Đừng để sầu riêng thành… 'sầu chung'
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc trồng cây theo phong trào đã mang đến cho nông dân nhiều 'bài học xương máu'. Gần đây nhất là việc người dân ồ ạt trồng hồ tiêu và giờ đến cây sầu riêng. Trong đó, tình trạng chuyển đổi tự phát ngoài quy hoạch, hạ tầng thủy lợi chưa đảm bảo cho việc trồng cây ăn trái đang dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng của loại cây trồng này.
Trồng sầu riêng không dễ
Theo thống kê, tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập từ mùa mưa năm 2021 đến nay, diện tích trồng sầu riêng tăng gần 200 ha, nâng tổng diện tích sầu riêng toàn xã lên hơn 400 ha. Vườn sầu riêng 1,8 ha hơn 2 năm tuổi trồng xen mít Thái của hộ ông Nguyễn Anh Sơn ở thôn 2 dù sát suối nhưng ông phải vội bán, vì vào mùa nắng dòng suối cạn, không đủ nước tưới. Dù gia đình ông bỏ ra không ít tiền để đào ao nhưng chỉ đủ dùng 1 lần tưới cho vườn, rồi phải chờ 3-4 ngày mới có nước lại.
Còn tại hộ ông Mai Hiển Huy ở cùng thôn 2 thì do cách xa suối, gia đình ông phải khoan 2 giếng để trồng sầu riêng. Nhưng vào mùa khô vẫn không đủ nước tưới, nhiều cây trong vườn trụi lá, phát triển không đồng đều. Ông Huy cho biết: “Trước đây, tôi trồng hồ tiêu, nhưng tiêu chết rất nhiều. Sau đó, thấy bà con trong xã đổ xô trồng sầu riêng, gia đình đã gom vốn và vay thêm ngân hàng trồng 2.000 cây. Năm đầu, cây phát triển tốt và chăm sóc dễ nhưng những năm tiếp theo thì cây “đòi hỏi” áp dụng đúng kỹ thuật, phân bón, thuốc theo từng giai đoạn và nhất là phải có nước tưới liên tục. Tôi thấy trồng sầu riêng cực kỳ khó”.
Sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây, để canh tác loại cây trồng này cần chi phí rất cao, từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Cùng với đó, sầu riêng là loại cây “khó tính”, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, kỹ thuật… thế nhưng nhiều hộ nông dân chỉ học kinh nghiệm của nhau để canh tác nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, nhà vườn phải biết chọn giống phù hợp, có nguồn gốc rõ ràng, nhưng đa số người dân mua giống trôi nổi ở các vườn ươm tự phát nên chất lượng cây phát triển không đồng đều.
“Đa số người dân ở đây mua giống sầu riêng từ tỉnh Bến Tre. Tại trại giống, chúng tôi được giới thiệu là sầu riêng Monthong của Thái Lan nhưng không có giấy tờ, cam kết gì” - ông Huy cho biết.
Rất cần sự định hướng
Trước “bài học xương máu” từ cây hồ tiêu trên địa bàn, xã Đắk Ơ đã khuyến cáo người dân chọn cây giống đảm bảo để canh tác. Thế nhưng, thực tế các nông hộ vẫn đang “tự bơi” trong việc chuyển đổi cây trồng. Anh Nguyễn Văn Mạnh, ngụ thôn 2, xã Đắk Ơ cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha đất, trước đây canh tác hồ tiêu nhưng nay tiêu chết gần hết, tôi cũng chưa biết nên trồng loại cây gì. Hiện tôi trồng cà tím và một ít cây cà phê mà hiệu quả không đạt. Thấy mọi người đổ xô trồng sầu riêng, cây ăn trái khác, tôi cũng tham khảo xem loại cây gì phù hợp với diện tích đất của mình và dễ canh tác, nhưng đến nay vẫn chưa biết trồng cây gì”.
Xã Đắk Ơ có địa hình đồi núi. Hằng năm vào mùa nắng, nguồn nước sinh hoạt thiếu rất nhiều. Việc trồng sầu riêng ồ ạt, tự phát đang đứng trước nhiều rủi ro, nhất là những khu vực chưa đảm bảo hạ tầng thủy lợi. Nay chuẩn bị vào mùa mưa, nông dân bắt đầu chuyển đổi cây trồng, vì vậy rất cần sự định hướng kịp thời của chính quyền địa phương và ngành chức năng để tránh sầu riêng thành…“sầu chung” và nhiều hệ lụy khó lường khác.
"Hiện nay, nếu so sánh trên 1 ha đất canh tác đã cho thu hoạch thì cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, để phát triển được loại cây trồng này thì diện tích đất phải phù hợp, thổ nhưỡng, nguồn nước và cách chăm sóc, bảo quản, cũng như đảm bảo đầu ra sản phẩm. Chúng tôi đã rà soát và chỉ đạo tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không trồng ồ ạt theo phong trào. Nếu nơi nào hội đủ yếu tố phù hợp thì chuyển đổi canh tác, việc chuyển đổi phải đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng có sẵn và phù hợp định hướng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập
NGUYỄN XUÂN HOAN
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143291/dung-de-sau-rieng-thanh-sau-chung