Đừng để 'phong bao phong bì' làm nhụt chí doanh nhân Việt
Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Không ngừng vươn lên
Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhất là, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.
Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, tới 31/12/2018 cả nước có 714.000 DN đang hoạt động. Trong bảng xếp hạng mức độ phát triển DN của các địa phương thì đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 228.267 DN, Hà Nội 143.119 DN, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc Ninh. Ở nhóm cuối đa số là các tỉnh miền núi phía bắc, một vài tỉnh ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long... có ít DN hoạt động (từ trên 600 DN tới khoảng 2.000 DN/tỉnh).
Trước đông đảo doanh nhân có mặt tại Diễn đàn kinh tế tư nhân hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với 3 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà là xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.
Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước.
Dù có nhiều bước phát triển nhanh và mạnh, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là nhỏ bé và yếu ớt, gặp nhiều rào cản.
Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ) cho rằng: So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.
Theo ông David Dollar, so vơi các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây trở thành là nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.
Nhiều rào cản hữu hình và vô hình
Từ thực tế hoạt động mấy chục năm qua, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bắc Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka đã chỉ ra nhiều rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước còn èo uột.
Ông Mẫn Ngọc Anh chia sẻ: Thực tế hiện nay, mô hình kinh tế Việt Nam thường phát triển theo hình thức tự phát. Doanh nghiệp lớn phát triển thật mạnh, doanh nghiệp nhỏ bon chen, không có một thủ lĩnh đứng ra dẫn dắt. Thương trường bao giờ cung phải có thủ lĩnh. Các tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Huyndai và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác đều có thủ lĩnh và mạng lưới các công ty vệ tinh bao quanh. Còn ở Việt Nam, các tập đoàn phát triển độc lập, không tạo ra chuỗi liên kết các doanh nghiệp, các công ty vệ tinh với nhau để qua đó hình thành những tập đoàn tư nhân hùng mạnh. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt Nam còn chưa có tinh thần đoàn kết dân tộc, trách nhiệm xã hội.
Đề cập đến những khó khăn chính trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Mẫn Ngọc Anh chia sẻ: Những quy định của pháp luật thường 3-5 năm là lạc hậu và không phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế. Do đó việc xây dựng pháp luật cần bám sát Nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhằm xây dựng các quy định thông thoáng hơn, minh bạch hơn. Đồng thời phải tăng cường phân quyền cho các địa phương, lãnh đạo địa phương nhiều hơn trên tinh thần làm việc phải có trách nhiệm và nhận trách nhiệm về minh để đất nước, quê hương phát triển.
Còn chia sẻ của ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang khi nói về môi trường đầu tư trong nước cũng khiến nhiều người đồng cảm.
Ông Huyền kể về 2 người con của ông đi du học ở Anh về đã tham gia vào điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những rào cản từ các Bộ, ngành, hai đứa người con của ông nhiều lần cảm thấy "nhụt chí, muốn trở lại nước ngoài", trong đó có việc phải đối mặt với tình trạng “phong bao phong bì”. Đó là điều ông cảm thấy “đau xót” và lo lắng “sẽ làm mất hết ý chí của thế hệ sau".
"Doanh nghiệp lãi 864 tỷ, chúng tôi không thiếu tiền để cầm phong bì to, phong bì nhỏ, nhưng cứ vậy mãi thì sẽ giết chết thế hệ sau. Rất nguy hiểm nếu chúng ta không giảm biên chế, tăng lương cho cán bộ, viên chức để họ vừa có đức, vừa có tài!", ông Huyền nói tại diễn đàn về năng suất lao động.
Vậy nên, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi nêu 1 trong 2 cải cách quan trọng của Việt Nam cũng đã nhắc đến cải cách hệ thống thể chế thị trường cho khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Theo ông Ousmane Dione, mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực. Làm thế nào Việt Nam có thể hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng?