Đừng để tác dụng ngược

Nói về những khẩu hiệu sai sót phất phơ trên không trung không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, một số người đã đùa rằng vì nó nằm ở trên không, nên cũng không cần phải có trách nhiệm.

Gần đây có chiếc băng rôn treo trên một đường phố chính đông người qua lại, với nội dung kêu gọi người dân kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới. Tuy nhiên, vì sơ suất trong khâu in ấn nên chữ “lành mạnh” trên chiếc băng rôn đã bị in sai thành chữ “lành lanh”, khiến cho nội dung trên tấm băng rôn trở nên tối nghĩa và gây cười.

Chiếc băng rôn ấy tồn tại nhiều ngày trên tuyến đường nhưng vẫn không được khắc phục, một nhà báo vì bức xúc đã chụp lại đưa lên mạng xã hội facebook hy vọng sẽ có nhiều người biết mà thông tin cho người quản lý việc treo băng rôn.

Sau khi bức ảnh được đăng lên nhiều ý kiến đã bình luận chê trách cơ quan được giao quản lý việc tuyên truyền thiếu sâu sát, nhưng rồi chiếc băng rôn ấy vẫn cứ thế, tung bay trong gió, kệ những lời góp ý trên không gian mạng.

Có nhiều ý kiến đoán định về nguyên nhân. Người cho rằng cơ quan quản lý văn hóa khi đặt in đã không phát hiện ra cái sai và cũng không thực hiện việc kiểm tra sau khi treo ra đường, nên cái sai mặc nhiên tồn tại. Người thì đoán vì chỉ sai có một chữ nên cơ quan quản lý cho rằng người đọc đều hiểu cả, nên không cần phải sửa. Luồng ý kiến thứ ba xoay quanh vấn đề kinh phí. Vì kinh phí cấp cho việc in ấn đã được định mức, mọi thay đổi là phát sinh nên không có kinh phí.

Trước tấm băng rôn này đã có khá nhiều băng rôn, pa nô tương tự như thế được cộng đồng mạng lưu lại và lan truyền, góp ý, nhưng việc khắc phục của cơ quan quản lý văn hóa vẫn không kịp thời.

Ai cũng biết vai trò của tuyên truyền trực quan là hết sức quan trọng nhằm chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và từng địa phương đến với Nhân dân một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Nhưng một khi tuyên truyền mà nội dung bị sai sót thì tác dụng của nó chắc chắn cũng sẽ không còn như mục đích ban đầu nữa, thậm chí còn phản tác dụng.

Sự chậm trễ khắc phục sai sót trong tuyên truyền trực quan đã xảy ra ở nhiều nơi với những mức độ khác nhau, cho thấy trách nhiệm hậu kiểm trong công tác này chưa cao. Xung quanh việc tuyên truyền trực quan thời gian qua không chỉ để xảy ra sai về nội dung mà còn có những vấn đề đã gây ra tác dụng ngược. Ví dụ có những câu khẩu hiệu kêu gọi người dân xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp, thì ngay trong không gian treo những câu khẩu hiệu ấy là chằng chịt “rác văn hóa” với tranh vẽ, quảng cáo tự phát, dây điện như mạng nhện. Còn bên cạnh biển cấm về một nội dung nào đó thì những thứ bị cấm lại hiện diện lấn át cả biển cấm, biển khuyến cáo nhưng cũng không mấy ai để ý. Điều lạ hơn là những thông báo như thế tồn tại năm này qua năm khác, đến tận lúc bị phủ rêu mốc hoặc phải nhường vị trí cho nhiệm vụ tuyên truyền khác mới bị khai tử.

Nói về những khẩu hiệu sai sót phất phơ trên không trung không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, một số người đã đùa rằng vì nó nằm ở trên không, nên cũng không cần phải có trách nhiệm.

Những sai sót ấy cần được cơ quan quản lý văn hóa sớm khắc phục để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là trong giai đoạn cả nước đang thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/dung-de-tac-dung-nguoc/19540.htm