệm xuất phát từ nhận thức và trái tim chứ không phải những việc mang tính thời vụ, giải quyết tình thế như nhiều nhà trường đã làm. Vì nếu không như vậy, vẫn là bài học cũ nhưng sẽ còn có những nỗi đau mới…”.

Vâng, đúng thế, bài học cũ, nỗi đau mới! Lịch sử vẫn cứ lặp lại đầy trớ trêu, với một cách đầy xót xa và đau đớn trước sự sống của con trẻ, trước số phận của các cháu học sinh!

Một vài giáo viên có thể bị bắt giam, một vài tài xế có thể bị vào tù, nhưng, xin đừng bao giờ để lịch sử lặp lại như thế, đừng để những cái chết đầy oan uổng và đau đớn vẫn có thể xảy ra với trẻ nhỏ ngay lúc đến trường, thưa các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục và cả các bậc phụ huynh trong cả nước!

Vĩnh Thịnh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dung-de-lap-lai-nhung-cai-chet-oan-uong-va-dau-xot.htm