Đừng để sầu riêng thành 'sầu chung'
Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản vừa phát hiện trong hai lô sầu riêng và ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản vừa phát hiện trong hai lô sầu riêng và ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Họ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu hai lô hàng nọ phải tiêu hủy. Hóa chất mà cơ quan kiểm dịch nước này đề cập là loại hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu, có tác dụng diệt nấm mốc.
Trước đó, trong tháng 9/2023, một công ty nhập khẩu của Nhật cũng đã nhập phải một lô hàng sầu riêng nhưng còn non. Sau khi phân phối cho các đại lý thì mới phát hiện ra cơ sự này, buộc nhà nhập khẩu phải thu hồi số sầu riêng nói trên và chịu lỗ.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu bền vững của nhiều loại trái cây Việt Nam mà sầu riêng là loại được ưa chuộng nhất. Thế nhưng, liên tục gặp “sự cố” trong thời gian qua khi xuất khẩu loại trái cây này khiến cho thị trường mang tính “bền vững” ấy đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro.
Nó nói lên rằng, cách làm ăn mang tính chụp giật của Việt Nam, từ người sản xuất đến nhà xuất khẩu vẫn chưa khắc phục hoàn toàn. Hễ thấy chủng loại nào “có giá” là bắt đầu làm dối, làm ẩu. Từ thanh long cho đến mít, đến chuối…, tất cả đều là nạn nhân của thói làm ăn không lấy chữ “tín” làm đầu.
Những năm trước đây, nhìn cảnh nhúng chuối xanh, sầu riêng còn non vào hóa chất để thúc ép cho nhanh chín của một số đại lý buôn trái cây mà rùng mình. Nhưng hồi đó, các loại trái cây “chín ép” này, chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch đi nước khác.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngay cả những thị trường được coi là cởi mở cũng bắt đầu chú ý tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại trái cây phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm dịch nghiêm ngặt khi nhập khẩu nên tình trạng “làm lấy được” như lâu nay bắt đầu bị tẩy chay.
Việc xuất khẩu trái cây từng bước đi vào quy củ nên bản thân người nông dân cũng không quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chăm sóc và thuốc bảo quản khi xuất khẩu nữa. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có những lô hàng lọt qua khe cửa hẹp của kiểm dịch để có mặt trên thị trường. Chỉ đến khi người tiêu dùng phát hiện thì vụ việc mới vỡ lở.
Sầu riêng là chủng loại trái cây đặc biệt, không chỉ thị trường Trung Quốc mà cả Nhật Bản vẫn là loại trái cây “hot” hiện nay. Tính đến hết tháng 10/2023, chỉ riêng sầu riêng đã mang về 2,2 tỷ USD xuất khẩu, vượt 1,2 tỷ USD so với dự báo cả năm 2023, đủ để thấy loại trái cây này đáng giá biết chừng nào! Chính vì “được giá” nên diện tích trồng sầu riêng đang phát triển “nóng” với trên 110.000 hecta, bất chấp những cảnh báo rủi ro từ cơ quan quản lý là Bộ NN&PTNT.
Những tín hiệu khả quan từ cây sầu riêng trong việc xuất khẩu năm qua đã song hành cùng những lo âu, không chỉ là việc phá ồ ạt các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng mà còn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi lô hàng xuất khẩu như những trường hợp trên đây.
Với những cảnh báo cùng chấn chỉnh của cơ quan quản lý trước thực trạng trên, hy vọng cây sầu riêng không thành “sầu chung” của những người trồng nó và và nền kinh tế của đất nước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dung-de-sau-rieng-thanh-sau-chung-post664575.html