Đừng để rừng bị 'chảy máu'
Tuần qua, dư luận quan tâm nhiều đến vụ phá rừng ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Những hình ảnh cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang khiến ai cũng cảm thấy xót xa. Trồng cây để thành rừng rất khó, vậy mà trong phút chốc, rừng bị chặt phá, bị san ủi lại rất dễ!
Đã có rất nhiều câu hỏi tại sao đặt ra từ vụ việc này: Tại sao những khoảnh rừng lớn như thế lại bị tàn phá trong khoảng thời gian dài mà cơ quan chức năng không biết? Lâm tặc phá rừng để làm hẳn một con đường đi dài hơn 1,5km - chuyện này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải mất rất nhiều thời gian, thế nhưng từ địa phương đến lực lượng kiểm lâm cũng không ai biết, tại sao? Cũng theo nguồn tin của Báo Khánh Hòa, đã có người dân báo về chuyện phá rừng nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý nguồn tin, dẫn đến lâm tặc hoành hành. Đến khi phát hiện thì rừng đã bị “chảy máu” quá nhiều!
Có thể đây là khu vực giáp ranh giữa 3 địa phương Ninh Hòa, Nha Trang và Diên Khánh nên công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát còn khó khăn. Có thể vì lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên không thể bao quát hết được. Nhưng không thể cứ mỗi lần rừng bị phá, chúng ta lại nghe những lý do cũ như thế này. Trong vụ phá rừng ở Ninh Ích, nếu không phát hiện thì chắc có lẽ, khu vực rừng bị phá sẽ loang ra rộng hơn ở các địa bàn giáp ranh. Qua vụ việc này mới thấy, lâu nay giữa 3 địa phương có khu vực rừng giáp ranh này chưa xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hoặc có quy chế nhưng phối hợp còn lỏng lẻo. Những địa phương khác, liệu có như vậy hay không? Chính những khu vực giáp ranh mới dễ xảy ra tình trạng lâm tặc lợi dụng địa bàn vắng để phá rừng.
Thiết nghĩ, từ vụ việc này, các địa phương và các cơ quan chức năng cần gấp rút rà soát lại việc xây dựng quy chế, thực hiện quy chế phối hợp để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả của việc bảo vệ rừng. Bởi khu vực giáp ranh, chồng lấn, ở nơi xa xôi, khó khăn về liên lạc nên khi có vụ việc xảy ra rất khó để thông tin, phối hợp xử lý giữa các bên, nếu không có quy chế phối hợp thì dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi có việc thì lại “đẩy” trách nhiệm cho nhau.
Giữ rừng không riêng gì là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm. Đó còn là trách nhiệm của từng địa phương và của cả mỗi người dân. Không thể để rừng cứ bị “chảy máu” mãi, bởi không ai khác, chính con người sẽ phải trả giá đắt cho việc đối xử tệ bạc với môi trường sinh thái tự nhiên.
Thật buồn, khi chúng ta vừa mới hân hoan hưởng ứng Tết trồng cây, gieo trồng những cây xanh cho tương lai thì lại có những cánh rừng được giữ gìn từ rất nhiều năm, trong phút chốc bị tàn phá không thương tiếc!
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…
Lệ Hằng