Đừng để phiền toái vì tên 'độc', lạ
Đặt tên con là quyền của cha mẹ. Tuy nhiên, vì vô tình hoặc không chú ý nên có không ít người đặt tên cho con quá 'độc', lạ, dẫn tới nhiều phiền toái, khiến con cái tự ti với bạn bè, mặc cảm với xã hội và không ít người phải cải chính hộ tịch.
Luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) có trên 20 năm làm công tác tư pháp - hộ tịch phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, chính vì quyền được đặt tên con theo sở thích của cha mẹ vô tình khiến con mình gặp không ít phiền toái vì cái tên có một không hai của mình.
* Xấu hổ vì cái tên quá “độc”
Ông T.V.C. (ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú) từng xấu hổ vì bị bạn bè trêu ghẹo với cái tên cha mẹ đặt có ý nghĩa là bộ phận sinh dục nam. Sau này, ông C. phải làm thủ cải chính hộ tịch, đổi tên khác.
Người có yêu cầu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch nộp hồ sơ tại UBND cấp xã có thẩm quyền. Thời gian giải quyết trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định đối với yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch. Giấy tờ phải nộp gồm: tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu; giấy tờ làm căn cứ thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch.
“Do cái tên quá kỳ cục nên cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho tôi đổi tên khác. Cho nên khi có vợ sinh con, tôi rút kinh nghiệm và nghe lời cán bộ tư pháp - hộ tịch xã tư vấn đặt tên con có ý nghĩa, đúng với thuần phong mỹ tục, nhằm tránh việc phải cải chính hộ tịch, đổi hàng loạt các giấy tờ nhân thân rất mất thời gian, công sức” - ông C. tâm sự.
Theo luật gia Lê Văn Nhân, trong thời gian làm cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), ông đã thấy nhiều người đặt tên cho con rất độc, lạ như tên chỉ động vật, bộ phận sinh dục, các hiện tượng tự nhiên hay hoạt động nông nghiệp như: Sấm, Chớp, Mưa, Bão, Lượm, Lặt, Cày, Bừa...
“Chính vì cái tên quá mộc mạc hoặc dung tục làm cho nhiều người con xấu hổ vì bị bạn bè trêu ghẹo, châm biếm. Do đó, nhiều trường hợp phải đăng ký cải chính hộ tịch để đổi tên cho con em của mình” - luật gia Lê Văn Nhân nói.
* Hậu quả pháp lý
9 tháng của năm 2019, UBND cấp huyện, xã tiếp nhận và thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trên 35,8 ngàn trường hợp; thực hiện cải chính hộ tịch trên 100 trường hợp liên quan tới tên, tuổi, dân tộc, trong đó có nhiều người có tên "độc", lạ.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Lê Triết Như Vũ cho biết, người dân có quyền thay đổi họ, chữ đệm và tên cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký nhưng phải theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết thêm, quy trình cải chính hộ tịch cho cá nhân tương đối rõ ràng, thủ tục rút gọn, đơn giản nên tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong việc thay đổi họ, chữ đệm và tên cá nhân. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền cải chính họ, chữ đệm và tên thì cá nhân đó phái đáp ứng được điều kiện: việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Gần 20 năm gắn bó công tác tư pháp - hộ tịch tại xã Long Thọ và nhiều xã khác tại huyện Nhơn Trạch, ông Trương Văn Thọ bày tỏ, để tránh phải cải chính hộ tịch do tên "độc", lạ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trước khi đặt tên cho con, tránh đặt tên xấu, tên tục, tên trùng lắp với ông bà, cô dì, chú, bác hai bên nội, ngoại; cán bộ phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch cần tư vấn cho người dân tránh đặt những tên quá "độc", lạ phải cải chính hộ tịch, kéo theo phải thay đổi hàng loạt các giấy tờ tùy thân...