Đừng để tự công bố trở thành 'con dao hai lưỡi'

Đã đến lúc cần ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng 'tự công bố' để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Miếng mồi” của những kẻ cơ hội

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi hoang mang trước việc Bộ Công an triệt phá đường dây sữa giả cho bà bầu, trẻ sinh non... với số lượng cực lớn.

Theo cơ quan công an, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột. Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố.

Không chỉ gây rúng động dư luận bởi quy mô, tính chất nghiêm trọng, sự việc còn khiến người tiêu dùng phải “lạnh gáy” khi cơ quan công an xác định, rất nhiều các sản phẩm sữa giả được phát hiện nằm trong diện doanh nghiệp được “tự công bố” về chất lượng, thành phần, công dụng.

Một số sản phẩm sữa giả được lực lượng công an phát hiện. Ảnh: VTV

Một số sản phẩm sữa giả được lực lượng công an phát hiện. Ảnh: VTV

Trên thực tế, theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (sữa bột), sản phẩm dinh dưỡng thông thường…, doanh nghiệp được phép tự công bố rồi đưa sản phẩm ra thị trường mà không cần có sự kiểm định hay thẩm tra từ các cơ quan chức năng trước khi thương mại hóa.

Ban đầu, chính sách này được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, chính sách này đang bộc lộ những lỗ hổng lớn, khi xuất hiện không ít các cá nhân và tổ chức lợi dụng cơ chế tự công bố để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.

Trong khi đó, cơ quan chức năng lại không đủ nguồn lực để tiến hành hậu kiểm hết số lượng hàng trăm nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường mỗi năm. Những vụ việc như của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs hay vụ hơn 500 nhãn hiệu sữa giả mới bị phát hiện đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác hậu kiểm - vốn được coi là khâu quan trọng bậc nhất bảo vệ người dùng trước nguy cơ từ các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng trong bối cảnh doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm.

Khi thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên từ cơ quan nhà nước, có doanh nghiệp sẵn sàng vì lợi ích mà bất chấp quy định pháp luật, làm giả các giấy tờ công bố chất lượng. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp còn tự ý thay đổi công thức, tỷ lệ thành phần trong sản phẩm mà không có sự báo cáo, thông báo với cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Và đến khi cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm công bố không đúng quy định, xác định sản phẩm là hàng giả thì đã có hàng nghìn sản phẩm được doanh nghiệp đưa ra thị trường, đến tay người sử dụng. Không ai khác, những người bị thiệt hại về tài chính, về sức khỏe chính là người tiêu dùng.

Cơ quan công an đã tạm giữ gần 600 nhãn hiệu sữa giả thuộc đường dây của hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Ảnh: Công an nhân dân

Cơ quan công an đã tạm giữ gần 600 nhãn hiệu sữa giả thuộc đường dây của hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Ảnh: Công an nhân dân

Hạn chế công bố “dởm”

Sự việc hàng trăm nhãn hiệu sữa giả ngang nhiên ra thị trường đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quy định “tự công bố” hiện nay để đưa các sản phẩm giả, kém chất lượng ra thị trường.

Đồng thời, đặt ra vấn đề cấp thiết về việc cần phải có thêm những chế tài để quản lý hoạt động tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp, tránh để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp nhằm gây hại cho người tiêu dùng.

Với tình hình hiện tại, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là đối với các sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (như sữa, thực phẩm). Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng nhận về chất lượng sản phẩm từ những tổ chức kiểm định độc lập, thay vì chỉ dựa vào báo cáo tự công bố của chính doanh nghiệp.

Thêm vào đó, cần nghiên cứu, siết chặt hơn nữa quy định với cơ chế tự công bố sản phẩm, nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm chức năng, sữa, thuốc, mỹ phẩm..., tăng cường kiểm tra định kỳ và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu. Đã đến lúc, chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc và hành động mạnh mẽ hơn để bịt kín những kẽ hở pháp lý, bảo vệ người dân trước những nguy cơ tiềm ẩn từ những sản phẩm “tự công bố”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung) trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.

Trong thời gian qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-de-tu-cong-bo-tro-thanh-con-dao-hai-luoi-382920.html