Đừng để tái diễn

Câu chuyện xếp xe ô tô chờ đăng kiểm của giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 có nguy cơ tái diễn trong tháng 7 và những tháng tới của năm 2024 nếu không có biện pháp căn cơ để giải quyết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh thực tế về thiếu hụt nhân lực, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm còn xuất phát từ đề nghị sửa đổi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, về đăng kiểm vẫn chưa được Chính phủ thông qua.

Kể từ ngày 18/7 - 18/10/2024, đại án đăng kiểm được đưa ra xét xử tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài 254 bị cáo được xét xử trong phiên tòa lần này, vẫn còn các bị cáo bị tạm giam chờ xét xử. Đồng thời, các bị cáo được tại ngoại bắt buộc phải có mặt trực tiếp tại TAND TP Hồ Chí Minh xuyên suốt thời gian 3 tháng xét xử.

Ngoài ra, đăng kiểm viên có thể còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ đăng kiểm trong thời gian nhất định kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Điều này dẫn đến thiếu hụt đăng kiểm viên tại các trung tâm.

Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, về đăng kiểm vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Nhiều trung tâm đăng kiểm đã bị dừng hoạt động do sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, giải quyết thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy… chưa hoạt động trở lại cũng gây áp lực lớn lên hệ thống đăng kiểm.

Tại Hà Nội hiện có 28 trung tâm với 53/59 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trong tháng 7/2024, toàn TP có hơn 90.500 xe ô tô đến hạn đăng kiểm. Trong khi đó, các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội chỉ tiếp nhận được hơn 67.000 xe/tháng, dẫn đến hơn 22.000 xe ô tô không được đăng kiểm do quá tải.

Hơn nữa, khi hết thời hạn giãn chu kỳ đăng kiểm theo Thông tư 08/2023/TT-BGTVT, số xe phải đi kiểm định cũng tiếp tục gia tăng dấy lên lo ngại không chỉ đối với trung tâm đăng kiểm mà còn đối với cả người dân.

Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng phải kết hợp nhiều phương án. Trong lúc chờ Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP về đăng kiểm theo trình tự, thủ tục rút gọn, việc điều chuyển đăng kiểm viên giữa các tỉnh thành là cần thiết để bảo đảm hoạt động các trung tâm đăng kiểm.

Bên cạnh đó, các trung tâm đăng kiểm cần xây dựng phương án sắp xếp đăng kiểm viên tăng thời gian làm việc, chủ động thông tin và tổ chức đăng ký trực tuyến lịch đăng kiểm để tránh bị ùn tắc. Cần thiết phải có một ứng dụng thông minh trên điện thoại để cập nhật tình hình lượng xe đăng ký, từ đó phân bổ hợp lý số lượng xe đến từng Trung tâm đăng kiểm. Như vậy mới giảm được khó khăn cho người dân, giảm bớt thời gian di chuyển, chờ đợi.

Việc bảo dưỡng các thiết bị đo, dây chuyền máy móc kiểm định, bảo đảm vận hành chính xác, thuận lợi cũng cần được quan tâm để lúc phát sinh nhu cầu cao về đăng kiểm chỉ cần bổ sung thêm người là có thể vận hành. Ô tô không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là "cần câu cơm" của nhiều người dân và DN kinh doanh vận tải. Do đó, việc dự phòng cho trường hợp cần huy động nhân sự đăng kiểm viên tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm là rất cần được tính đến.

Cục đăng kiểm và các cơ quan liên quan cần xem xét việc sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cũng được phép kiểm định ô tô. Khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp bảo đảm nhu cầu kiểm định phương tiện cấp thiết, chính đáng của người dân và DN trong thời gian tới.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-de-tai-dien.html