Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt: Còn ai quan tâm văn học thiếu nhi?

Văn học nghệ thuật ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình nhận thức thế giới và hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Điều này được nhận thức đầy đủ nhưng không phải ai cũng hành động đúng

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người bỏ rất nhiều thời gian công sức xây dựng thư viện chuyên về sách văn học mang tên Ơ Kìa với mong muốn ngày càng nhiều người đến với văn học, chia sẻ câu chuyện đầy tính động viên. Nhưng phần lớn khách đến với thư viện Ơ Kìa là để chụp ảnh. "Những giá sách chuyên đề văn học một năm trôi qua không ai đọc, không ai mượn, không ai giở ra..." - chủ nhân của thư viện Ơ Kìa tỏ ra thất vọng.

Sách văn học bị lép vế

Nhà văn Phong Điệp cho rằng ngày nay công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội phát triển, trẻ có điều kiện khám phá thế giới, nên lựa chọn nhiều loại hình giải trí phù hợp với mình, đọc sách, nhất là sách văn học không phải là thứ duy nhất.

Dưới cái nhìn của một người xuất bản sách thiếu nhi, ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cũng cho rằng sách văn học nói riêng và việc đọc sách nói chung hiện nay đang bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình phương tiện giải trí khác nhau, bên cạnh đó là thời gian của các em bị xé lẻ bởi việc học ở trường, học thêm, các môn ngoại khóa...

Thực sự có phải các em không còn ham muốn đọc sách? Chủ nhân của thư viện Ơ Kìa kể: "Lúc chúng tôi nản quá, dọn dẹp để chuyển thư viện sang địa điểm khác, bỗng có một nhóm trẻ con ùa vào và mỗi đứa chọn một quyển, đọc say sưa còn đòi mượn về nhà. Trời ạ, chính các em đã cứu cái thư viện trong khoảnh khắc".

Nữ đạo diễn tâm huyết với văn học Việt cũng thẳng thắn cho rằng nếu trẻ em ít quan tâm đến văn học Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân. "Thứ nhất, những đứa trẻ không thể tự có ý thức chọn ra đây là văn học Việt Nam đấy, đọc đi hay lắm, bổ ích lắm. Hoặc đơn giản, chúng lấy đâu ra tiền mà mua sách văn học Việt Nam về đọc, nếu bố mẹ không quan tâm tạo điều kiện? Thêm vào đó, văn học Việt Nam đúng nghĩa đang quá bé nhỏ và im lặng so với các quốc tịch khác. Văn học Việt hiện cũng không đoái hoài lắm tới độc giả trẻ con. Không có nhiều nhà văn, nhà thơ viết cho trẻ, có viết cũng chưa thật sự mới, chưa thật sự hấp dẫn" - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phân tích.

Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài liên tục được tái bản để phục vụ bạn đọc thiếu nhi

Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài liên tục được tái bản để phục vụ bạn đọc thiếu nhi

Cần những tác phẩm hấp dẫn

Ông Bùi Tuấn Nghĩa cho rằng những tác phẩm văn học Việt Nam của các tác giả kỳ cựu và cả các tác giả trẻ mà NXB Kim Đồng ra mắt hằng năm, cùng với việc tái bản liên tục các tác phẩm văn học Việt Nam được xếp vào hàng kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Võ Quảng, Phong Thu, Trần Hoài Dương, Vũ Hùng, Trần Đức Tiến... có lẽ phần nào cho thấy tình yêu của trẻ với sách văn học. Những ấn phẩm vạn bản của Nguyễn Nhật Ánh, với hàng dài bạn đọc trẻ xếp hàng xin chữ ký cũng thể hiện rõ tình yêu của bạn đọc với tác phẩm trong nước.

Giới chuyên môn cho rằng trẻ em là người đọc trong trẻo, thẩm mỹ ngày một cao, đòi hỏi tự nhiên của các em khiến văn chương phải tự sửa mình để trở nên xứng đáng hơn. Người viết hay bất cứ cuộc sáng tác nào, nền văn học nào đều cần khát khao điều đó.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa thừa nhận: "Muốn kéo độc giả đến với sách thì cần có những tác phẩm hay. Để có nhiều tác phẩm hay, cần có đội ngũ sáng tác đông đảo, tài năng".

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để các em đến với sách, nhất là sách văn học, theo các nhà chuyên môn, chính là vai trò của gia đình trong việc nuôi dưỡng tình yêu sách với trẻ em. "Chúng ta chăm chăm giáo dục và thu hút trẻ con nhưng khổ nỗi nhiều khi đọc gì cũng do phụ huynh, thầy cô giáo. Đi mua sách mà cha mẹ đã ngay từ đầu chỉ mong con mình nói chuyện bằng tiếng Anh, tư duy như người Do Thái, nghĩ như bạn Mỹ đồng trang lứa... thì chắc chắn bọn trẻ con không thể nào lại đòi: Mẹ ơi con muốn mua cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" - nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hài hước. Chị nói mình từng nghe các thầy cô khi lập tủ sách cho học sinh cũng than rằng văn học Việt Nam phù hợp với con trẻ là không nhiều.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng cho rằng để các em cảm thụ và yêu văn chương, tìm đọc các tác phẩm văn học còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là từ gia đình, nhà trường.

Câu trả lời dành cho các nhà xuất bản

Nếu có ai đặt câu hỏi rằng những cuốn sách văn học trong nước mới xuất bản nào được thiếu nhi yêu thích nhất thì thật khó có thể trả lời. Sách văn học cho lứa tuổi thiếu nhi trên thị trường sách có nhiều không? Một trong những nguyên nhân thiếu nhi ngày nay ít quan tâm sách văn học vẫn là các em không có nhiều đầu sách để lựa chọn.

Theo suy nghĩ cảm tính của tôi, từ nhiều năm nay, hầu hết các nhà văn đã thành danh ít viết cho lứa tuổi này, nếu so với thế hệ trước. Sở dĩ nói thế là bởi trong ký ức của mình, tôi còn nhớ mình đã được đọc nhiều tác phẩm thiếu nhi của các nhà văn dù họ không phải "chuyên trị" về thể loại này. Dù sở trường viết truyện ngắn, truyện dài dành cho người lớn nhưng bên cạnh đó, họ vẫn không quên quan tâm đến đối tượng mà tôi vừa nêu trên. Nhờ thế, thế hệ chúng tôi, từ thuở "ăn chưa no lo chưa tới" đã được tiếp cận với tài năng văn chương của họ.

Còn nhớ, trong tủ sách của ba tôi, còn có ngăn sách dành riêng cho con trẻ. Đó là những cuốn sách mỏng, chỉ chừng 36 trang, khổ nhỏ do NXB Hợp Lực phát hành tại miền Nam vào khoảng thập niên 1960. Loại sách này, ngoài bìa, phía trên cùng có ghi dòng chữ "Loại sách xanh Măng Mọc Thẳng", nhờ vậy, đến bây giờ tôi mới "phát hiện" ra trong tuyển tập của nhiều tác giả nổi tiếng, nay có những tác phẩm ít được đề cập đến. Chẳng hạn: "Lá thơ rơi", "Anh em thằng nhãi Lu" (Tô Hoài), "Dũng nhà thám hiểm", "Quyển sách bí mật và con khỉ", "Hiền" (Ngọc Giao), "Động Hoa Đào" (Huyền Kiêu), "Bài sử ký" (Thanh Châu)…

Trước đó, vào khoảng thập niên 1950, nhà văn Nhất Linh đã thành lập NXB Phượng Giang. Ngoài các sách khác, ông còn cho ấn hành loại Sách Hồng dày chừng 24 trang, khổ nhỏ, nhằm tái bản các truyện thiếu nhi của các nhà văn đã viết thời tiền chiến: Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Thiện Sỹ…

Bìa một số cuốn sách thiếu nhi xuất bản những năm 1960-1970 tại miền Nam

Bìa một số cuốn sách thiếu nhi xuất bản những năm 1960-1970 tại miền Nam

Thế hệ chúng tôi may mắn được đọc, nó đã trở thành một phần của ký ức được nuôi dưỡng từ các tác phẩm đó.

Bước sang thập niên 1970, loại sách dành cho lứa tuổi này ngày một phong phú, đa dạng hơn. Còn nhớ, trong phần thưởng dành cho học sinh có "Loại sách nhi đồng Tuổi Thơ". Đây là sáng kiến đáng ghi nhận của ông Nguyễn Hùng Trương - chủ nhà sách Khai Trí. Bằng cách nào đó, ông đã quy tụ được hàng loạt cây bút nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến nhà thơ Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam, Hoàng Trúc Ly, Tô Nguyệt Đình, Lê Tất Điều, Thẩm Thệ Hà... Danh sách này có đến vài trăm cuốn.

Loại sách này dày 32 trang, khổ nhỏ, ngoài bìa có đánh số thứ tự các tập sách đã xuất bản; bìa 4 in: "Chúng ta đã từng xót xa đau đớn nhìn thấy tâm hồn thơ ngây say mê đọc loại sách trinh thám và kiếm hiệp rẻ tiền, loại sách khiêu dâm và quái đản, những thứ sách đầu độc trí óc non nớt của con em chúng ta. Để góp phần vào sự giáo dục trẻ em, nhà sách Khai Trí cộng tác với một số nhà văn, nhà giáo thiết tha đến tương lai con em, cho xuất bản loại sách nhi đồng Tuổi Thơ, một loại sách giải trí lành mạnh viết đúng chính tả, ấn loát rõ ràng, giá bán phổ thông, đáng được hãnh diện chưng bày trong mọi tủ sách gia đình".

Nhờ đâu có được kỳ tích sáng giá này? Trong một lần trò chuyện, nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho biết "bí quyết" là ông Nguyễn Hùng Trương đã đặt hàng theo cách ứng tiền trước để nhà văn yên tâm sáng tác. Đơn giản mà hiệu quả.

Bài học thành công này, trong cơ chế xuất bản hiện nay có thể làm được không? Xin dành câu trả lời cho các nhà xuất bản.

LÊ MINH QUỐC

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dung-de-tam-hon-tre-tho-que-quat-con-ai-quan-tam-van-hoc-thieu-nhi-20200708204420762.htm