Đừng để quá tải Làng Đại học khu Nam
Việc di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm TPHCM là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc hình thành Làng Đại học tại khu Nam từ chủ trương của TPHCM được sự hưởng ứng rất cao của các trường, và tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân.
Chuẩn bị kế hoạch tăng dân số cơ học
Hiện nay, một số trường tại Làng Đại học khu Nam Sài Gòn đã đi vào hoạt động như trường Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng… Các trường lớn chuẩn bị đưa vào hoạt động như Đại học Văn Hiến, Đại học Kinh tế và Học viện Mật Mã nằm ngay trục Đại lộ Nguyễn Văn Linh, tọa lạc ở khu chức năng số 15 và 13E, liền kề khu dân cư mới thuộc cụm đại học cửa ngõ phía Nam.
Như vậy vấn đề quan trọng của dự án di dời là một cơ hội mở rộng quy mô, cơ hội để sắp xếp lại các khoa chức năng theo ý tưởng mới phù hợp với xu hướng hiện đại, tạo ra bước tiến quan trọng giúp các trường sớm cụ thể hóa mục tiêu hiện đại cơ sở vật chất, xứng tầm với vị thế các trường đại học hàng đầu trong khu vực, đánh dấu bước ngoặt về đổi mới cơ sở vật chất theo hướng chuẩn đại học quốc tế.
Tuy nhiên, việc di dời hàng ngàn sinh viên đòi hỏi ngành chức năng phải cân nhắc và có bước chuẩn bị trước một cách đồng bộ cho khu chức năng hỗn hợp, bởi đây là vấn đề tăng dân số theo dạng cơ học đột ngột. Cơ quan chức năng cần xây dựng mới và chỉnh trang lại khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, các công trình công cộng để phục vụ cho sinh viên và cán bộ, giảng viên, đặc biệt cần cải tạo lại hệ thống giao thông.
Hàng ngàn sinh viên, cán bộ, giảng viên… phải đi vòng đến 6,5km mỗi khi ra khỏi trường và quay lại là không thể chấp nhận được.
Hiện tại, Đại lộ Nguyễn Văn Linh bên phía các trường nói trên là đường một chiều, khi ra khỏi khu đại học này mà muốn quay trở lại thì phải đi vòng hơn 6,5km. Hàng ngàn sinh viên, cán bộ, giảng viên… phải đi vòng đến 6,5km mỗi khi ra khỏi trường và quay lại là không thể chấp nhận được.
Kể cả khu dân dư 13E, Intresco, Terra Rosa Khang Nam và Saigon Intela (căn hộ thông minh), nằm lệch sau giữa Đại học Kinh tế và Đại học Văn Hiến, hàng ngàn người dân bao nhiêu năm nay vẫn phải đi vòng hơn 6,5km mỗi khi muốn quay lại vị trí cũ.
Việc đi vòng quá xa gây ra tốn kém chi phí xã hội và thời gian rất lớn. Chính vì vậy, khu dân cư này hình thành hơn 10 năm vẫn phát triển chưa xứng tầm. Điều đáng nói là quy hoạch để mở đường băng ngang Đại lộ Nguyễn Văn Linh đã có từ lâu.
Phải thực hiện quy hoạch đã có
Vì vậy, kiến nghị đã đến lúc cơ quan chức năng nên thực hiện các quy hoạch đã có. Thứ nhất, xây dựng, kết nối tuyến đường Vành Đai Trong (lộ giới 60m, Intresco đã làm xong 1 đoạn trong khu 13E nhưng đã bỏ dỡ hơn 7 năm qua) băng ngang Đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Trước mắt, tạo nên nút giao thông tại đây để mọi người không phải đi vòng như trước, nhất là phục vụ cho sinh viên đi lại giữa các khu dân cư được thuận tiện, tạo mọi điều kiện thích hợp cho việc phát triển Đại học khu Nam Sài Gòn.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng nối dài tuyến đường Vành Đai Trong băng qua khu dân cư Conic (phía đối điện) nối với quận 8 và quận 6 để giảm tải cho Quốc lộ 50. Thứ ba, xây dựng đường số 4 trong khu 13E (lộ giới 40m, lộ này cũng được Intresco xây dựng xong 1 đoạn trong nội bộ khu dân cư) nối vào phía sau Đại học Kinh tế và Đại học Văn Hiến để sinh viên khi ra khỏi khu vực trường sẽ đi về theo hướng đường số 4 mà không phải đi vòng hơn 3km trên đường Trịnh Quang Nghị (sau khi có được nút giao thông nói trên).
Việc xây dựng những tuyến đường này là nhiệm vụ của cơ quan chức năng TPHCM, hoàn toàn nằm ngoài phạm vi, khả năng và trách nhiệm của các trường. Do vậy nếu được UBND TPHCM quan tâm kịp thời, việc xây dựng đường giao thông dạng này sẽ tạo nên một khu hỗn hợp của Đại học khu Nam an toàn, thuận tiện trong sinh hoạt và thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu dân cư và các trường đại học, tạo nên những giá trị gia tăng cho khu vực, góp phần đưa khu Nam thành khu đô thị mới hiện đại, đa chức năng, an toàn và hài hòa với thiên nhiên.
Các khu đô thị này được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn cư dân cùng các nhà đầu tư phát triển nhiều dịch vụ thương mại tạo sự khởi sắc cho kinh tế, xã hội, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt TP; đồng thời giải quyết bài toán gia tăng dân số, áp lực hạ tầng của khu nội thành.
Hy vọng sắp tới các em sinh viên và đại đa số người dân khu vực này không còn những băn khoăn, lo lắng, mà sẽ đón nhận được những thuận lợi dưới sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TPHCM, giống như sự quan tâm đã tạo nên những ngôi trường mới vươn tầm thế giới rất đáng tự hào đang hiện hữu ngày càng rõ dần tại Làng Đại học khu Nam Sài Gòn.