Đừng để mạng xã hội biến bạn thành cha mẹ kiệt sức

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh cha mẹ khéo léo khiến nhiều phụ huynh thấy mình chưa đủ tốt. Sự so sánh ngầm khiến họ tự nghi ngờ khả năng nuôi dạy con.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, hình ảnh những ông bố bà mẹ luôn chỉn chu, khéo léo và nuôi dạy con cái chuẩn mực tràn ngập trên các nền tảng số. Điều này vô hình trung tạo ra một chuẩn mực ảo khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy mình chưa đủ tốt và áp lực phải trở thành cha mẹ hoàn hảo.

 Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Mạng xã hội – nơi sản sinh ra chuẩn mực nuôi dạy con lý tưởng

Chưa bao giờ việc làm cha mẹ lại bị soi chiếu và so sánh nhiều đến thế. Chỉ cần vài thao tác lướt mạng xã hội, bạn có thể nhìn thấy hàng trăm đoạn video hay hình ảnh chia sẻ về cách nuôi dạy con theo từng độ tuổi, từng cột mốc phát triển.

Trên TikTok, Facebook, Instagram hay YouTube, có hàng ngàn tài khoản cá nhân trở thành “cha mẹ KOLs” chỉ nhờ chia sẻ quá trình nuôi con. Những bà mẹ xinh đẹp, giỏi giang vừa chăm con, vừa nấu ăn, dạy học, chơi đùa…tất cả được quay lại dưới những góc quay sáng tạo, nhạc nền dễ thương, caption đầy tích cực. Không ít người xem cảm thấy ngưỡng mộ, nhưng cũng có rất nhiều cha mẹ vô thức rơi vào cảm giác tự ti vì “sao mình không làm được như vậy?”.

Thực tế, những gì đăng tải lên mạng xã hội thường chỉ là một phần được lựa chọn kỹ: góc tốt nhất, khoảnh khắc đẹp nhất. Nhưng khi người xem quên mất điều đó, thì cuộc đua ngầm về việc làm cha mẹ tốt trở thành một áp lực vô hình không tên.

Khi sự kỳ vọng biến thành gánh nặng

Rất nhiều cha mẹ thừa nhận, họ cảm thấy lo lắng và hoài nghi về khả năng nuôi con của mình sau khi xem quá nhiều nội dung chia sẻ trên mạng. Những nội dung về trẻ 2 tuổi biết đọc, trẻ 3 tuổi nói song ngữ, hay những bé ăn ngoan ngủ kỹ… dễ khiến người làm cha mẹ rơi vào trạng thái so sánh và dằn vặt: “Phải chăng mình chưa cố gắng đủ?”, “Mình đang làm sai điều gì?”.

Thậm chí, có những bà mẹ sau sinh bị stress, trầm cảm, nhưng lại càng cảm thấy lạc lõng và kém cỏi khi nhìn thấy các bà mẹ khác luôn tươi tắn và thành công trong việc chăm con trên mạng. Áp lực làm mẹ hoàn hảo không chỉ gây căng thẳng tâm lý mà còn dẫn đến sự mệt mỏi, kiệt sức và đổ vỡ mối quan hệ trong gia đình.

Không ít ông bố cũng bị áp lực ngầm khi liên tục bị so sánh với những người đàn ông soái ca trên mạng: biết thay tã, rửa bình sữa, chơi với con mỗi tối, hỗ trợ vợ mọi việc. Dù điều đó rất tốt, nhưng khi bị đặt vào khuôn mẫu lý tưởng, nó có thể khiến người trong cuộc cảm thấy bản thân không bao giờ là đủ tốt.

Cha mẹ không cần phải hoàn hảo

“Không có cha mẹ hoàn hảo, chỉ có cha mẹ đang cố gắng hết sức mình”. Đây là lời nhắn nhủ của nhiều chuyên gia tâm lý dành cho những bậc phụ huynh đang cảm thấy áp lực bởi những hình mẫu trên mạng.

Việc bị cuốn theo các tiêu chuẩn nuôi dạy con lan truyền trên mạng khiến cha mẹ dễ đánh mất sự kết nối thật với chính mình và với con cái. Một số người cố gắng làm mọi thứ để giống mẹ trên mạng, nhưng kết quả là căng thẳng, dễ nổi cáu và mất kiên nhẫn, điều đi ngược lại với bản chất của việc nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương.

Thực chất, trẻ nhỏ không cần một người cha, người mẹ hoàn hảo. Thứ chúng cần là người cha mẹ đủ yêu thương, hiện diện và biết thừa nhận cả những giới hạn của bản thân. Một người mẹ mệt mỏi có thể nghỉ ngơi thay vì phải cố quay vlog “dạy con học tiếng Anh”. Một người cha không cần đăng story chơi với con mỗi ngày, mà chỉ cần thật sự lắng nghe con mỗi khi có thể.

Biết học hỏi, nhưng không đánh mất bản thân

Mạng xã hội có thể là nguồn thông tin phong phú, nơi chia sẻ kinh nghiệm thật và giá trị nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, mỗi gia đình có hoàn cảnh, tính cách, điều kiện khác nhau. Không có công thức nuôi con chung cho tất cả.

Cha mẹ cần học cách chọn lọc thông tin, nhìn nhận mạng xã hội như một bàn tiệc có thể chọn món phù hợp với mình, nhưng không nhất thiết phải ăn hết mọi thứ chỉ vì thấy người khác ăn ngon lành. Việc làm cha mẹ là một hành trình dài, không có điểm đích cụ thể. Vì vậy, sự linh hoạt, biết chấp nhận sai sót và tin tưởng vào bản năng của mình là yếu tố giúp cha mẹ vừa học hỏi được cái mới, vừa giữ vững được sự bình an trong quá trình nuôi con.

Không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ yêu thương

Áp lực làm cha mẹ hoàn hảo trong thời đại mạng xã hội là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng thay vì cố gắng trở thành một phiên bản đẹp để so sánh, hãy là một người cha mẹ thật, có cảm xúc, có giới hạn, có tình yêu thương.

Hạnh phúc trong việc nuôi con không đến từ việc làm theo mọi lời khuyên trên mạng, mà đến từ việc bạn và con thực sự kết nối, hiểu nhau và cùng trưởng thành.

Trương Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/dung-de-mang-xa-hoi-bien-ban-thanh-cha-me-kiet-suc-post1556326.html