Đừng để nơi vốn tạo ra niềm vui trở thành nơi tang thương
Kinh doanh dịch vụ tạo niềm vui cho người khác, nhưng không chấp hành quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy lại trở thành nơi tang thương...
Cả xã hội có lẽ, vẫn chưa hết bàng hoàng trước hậu quả thảm khốc từ vụ cháy quán karaoke An Phú (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) ngày 7.8, khiến 32 người chết trong đám cháy, 1 người vì thiếu kỹ năng thoát nạn mà qua đời.
Điều đáng nói là, vụ hỏa hoạn xảy ra khi mà các lực lượng chức năng tại địa phương đang triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản: Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 09.8.2022 của Chính phủ, Công điện số 683/CĐ-TTg ngày 01.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2530/VPCP-NC ngày 21.4.2022 của Văn phòng Chính phủ... và kế hoạch rà soát công tác phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an. Các Nghị quyết, Công điện, kế hoạch nói trên được ban hành sau khi vụ cháy quán karaoke tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy ngày 1.8, khiến 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH hi sinh.
Lý giải vì sao lại có tới 32 người chết trong đám cháy, đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng, có thể khi xảy ra đám cháy, lửa bùng phát rất nhanh và lửa, khói lan rộng và bao trùm hành lang, lối thoát hiểm nên mọi người hoảng loạn tìm cách trú vào các phòng kín, dẫn tới ngạt khói.
Từ vụ việc cho thấy, cần nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng ứng phó khi gặp nạn đang trở nên hết sức cấp thiết.
Hỏa hoạn luôn có nguy cơ thường trực ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt là những nơi không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy. Cháy nổ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng với vũ trường, quán bar hay karaoke thì hậu quả để lại nặng nề hơn rất nhiều, bởi đặc thù ở đây có cấu trúc phức tạp, nhiều vật liệu dễ cháy như nhựa, mút chống ồn và là nơi tập trung đông người trong 1 không gian hạn hẹp.
Những vụ cháy quán hát karaoke để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn về con người đã xảy ra không phải ít. Vụ cháy quán karaoke gần nhất khiến xã hội đau xót xảy ra chiều 1.8.2022. Đám cháy xảy ra tại quán karaoke ở số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã nhanh chóng có mặt, xử lý đám cháy. Hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH được điều động tới hiện trường, với tinh thần dũng cảm không quản ngại khó khăn nguy hiểm để dập tắt đám cháy.
Sau khi các anh đã cứu hộ và đưa được 8 người ra ngoài an toàn, 3 cán bộ chiến sĩ gồm Trung tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Trung úy Đỗ Đức Việt và chiến sỹ nghĩa vụ Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy khi lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ sập xuống đè vào người khiến các anh hy sinh.
Tháng 3.2019, tổ hợp khách sạn quán bar, karaoke Avata ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An đã xảy cháy khiến 1 nữ nhân viên thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định, quá trình thi công sửa chữa cơ sở kinh doanh, do không đảm bảo an toàn trong khi thi công, lửa đã bùng phát tại tầng 1, sau đó bùng phát nhanh chóng và lan rộng và không thể khống chế.
Cũng với nguyên nhân cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ công tác phòng cháy chữa cháy, chắc hẳn ai cũng còn nhớ năm 2016, vụ cháy quán karaoke kinh hoàng xảy ra tại số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy đã khiến 13 người chết. Kết quả điều tra xác minh, thời điểm xảy ra vụ cháy, cơ sở này đang sửa chữa tại quán, chưa hoàn thiện đưa vào nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự giấy phép kinh doanh karaoke nhưng quán vẫn cho khách vào hát.
Sau đó, Công an TP.Hà Nội đã quyết định khởi tố 3 bị can, gồm: Nguyễn Diệu Linh (chủ quán, ngụ phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), Hoàng Văn Tuấn (thợ hàn, quê Nghệ An) và Lê Thị Thì (chủ sử dụng lao động, ngụ quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về PCCC.
Tại phiên tòa ngày 27.3.2018, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù, Hoàng Văn Tuấn 7 năm tù, Lê Thị Thì 7 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy".
Còn hàng loạt vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người tử vong xảy ra ở khắp các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Dịch vụ karaoke - loại hình kinh doanh có điều kiện này hiện đang rất phát triển tại các địa phương, phần nào tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ một cuộc sống văn hóa rất lành mạnh, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội. Nhưng, ý nghĩa tốt đẹp đó sẽ mất đi nếu như mất an toàn.
Không ai muốn tai nạn xảy ra, nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về chính các chủ cơ sở kinh doanh cũng như cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để các cơ sở không đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke.
Vì thế, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, cũng như hiểu biết kỹ năng phòng cháy chữa cháy, để nơi vốn được coi là tạo ra niềm vui không trở thành nơi tang tóc đau thương.