Đừng để tranh chấp đất đai thành án hình sự

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai thường phức tạp, có xu hướng ngày càng phổ biến, khó xử lý. Có không ít vụ tranh chấp liên quan đến đất đai không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, dân sự, mà còn dẫn đến những vụ án hình sự nghiêm trọng, gây ảnh hưởng an ninh trật tự.

Một thẩm phán đang giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Nhật Minh

Một thẩm phán đang giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Nhật Minh

Muôn kiểu tranh chấp

Tranh chấp đất đai về dân sự thường biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau liên quan đến: quyền sử dụng đất, lối đi chung, di sản thừa kế, tài sản chung…, trong đó có nhiều vụ tranh chấp phức tạp, kéo dài hàng chục năm do có nguồn gốc đất lâu đời, khó thu thập chứng cứ.

Đơn cử như vụ án tranh chấp đất giữa ông N.T. (70 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh) và bà N.V. (78 tuổi, chị vợ của ông T.) kéo dài từ năm 2013 đến nay, vừa được ngành tòa án giải quyết dứt điểm.

Theo trình bày của các đương sự, vào năm 1982, cha vợ ông T. cho vợ chồng ông và bà V. mỗi người một thửa đất tại thành phố Long Khánh. Ông T. cho rằng, vào năm 2008, bà V. nhiều lần dời hàng ranh đá để lấn chiếm đất của vợ chồng ông. Sau nhiều lần giải quyết không thành, năm 2013, ông đã làm đơn khởi kiện bà V. đã lấn đất. Trong khi đó, bà V. cho rằng, bà không lấn chiếm đất nhà ông T.

Đến năm 2024, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Long Khánh đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Đến cuối năm 2024, TAND tỉnh xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm và kết thúc vụ án khiếu kiện kéo dài suốt 12 năm giữa 2 đương sự nói trên.

Bên cạnh đó, cũng chỉ vì lòng tham từ đất đai đã khiến cho nhiều người bị vướng vòng lao lý. Trong đó nổi lên tình trạng làm sổ đỏ giả đem đi bán, cầm cố gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch vừa truy tố bị can Lê Văn Hùng (34 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nội dung vụ án xác định, vào năm 2021, Hùng và bà P. (43 tuổi) góp tiền mua chung thửa đất tại huyện Cẩm Mỹ và Hùng là người đứng tên nhưng bà P. là người giữ sổ đỏ.

Đến tháng 5-2024, Hùng đã làm sổ đỏ giả giống với sổ đỏ bà P. đang giữ. Đến tháng 7-2024, do cần tiền trả nợ ngân hàng nên Hùng đem sổ đỏ giả cầm cố cho anh Huỳnh Minh Tuấn (37 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) với số tiền 500 triệu đồng. Sau khi phát hiện sổ đỏ Hùng đưa cầm cố là giả, anh Tuấn đã trình báo cơ quan công an.

Cũng có những án mạng xảy ra chỉ vì tranh chấp liên quan đến đất đai. Điển hình như ngày 27-3, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Lực (64 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) 18 năm tù về tội giết người. Nội dung vụ án xác định, bị cáo Lực và ông Đ.X.L. (43 tuổi) đã góp tiền mua chung một thửa đất tại xã Xuân Đông. Ông L. hứa sẽ làm giấy tờ tách thửa cho vợ chồng bị cáo Lực, nhưng lại đem bán thửa đất này cho người khác với giá 800 triệu đồng. Do tức giận nên ngày 21-5-2024, bị cáo Lực đã dùng dao đâm ông L. tử vong.

Tương tự, vào ngày 3-3-2023, chỉ vì mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất mà Lê Văn Công (39 tuổi, ngụ xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đã xô xát với em ruột là L.V.T. (28 tuổi) dẫn đến anh T. tử vong.

“Khi xảy ra tranh chấp, cần phải bình tĩnh xử lý và tháo gỡ những vướng mắc. Trong trường hợp không thể tự giải quyết thì cần khởi kiện tại tòa án nhân dân các cấp để được giải quyết đúng theo trình tự, thủ tục. Tránh trường hợp chưa phân thắng thua tại tòa đã phải vướng vòng tù tội” - thẩm phán ĐINH THỊ KIỀU LƯƠNG khuyến cáo.

Kéo giảm hệ lụy do tranh chấp về đất đai

Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh, khi Đồng Nai phát triển nhiều dự án kinh tế lớn đã kéo theo giá đất tăng, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng liên quan đến đất đai diễn ra phổ biến. Thông thường, các vụ án tranh chấp đều được tổ chức hòa giải hoặc đem ra xét xử bằng một bản án dân sự. Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai thường được tòa án thực hiện đầy đủ các thủ tục để đảm bảo việc xét xử công bằng, chính xác trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những vụ tranh chấp dân sự, thời gian qua cũng xảy ra nhiều loại tội phạm liên quan đến đất đai hoặc tranh chấp đất đai với nhiều hành vi như: giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan chức năng…. Hậu quả khiến cho một số đối tượng phải rơi vào vòng lao lý và những bị hại khác cũng trở nên khốn khó vì mất tài sản.

Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, để góp phần phòng ngừa tranh chấp đất đai cũng như vụ án hình sự liên quan đến đất đai, ngay từ trong mỗi gia đình, phải xây dựng được giá trị cốt lõi về đạo đức, sự chia sẻ, yêu thương và nhất là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn; nâng cao công tác giáo dục đạo đức kèm với tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, mỗi người dân cần nhận thức đúng về các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng xấu hoặc những tranh chấp pháp lý liên quan đến đất đai.

Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể cần sớm phát hiện xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Từ đó, phối hợp cùng thực hiện tư vấn, khuyên răn trên cơ sở đạo đức và pháp luật. Đồng thời, đối với các vụ tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, cần giải quyết thấu tình, đạt lý nhằm tránh việc xét xử thiếu khách quan, không công bằng làm gia tăng thêm mâu thuẫn của đôi bên và tránh trở thành nguyên nhân gây ra các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tăng cường giám sát tình trạng xây dựng trái phép, tự ý tách thửa đất không phép hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tội phạm lợi dụng kẽ hở trong quản lý đất đai để phạm tội.

Nhật Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/202504/dung-de-tranh-chap-dat-dai-thanh-an-hinh-su-64c6a92/