Đừng để trắng tay vì đua nhau trồng chanh dây, sầu riêng
Với việc phát triển ồ ạt sầu riêng, chanh dây… như hiện nay, rất có thể vài ba năm tới tình trạng cung vượt cầu lại xảy ra và phải giải cứu.
Sau khi sầu riêng và một số loại nông sản, trái cây được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, nhiều người đổ xô vào trồng. Việc phát triển quá nóng không theo quy hoạch, định hướng đã và sẽ tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người trồng lẫn nền kinh tế.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cảnh báo như trên. Ông dẫn chứng với tình trạng phát triển nóng sầu riêng như hiện nay, rất có thể vài ba năm tới tình trạng cung vượt cầu lại xảy ra.
Bài học từ tỉ phú thành con nợ
. Phóng viên: Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ NN&PTNT liên tục có các văn bản cảnh báo về tình trạng phát triển nóng sầu riêng. Tình trạng này hiện nay thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Như Cường (ảnh): Theo định hướng của Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, diện tích trồng sầu riêng có khoảng 65.000-75.000 ha. Thế nhưng, do phát triển nóng nên đến hết năm 2022 đã có khoảng trên 110.000 ha trồng sầu riêng.
Tình trạng phát triển nóng cây sầu riêng không phải là câu chuyện mới mà đã từng xảy ra với rất nhiều loại cây trồng khác. Như khi quy hoạch cũ còn hiệu lực, quy hoạch hồ tiêu đến năm 2020 là 50.000 ha nhưng đến năm 2017-2018 đã đạt 120.000 ha. Việc phát triển quá nóng hồ tiêu là bởi khi đó giá thành sản xuất hồ tiêu chỉ khoảng 40.000 đồng/kg nhưng giá bán ra rất lời, khoảng 200.000 đồng/kg.
Vì thấy có lời cao, người dân đổ xô vào trồng hồ tiêu, trồng ở cả những vùng không phù hợp, lại không có sự đầu tư tương xứng dẫn đến cung vượt cầu, nhiều nông dân từ tỉ phú thành trắng tay, thành con nợ. Nhiều vùng hồ tiêu từ khung cảnh trù phú sau đó chỉ còn xác xơ, tiêu điều.
Bài học tiếp theo là trái thanh long và gần nhất là câu chuyện trái cam, sầu riêng, chanh dây… đang phát triển nóng.
Nếu không quan tâm thị trường nội địa thì tương lai thị trường sầu riêng Việt Nam sẽ vào tay Thái Lan, Malaysia…
. Ông có thể chỉ rõ những vùng đang phát triển nóng cây sầu riêng và một số nông sản khác mà không theo định hướng?
+ Đơn cử như ở vùng ĐBSCL, người dân có xu hướng trồng sầu riêng tại cả những diện tích đất bị phèn, mặn, khu vực có tầng nước ngầm cao, tầng đất canh tác khá mỏng… không phù hợp cho phát triển cây sầu riêng. Tại một số tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ cũng xảy ra tình trạng phát triển nóng.
Đối với khu vực Tây Nguyên, trước đây việc trồng sầu riêng khá hiệu quả và bền vững khi người dân trồng sầu riêng xen lẫn cà phê, hồ tiêu. Thế nhưng, hiện người dân lại đang có xu hướng chặt bỏ cây cà phê và hồ tiêu để biến thành những vườn sầu riêng thuần với mong muốn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Vì theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ chỉ cấp mã số vùng trồng cho những vườn sầu riêng thuần.
Tôi cho rằng cứ đổ xô phát triển nóng như vậy chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Diện tích nhiều loại cây ăn quả vượt xa quy hoạch
Bộ NN&PTNT cho biết theo định hướng phát triển của Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, diện tích trồng cam ổn định ở mức khoảng 100.000 ha, sản lượng 1,2-1,3 triệu tấn. Thế nhưng đến năm 2021 đã đạt 93.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn.
Đối với cây thanh long, định hướng diện tích thanh long ổn định khoảng 60.000-65.000 ha, sản lượng 1,3-1,5 triệu tấn. Tuy nhiên đến năm 2021, diện tích cây thanh long trồng thực tế đã đạt 64.000 ha, sản lượng xấp xỉ 1,4 triệu tấn. Trong hai năm xảy ra dịch COVID-19, việc tiêu thụ thanh long khó khăn, người dân chán nản chặt bỏ thanh long để trồng cây khác nên diện tích đã giảm bớt phần nào.
Định hướng phát triển cây xoài đến năm 2025, 2030 khoảng 130.000-140.000 ha nhưng đến năm 2021 đã có 114.000 ha. Cây chuối định hướng phát triển khoảng 165.000-175.000 ha, sản lượng 2,6-3 triệu tấn, hiện diện tích đã xấp xỉ với định hướng của Bộ NN&PTNT…
Tránh tình trạng phát triển nóng, đến khi dư thừa lại giải cứu
. Rõ ràng việc phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch, định hướng đã và sẽ tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy. Vậy Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì và dự tính tháo gỡ như thế nào?
+ Để ngăn chặn tình trạng phát triển nóng cây sầu riêng và một số cây trồng khác, thời gian qua Bộ NN&PTNT liên tục có các văn bản gửi UBND các địa phương, các sở NN&PTNT yêu cầu rà soát diện tích sầu riêng, chanh dây… trên địa bàn; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp với Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.
Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh dây… tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị người dân cần có trách nhiệm trong sự phát triển này. Tránh tình trạng cứ thi nhau trồng, phát triển nóng, đến khi dư thừa lại trông đợi vào sự giải cứu, như thế sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại.
. Dù Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo nhưng thực tế một số nơi vẫn phát triển nóng sầu riêng, chanh dây… Vậy theo ông, liệu có giải pháp nào hiệu quả để giải quyết bài toán này?
+ Với phát triển nóng sầu riêng như hiện nay, nếu không chuẩn hóa lại quy trình sản xuất thì rất có thể vài ba năm tới tình trạng cung vượt cầu lại xảy ra, lại phải giải cứu sầu riêng, chanh dây. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT không thể bắt buộc người dân được trồng hay không được trồng mà chỉ có thể định hướng, khuyến cáo, nông dân vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Ví dụ với sầu riêng thì trồng ở những vùng có lợi thế về đất đai, nguồn nước, về hạ tầng cơ sở, thời tiết khí hậu cũng như vấn đề cung cầu trong nước và quốc tế. Không thể trồng sầu riêng ở những vùng phèn, mặn, tầng đất canh tác quá mỏng, tầng nước ngầm quá cao.
Bản thân từng địa phương cũng cần hiểu rằng cần căn cứ vào định hướng chung của Bộ NN&PTNT để phát triển cho phù hợp với tổng thể của cả đất nước, chứ không thể chỉ theo định hướng riêng của tỉnh đó.
. Xin cám ơn ông.•
Nguy cơ mất cả sân nhà
. Nhiều thông tin cho biết hiện nay Trung Quốc đang gia tăng trồng một số loại trái cây giống Việt Nam như thanh long, chuối, sầu riêng… Ông có lo ngại tình trạng này sẽ khiến nông sản Việt bị đụng hàng, dội chợ?
+ Tôi đánh giá thị trường sầu riêng trong vài năm tới vẫn phát triển rất tốt, giá trị cao với hàng tỉ USD. Thế nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với mặt hàng cùng loại từ các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Không chỉ vậy, vừa rồi tôi đọc được thông tin các nhà đầu tư Trung Quốc đang phối hợp với Lào xây dựng vùng sầu riêng ở Lào với diện tích lên tới 30.000 ha. Nhật Bản với Malaysia cũng ký hợp tác ghi nhớ phát triển 1.000 ha sầu riêng ở Malaysia. Ngoài ra, Trung Quốc đã có những nghiên cứu thành công về phát triển sầu riêng và thực tế đã phát triển được mấy ngàn hecta.
Từ những yếu tố trên cho thấy Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước. Vì vậy, nếu chúng ta cứ phát triển nóng như thế này, không quan tâm đến các định hướng phát triển của Bộ NN&PTNT, không áp dụng các quy trình canh tác tốt từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, liên kết thì chúng ta sẽ thua. Chúng ta phải xác định rằng không phải chúng ta một mình một sân mà sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt ở mặt hàng này.
Ngoài ra, người dân và các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến thị trường trong nước rất tiềm năng, không phải chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà chặt các cây trồng khác vốn đang phát triển tốt. Nếu không quan tâm thị trường nội địa thì tương lai thị trường sầu riêng Việt Nam sẽ vào tay Thái Lan, Malaysia… Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ thua trên sân nhà.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-trang-tay-vi-dua-nhau-trong-chanh-day-sau-rieng-post724797.html