Đừng để món khoái khẩu khiến bạn nguy kịch tính mạng
Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch, đe dọa tính mạng.
Tiết canh lợn nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ Trương Ngọc Nam, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức cho biết, thời gian gần đây, mặc dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng khoa vẫn liên tiếp nhận được các bệnh nhân nguy kịch tính mạng vì món khoái khẩu.
Gần đây nhất, Khoa đã tiếp nhận bệnh nhân M.T. 45 tuổi, vào viện ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện đau bụng quanh rốn, buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần (khoảng 10 lần/ngày) kèm theo sốt cao liên tục 39-40 độ C, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng.
"Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Khai thác tiền sử trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh và thịt lợn. Nhờ được chẩn đoán, điều trị sớm, đúng và tích cực ngay từ khi vào viện bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu liên tục, truyền huyết tương, khối tiểu cầu và các biện pháp điều trị tích cực khác, bệnh nhân đã thoát khỏi tử thần, khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày điều trị tại bệnh viện", bác sĩ Nam cho hay.
Tại Bệnh viện Bãi cháy, Quảng Ninh vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.V.B, 47 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh. Nam bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Trước đó, người đàn ông này mua thịt lợn về nhà, trực tiếp chế biến nấu ăn. Ba ngày sau, anh vào viện vì tụt huyết áp, nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng từng cơn quanh rốn, người mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm trùng nặng, suy đa tạng. Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu hấp phụ... Kết quả nuôi cấy máu xác định dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Sau 8 ngày, bệnh nhân thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.
Vì sao dễ mắc vi khuẩn liên cầu lợn?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Thế, Phó chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm cho biết, bệnh do một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn lợn, tên khoa học là Streptococcus suis gây ra.
Đây là loại bệnh truyền nhiễm của động vật lây cho người. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu cho lợn (lợn nhà, lợn rừng), nhưng cũng có thể lây truyền và gây bệnh cho người. Nguồn bệnh chủ yếu là lợn bị bệnh và lợn mang vi khuẩn không triệu chứng. Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ.
Như vậy, những người dễ bị mắc bệnh là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn, người chế biến thịt lợn sống, người có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu kỹ, nem thịt lợn tái.
Thời gian ủ bệnh (từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh) thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày.
Các biểu hiện chính của bệnh là: sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội.
Bệnh thường diễn biến nhanh và nặng với các bệnh cảnh rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não; trường hợp nguy kịch là sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, xuất huyết toàn thân nặng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời.
Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn tâm thần kinh (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật, đái ỉa dầm dề, tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ); rối loạn tuần hoàn (da niêm mạc tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn); rối loạn hô hấp (khó thở, viêm phổi, suy hô hấp);
Bệnh nhân sẽ suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chân răng, âm đạo); xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, ỉa phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết não…) và nhiều rối loạn khác.
Khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Phòng bệnh liên cầu lợn
Để tránh mắc bệnh, bác sĩ Thế khuyến cáo, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn, như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.
"Người dân tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo quy định. Nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y", bác sĩ Thế nhấn mạnh.
Đặc biệt, mọi người cần đeo găng tay khi chế biến sản phẩm sống từ lợn, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi chế biến các sản phẩm từ lợn; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; luôn ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ.
Theo bác sĩ Thế, đây là bệnh hoàn toàn có thể chữa được. Người bệnh cần được điều trị sớm bằng các loại kháng sinh có hiệu quả như Ampicillin, Amoxicillin, Cefotaxim, Ceftriaxon, Meropenem...
Trường hợp bệnh nặng và nguy kịch, ngoài điều trị kháng sinh, người bệnh cần được chăm sóc điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, áp dụng các biện pháp điều trị đặc biệt như chống sốc, đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, truyền máu và các chế phẩm của máu, điều trị suy đa tạng (suy tim, suy gan, suy thận) và điều chỉnh các rối loạn nội môi khác trong cơ thể.