Đừng để nghị định vẫn mãi là quy định
Từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính (500 nghìn đến 1 triệu đồng) về an toàn thực phẩm (ATTP) với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... chính thức có hiệu lực. Đây được xem là một chế tài mạnh nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người bán hàng vẫn không tuân thủ quy định. Tại sao? .
Vẫn còn nhiều cửa hàng không tuân thủ quy định sử dụng găng tay ni lông khi chế biến thức ăn theo Nghị định 115 của Chính phủ.
Theo Điều 15 của nghị định: Người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt này cũng áp dụng cho việc bày bán, chứa thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến. Bên cạnh đó, mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố cũng tăng mạnh. Theo Điều 16 của Nghị định 115, người bán sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện vẫn còn nhiều người lơ là hoặc không biết đến quy định của nghị định này.
Khu vực xung quanh chợ Vườn Hoa cũ, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) được biết đến là “thiên đường ăn vặt” cho giới trẻ, với hàng loạt món ăn nổi tiếng như nộm bò khô, chè, bánh lá, bún, phở, miến, nem, bánh bột lọc... Theo quy định tại Nghị định 115, thực phẩm bày bán tại chợ phải có bàn, tủ, kệ, thiết bị, dụng cụ để bày bán. Vậy nhưng, không ít hàng quán vẫn bày thức ăn lộ thiên. Tại một hàng chè, hàng chục bát chè đủ màu sắc đựng trong âu thủy tinh bày la liệt trên bàn, che đậy hờ bằng miếng vải màn. Thỉnh thoảng chủ hàng lại lấy quạt phe phẩy đuổi ruồi. Khi trò chuyện với phóng viên, nhắc về mức xử phạt tới 3 triệu đồng vì hành vi này, chủ hàng giật mình: “Tôi cũng nghe nói mức xử phạt tăng lên nhưng chỉ nghĩ áp dụng cho mấy nhà hàng lớn mặt phố. Nếu thế này phải đầu tư thêm cái tủ, không thì phạt một lần là lỗ vốn”.
Tại quầy thịt ba chỉ, thịt vịt nướng sau chợ Điện Biên, người bán hàng dùng tay trần để nướng thịt, chặt thịt và bỏ vào hộp xốp cho khách. Tiếp đến, người này nhận và trả tiền thừa cho khách, sau đó lau tay vào chiếc tạp dề, tiếp tục phục vụ. Và quy trình cứ lặp lại như vậy, mà không biết đến sự tồn tại của găng tay ni lông. Khi được hỏi về quy định xử phạt khi không đeo găng tay, người phụ nữ này cho biết: “Bình thường tôi vẫn đeo găng tay khi nướng thịt cho khách, nhưng lúc đông, khách lại giục nên không kịp đeo”. Cách đó không xa, chị bán bánh cuốn, trứng lộn, bún chả cũng thò cả bàn tay nhem nhuốc bốc bún, rau sống cho khách... Tại các quầy bán giò chả, bún, phở, bánh mì... tình trạng người bán hàng dùng đôi tay trần chế biến thức ăn cho khách cũng diễn ra khá phổ biến.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP: Ngay sau khi nghị định có hiệu lực, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng chế biến thực phẩm để người dân hiểu và thực hiện các quy định về kinh doanh ATTP. Cùng với đó, tiến hành tập huấn kiến thức về VSATTP; phối hợp với các thành viên hội liên hiệp phụ nữ, MTTQ, vận động các cơ sở kinh doanh trang bị các phương tiện như kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang... Tuy nhiên, chỉ các nhà hàng, khách sạn, các hàng ăn lớn là họ chấp hành và tuân thủ theo quy định tại Nghị định 115. Còn tại các cửa hàng nhỏ, các hộ kinh doanh vỉa hè, chợ dân sinh... thường không chấp hành theo quy định.
Ngoài việc quy định phải đeo găng tay trong chế biến thức ăn, thì Luật ATTP cũng quy định loại găng tay sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là loại găng tay hợp vệ sinh. Đa số các loại găng tay đều là loại sử dụng một lần, tức là người sử dụng phải vứt bỏ và thay thế bằng đôi găng tay khác sau khi sử dụng một lần. Song, trên thực tế không ai dám đảm bảo từ các nhà hàng lớn tới các quán hàng rong bên hè phố, thậm chí ngay cả người tiêu dùng sẽ tuân thủ đúng quy định về sử dụng găng tay. Cùng với đó trong quy định cũng chưa đưa ra một mức thời gian sử dụng cụ thể đối với mỗi chiếc găng tay là trong bao lâu. Những câu chuyện đeo găng tay được người bán hàng tuân thủ hàng ngày, tuy nhiên một đôi găng tay sẽ luôn được dùng đi dùng lại nhiều lần trong suốt cả một ngày dài để tiếp xúc với đồ ăn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ quán tuy đã đeo găng tay nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống. Vì vậy, vấn đề đảm bảo VSATTP sẽ chẳng thể đạt được yêu cầu.
Để công tác bảo đảm VSATTP được quản lý hiệu quả, bên cạnh việc tăng mức phạt, cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thường xuyên. Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền chứ không nên làm hình thức cho có rồi để đấy. Việc bảo đảm VSATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân và chỉ khi người dân nhận thức đúng mới có thể đưa quy định này vào thực tiễn cuộc sống.
Quy định đã rõ, song việc tuân thủ có nghiêm hay không, không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của người kinh doanh, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của lực lượng chức năng và của chính người tiêu dùng. Từ đó tránh tình trạng “ném đá ao bèo”, quy định vẫn mãi là quy định mà thiếu đi tính thực tế khi áp dụng vào cuộc sống.