Đừng để lời chúc 'có cánh' vội bay đi
Mọi người luôn muốn chúc nhau những lời 'có cánh', hoa mỹ và bóng bẩy. Nhưng khi năm 2020 khép lại với nhiều dự định khó thành hiện thực, lời chúc đầu năm có phải đã 'bay' mất?
Những ngày đầu năm mới, ai cũng muốn nhận được lời chúc ý nghĩa, tốt đẹp. Xuất phát từ tâm lý này, không ít người dành tặng nhau những lời chúc "có cánh" nhưng đôi khi lại nằm ngoài tầm với.
Có bao giờ bạn nghĩ đến mong muốn thật sự của đối phương trước khi gửi lời chúc? Đôi khi, không phải câu nói hoa mỹ, bay bổng mà chính những mong ước giản đơn, thiết thực mới là điều mọi người muốn nhận được nhiều nhất.
“Mẹ ơi, Tết này chúc gì để thành hiện thực?”, câu hỏi ngây ngô của Bin khiến mẹ Thu Sương (Đà Nẵng) ngỡ ngàng. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cô lại chuẩn bị vô số lời chúc mẫu để Bin “dằn túi” đi chơi Tết. Thế nhưng ngẫm lại, sau một năm đầy biến động, những lời chúc "có cánh" lại chẳng hề ở lại, sức khỏe, công việc và nhiều dự định, tất cả đều dang dở sau năm 2020.
Khi Bin lớn hơn, có suy nghĩ và cảm nhận riêng, “sớ” văn mẫu của cô dường như trở nên thừa thãi. Không phải Sương không nhận ra sự hời hợt dần tăng lên mỗi lần Bin chúc Tết ông bà, nhưng cô vẫn loay hoay trong vô vàn lời chúc khuôn mẫu đã hình thành như một thói quen khó bỏ.
Trong khi đó, chị Đinh Lan Phương (Hà Nội) cũng dở khóc dở cười trước những thắc mắc của con: “Mọi năm, tôi thường dạy con những câu cơ bản như an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, tấn tài tấn lộc... Năm nào con cũng ríu rít hỏi mẹ tại sao phải chúc như thế và chưa năm nào tôi giải nghĩa được trọn vẹn để con hiểu”.
Nỗi niềm của chị Phương cũng là câu hỏi lớn với nhiều người mẹ khi con bước vào tuổi “học ăn, học nói”. Dù không có cách nào giải thích ý nghĩa, nhiều bố mẹ vẫn dạy con những lời chúc “có cánh”. Để rồi khi những đứa trẻ lớn lên, câu chúc đầu môi lại trở nên thiếu vắng, hoặc có chăng chưa đủ chân thành. Khi cả tuổi thơ gắn liền với những câu chúc văn mẫu được bố mẹ “mớm lời”, cứ thế ê a từ năm này qua năm khác, liệu có ai lại không chán, không ngại nói lời “có cánh”?
Ngẫm lại, cách đây một năm, chúng ta đã chúc nhau những gì: Thực hiện được điều bản thân mong muốn, có nhiều sức khỏe, vi vu những đất nước mới…? Bao nhiêu lời chúc trong số ấy đã trở thành hiện thực?
Hot mom Hoàng Thị Thanh Hằng (TP.HCM) nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ Tết năm ngoái chúc hai con đi học thật ngoan, thật giỏi nhưng rồi các bé lại không thể đến trường. Bạn bè, gia đình chúc nhau sung túc, ấm no nhưng cuộc sống, công việc mọi người đều bị ảnh hưởng”.
2020 là một năm đặc biệt khi trở thành “gap year” (tạm dịch: năm nghỉ phép) để mọi người nhận ra tầm quan trọng của tình thân, trân trọng khoảnh khắc bên cạnh nhau, đồng thời hiểu được những giá trị sống đích thực. Thay vì gửi trao điều hoa mỹ, hình thức, phải chăng chúng ta nên chọn câu chúc, lời động viên chân thành, tâm ý và có thể trở thành hiện thực?
Đâu cần những lời chúc cầu kỳ, Tết vẫn vui và vẹn tròn khi mỗi người biết nâng niu, trân trọng điều giản dị trong cuộc sống, biết trao nhau lời chúc ý nghĩa đi cùng hành động thiết thực.
Để các con không thắc mắc trước những câu chúc được mẹ “mớm lời” hàng năm, chị Lan Phương quyết định thay đổi: “Việc trao đi gửi lại lời chúc mừng năm mới là điều không thể thiếu. Nhưng năm nay, tôi sẽ dạy Thỏ và Rùa những lời chúc dễ hiểu kèm hành động để lời chúc ấy mau thành hiện thực”. Theo đó, chị Phương sẽ nhắc nhở 2 chị em cùng nhau học bài, Thỏ dạy em học, Rùa làm bài xong đưa chị kiểm tra, như thế lời chúc học giỏi mà mà 2 chị em trao nhau mỗi dịp Tết đến mới thành hiện thực.
Riêng với mẹ Thảo Trang (Cần Thơ), chị mong muốn dạy Cam biết quan tâm, yêu thương mọi người. Thay vì soạn sẵn lời chúc cho con, cuối năm, chị đưa cô con gái đầu lòng 4 tuổi rảo bước qua những vườn cây, mua hạt mầm và chậu mới, hướng dẫn con ươm và tưới nước mỗi ngày. Việc trồng cây giúp bé học được cách quan tâm những điều xung quanh, từ đó biết chăm sóc bản thân và người thân yêu. Đến Tết, Cam khự nự ôm chậu cây bé bỏng đi chúc Tết ông bà. Nhìn con lớn lên từ những hành động nhỏ mà ý nghĩa, chị Trang không khỏi hạnh phúc.
“Chúc điều gì có thể biến thành hành động” cũng là cách anh Hoàng Trọng Khánh, thầy giáo công nhân, được đám trẻ khu Phước Long B, quận 9, TP.HCM yêu mến, thực hiện nhiều năm nay.
Khánh kể hồi mới chuyển đến trọ khu này, anh thấy 4-5 đứa trẻ lôi sách vở ra học, nhưng được 5 phút là đi chơi. Anh hỏi bố mẹ bọn nhỏ mới biết chúng không hiểu gì, người ở đây chỉ học tới lớp 6, không ai hướng dẫn hay dạy học được.
“Tôi cũng từng học dốt nên không muốn tụi nhỏ như mình. Nghĩ vậy, tôi gom mấy đứa nhỏ lại, mỗi buổi tối dạy một chút. Chuyển trọ mấy lần, tôi mới tìm được chỗ dạy học đàng hoàng. Từ 4 đứa ban đầu, giờ lớp có 70 học sinh, chia làm 2 ca”, anh hào hứng kể về lớp học nhỏ, niềm vui hiện rõ trong đôi mắt.
Cứ thế, “người thầy công nhân” Hoàng Trọng Khánh miệt mài gieo chữ không ngơi nghỉ. Mỗi độ Tết về, anh không chuẩn bị gì cả, điều duy nhất anh nghĩ đến là mong mấy đứa nhỏ học hành tới nơi tới chốn. “Mình chúc cái gì mình làm được, có thể biến thành hành động thôi. Đời công nhân mà, mong ước chi xa xôi”, giọng anh nhỏ dần nhưng vẫn ấm áp lắm.
Phong trào làm mới truyền thống chúc Tết, trao nhau những điều giản đơn đi cùng hành động thiết thực cũng được nhiều nghệ sĩ ủng hộ. MC, nhà nghiên cứu nhân số học Lê Đỗ Quỳnh Hương - chia sẻ: “Mình thật sự tâm đắc với hàm ý của ngạn ngữ: ‘You say it, you mean it’ (tạm dịch: Bạn chúc, bạn phải hàm ý đúng lời chúc đó). Nghĩa là, lời chúc phải mang theo năng lượng, niệm lành gửi đến người nhận. Hơn thế nữa, chúng ta cần phải thực hiện bằng những hành động cụ thể, để góp phần biến những lời chúc lành ấy trở thành hiện thực”.
Từ ngày còn bé xíu, ông bà và bố mẹ đã dạy chúng ta những lời chúc Tết với ước nguyện, hy vọng cho năm mới. Những câu nói “có cánh”, hoa mỹ bao giờ cũng hay và trang trọng, nhưng lời chúc “cất cánh” - cất đi đôi cánh lộng lẫy của ngôn từ - kèm hành động cụ thể mới thật sự ở lại mãi với mỗi người.
Tết này, bạn đã biết chúc gì đến người thân yêu chưa?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-de-loi-chuc-co-canh-voi-bay-di-post1171700.html