Đừng để tuyển Việt Nam thua trên khán đài sân Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2026
Phía sau sự thành công của một đội tuyển không chỉ đơn thuần là cầu thủ giỏi, HLV tài mà cần có sức mạnh tinh thần. Đó là 'cầu thủ số 12', người hâm mộ cổ vũ cho đội tuyển trên khán đài.
1. Ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, Trung Quốc đá trên sân trung lập thắng Việt Nam 3-2, nhưng họ phải phơi áo với thất bại 1-3 ở sân Mỹ Đình. Chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang Seo có sự góp sức rất lớn từ người hâm mộ, dù ngày mùng 1 Tết nhưng sân Mỹ Đình được lấp đầy. “Biển người” cổ vũ tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ Việt Nam, ngược lại khiến cho tuyển Trung Quốc chịu áp lực rất lớn.
Tuyển Malaysia đã có màn trình diễn ấn tượng khi hòa Việt Nam 2-2 ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, dù họ sớm bị dẫn 2 bàn. Nhưng không còn điểm tựa mang tên “chảo lửa” Bukit Jalil với sức chứa 87 nghìn chỗ ngồi, Malaysia thua Việt Nam 0-1 ở chung kết lượt về. Malaysia phải đá trên Mỹ Đình của Việt Nam và đối diện áp lực lớn với 4 mặt khán đài đầy ắp khán giả.
Sân Gelora Bung Karno của Indonesia là “chảo lửa” còn đáng sợ hơn sân Bukit Jalil (Malaysia). Nơi đây từng có sức chứa lên đến 110 nghìn chỗ ngồi, rồi giảm xuống 78 nghìn chỗ. Tuyển Indonesia đá trên sân Gelora Bung Karno luôn nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà, và các đội khách chịu vô vàn áp lực. Tuyển Việt Nam phải trải qua 23 năm mới thắng Indonesia trên sân khách, đó là trận thắng với tỷ số 1-3 ở vòng loại thứ hai World Cup 2022.
2. Bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua tự hào thành công hơn so với Malaysia, Indonesia, nghịch lý là sân nhà Mỹ Đình hiếm khi trở thành “chảo lửa” đích thực. Con số thống kê của AFF Cup 2022 là ví dụ. Việt Nam có trung bình 18 nghìn CĐV mỗi trận đấu, trong khi Indonesia chỉ được phép đón 50% khán giả nhưng có đến 37 nghìn, Malaysia bị hạn chế vẫn đón 47 nghìn khán giả/trận.
Câu chuyện kể trên là sự thiệt thòi lớn cho các cầu thủ Việt Nam. Họ nỗ lực hết mình để mang về thành công nhưng chưa có được sự tiếp lửa cuồng nhiệt giống như Malaysia, Indonesia. Đúng hơn, “cầu thủ số 12” của tuyển Việt Nam cần phải được cải thiện về số lượng lẫn chất lượng ở sân Mỹ Đình.
Có ý kiến cho rằng, bóng đá cần thành tích để khán giả đến sân. Điều đó không sai nhưng chưa đúng bản chất về tình yêu bóng đá của người hâm mộ. Như đã nói ở trên, tuyển Việt Nam có thành tích vượt trội so với Malaysia và Indonesia nhưng thống kê về khán giả thì thua xa. Người hâm mộ Việt Nam có lẽ phải thay đổi quan điểm về bóng đá thắng - thua. Chúng ta cần thể hiện tình yêu với đội tuyển trong mọi hoàn cảnh, đến sân ủng hộ trong mọi trận đấu để tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển Việt Nam.
3. Ở vòng loại World Cup 2026 sắp tới, tuyển Việt Nam được kỳ vọng tạo ra kỳ tích với giấc mơ lần đầu góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó không phải là câu chuyện của các cầu thủ và HLV Troussier, mà cần sự chung tay của hàng triệu người hâm mộ.
Có thể một số người hoài nghi về mục tiêu World Cup 2026 nhưng tình yêu dành cho tuyển Việt Nam có ý nghĩa khác. Các cầu thủ Việt Nam cần được tiếp lửa cuồng nhiệt nhất và sân Mỹ Đình phải trở thành “chảo lửa”, là nơi đi dễ khó về với mọi đối thủ. Đó còn là điểm tựa tinh thần để thầy trò HLV Troussier nhìn lên khán đài mà đá với quyết tâm cao nhất, đá 100% sức lực vì tình yêu của người hâm mộ.
Đừng để tuyển Việt Nam thua trên khán đài ở vòng loại World Cup 2026. Thành hay bại là câu chuyện không thể nói trước nhưng đội tuyển Việt Nam thực sự cần người hâm mộ đứng phía sau, cần sân Mỹ Đình được phủ kín. Và mỗi chúng ta cần có trách nhiệm cổ vũ hết mình cho thầy trò HLV Troussier, thay vì khen - chê mà không đến sân Mỹ Đình tiếp lửa.
Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2026 của đội tuyển Việt Nam:
Ngày 16/11, Việt Nam có trận đấu trên sân khách của Philippines. Ngày 21/11, thầy trò HLV Troussier gặp Iraq trên sân Mỹ Đình.