Đừng để những gương sáng phải tự kể thành tích về mình
Cần cải cách về thủ tục, kê khai thành tích giới thiệu, đồng thời nên có chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu các tấm gương định kỳ.
Sáng 9/5, Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 lần tổ chức tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào yêu nước của TPHCM".
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 10 Trần Thanh Ngọc cho rằng với tính chất, tiêu chí là "thầm lặng" nên việc phát hiện, giới thiệu gương điển hình còn gặp khó khăn, ngoài ra còn gặp khó trong báo cáo thành tích nên đối tượng hạn chế. "Dù chúng tôi phát hiện có nhiều anh chị nhiều năm liên tục thực hiện hành động, việc làm tốt và có sức lan tỏa, tuy nhiên yêu cầu họ báo cáo thành tích thì họ không làm được bởi họ không muốn nói về bản thân mình, do đó khi đưa lên giới thiệu cũng bị hạn chế nhiều", bà Ngọc nêu điểm bất cập.
Trao đổi thêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận Trần Thị Mai Lý nói thực tế công tác giới thiệu để tuyên dương chủ yếu là do cán bộ tự viết vì người dân cũng ngại viết về mình. Vì vậy, bà Lý cho rằng phải cải cách về thủ tục, về kê khai thành tích giới thiệu, đồng thời nên có chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu các tấm gương định kỳ hàng quý bằng những bài viết để tạo sức lan tỏa.
Vị này cũng đề nghị cần ban hành tiêu chí cụ thể đối với từng nhóm đối tượng để cơ sở thuận lợi xét chọn. Mặt khác cũng cần quy định rõ có đối tượng được xét chọn là “người dân” thực thụ chứ không chỉ là cán bộ, chiến sĩ hay học sinh sinh viên…
Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính nêu thực tế có nhiều người vẫn âm thầm đóng góp cho đời, làm việc tốt chứ mà không quan tâm hoặc muốn nói về bản thân. "Điều này đặt ra yêu cầu là làm sao có một kênh theo dõi từ các cơ quan đoàn thể để kịp thời phát hiện những tấm gương của cộng đồng. Ở đó, cơ quan nào đang theo dõi tấm gương đó phải là người làm báo cáo thành tích để đề xuất khen thưởng, chứ nếu để các gương tự kê khai thì còn gì thầm lặng nữa", bà Chính bày tỏ. Bà cũng cho rằng cần tạo dựng hệ thống truyền thông rộng rãi, thông tin sâu rộng về phong trào này của thành phố.
Không yêu cầu viết báo cáo thành tích
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận TPHCM hội tụ đủ các nguồn lực cùng sự sáng tạo, tính nghĩa tình để thành phố phát triển, làm cho cuộc sống tốt đẹp, đáng sống hơn. Do đó phải tiếp tục phát huy để các yếu tố này trở thành dòng vận động chủ đạo trong quá trình phát triển của thành phố, đồng thời cũng phải ghi nhận nhiều hơn và kịp thời hơn những cá nhân có nhiều đóng góp cho thành phố.
Trao đổi thêm về cách triển khai thực hiện thời gian tới, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng cần có sự thống nhất và đặc biệt tránh hành chính hóa các yêu cầu, thủ tục.
"Đầu tiên là phải thống nhất "tấm gương thầm lặng mà cao cả là ai?", tiếp đó phát hiện như thế nào và ghi nhận, tôn vinh ra sao; đồng thời tiếp tục lan tỏa, phát huy những giá trị từ những tấm gương này như thế nào. Chắc chắn cần một khung thực hiện nhưng không được hành chính hóa", ông Mãi nêu rõ.
"Những tấm gương thầm lặng thì chúng ta càng phải chăm lo, xa hơn nữa nên xem họ là những công dân danh dự để có những hình thức tôn vinh, tri ân bằng những việc làm cụ thể. Cạnh đó, làm sao phát hiện nhanh hơn, nhiều hơn và đúng nhất có thể, kịp thời tôn vinh, động viên để lan tỏa, để mỗi người đều thấy có nhu cầu làm việc gì đó tốt cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng" -Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Lãnh đạo TPHCM cũng khẳng định không phải chỉ những người ở thành phố, mà còn có những người ngoài thành phố, thậm chí ở ngoài nước âm thầm hướng về thành phố nhưng chẳng đòi hỏi được Đảng, Nhà nước, thành phố ghi nhận, trả công. "Bằng sự âm thầm lặng lẽ góp cho thành phố tốt hơn, nên chúng ta không nên sa vào những tiêu chí để tự trói chân mình", ông Phan Văn Mãi nói thêm và thống nhất với nhận định việc phát hiện các gương điển hình đầu tiên là ở cơ sở, gắn với vai trò của MTTQ phường, xã là kênh phát hiện chính.
Sau khi phát hiện, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị củng cố lại Hội đồng bình chọn với những thành phần, cấp bậc phù hợp và tổ giúp việc thật chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng cần có vai trò thẩm định của phóng viên các cơ quan báo chí khi đội ngũ này có thể cảm nhận được và viết bài. "Điều này cũng xem như một cách thẩm định hồ sơ chứ không nhất thiết yêu cầu viết báo cáo thành tích", ông Phan Văn Mãi nói thêm.