Đừng để văn hóa chỉ là 'bánh xe thứ năm'
Chấn hưng văn hóa cần bắt đầu từ thể chế. Trước hết phải được thể hiện trong các quy định pháp luật, các quy tắc ứng xử xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, xuống cấp đạo đức ở Việt Nam hiện nay. Một số ý kiến nhìn nhận ở tầm vĩ mô, cho rằng đó là mặt trái của kinh tế thị trường, cái giá phải trả của hiện đại hóa và toàn cầu hóa…
Tuy nhiên, nhìn từ phương diện văn hóa, có thể lý giải một số nguyên nhân chính. Trước hết, đó là sự đứt gãy của đạo đức truyền thống trong quá trình phát triển nóng sang xã hội hiện đại. Các giá trị đạo đức cũ không còn thích hợp, bị giải thể, “giải cấu trúc”, trong khi các giá trị đạo đức mới đang hình thành, chưa được củng cố, định hình, dẫn đến những “lệch chuẩn”, sự đảo lộn các giá trị, làm tan rã, hủy hoại các giá trị truyền thống.
Thứ hai là công cuộc giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa phù hợp, chưa hiệu quả, mới thiên về “dạy chữ”, dạy nghề mà chưa chú trọng đúng mức đến việc “dạy người”, giáo dục đạo đức cá nhân, đạo đức công dân.
Thứ ba là các thiết chế xã hội, các mô tế bào cơ bản như gia đình, làng xã không còn giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn đạo đức cá nhân. Khoảng cách thế hệ, sự rạn nứt trong quan hệ giữa người với người, sự tiếp thu xô bồ văn hóa ngoại nhập dẫn tới những ứng xử bất chấp cả chuẩn mực đạo lý lẫn chuẩn mực pháp lý.
Thứ tư là văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt vai trò giáo dục, điều chỉnh đạo đức. Chức năng quan trọng của văn hóa nghệ thuật là “giáo hóa”, cảm hóa con người, thu phục nhân tâm, bồi bổ tâm hồn, giáo dục những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nhưng chức năng đó đang suy giảm khá mạnh, một phần do chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, mặt khác là do sự cạnh tranh của các hình thức giải trí vô cùng đa dạng trong xã hội hiện đại.
Thứ năm là các cơ quan báo chí, truyền thông chưa làm tròn vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức về đạo đức; còn thiên về phản ánh những phương diện tiêu cực trong xã hội, chạy theo mục tiêu thương mại và giải trí, chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, bảo vệ cái tốt cái đúng, nêu gương người tốt việc tốt.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác đến từ các phương diện kinh tế, xã hội, pháp luật như: những bất cập về thể chế kinh tế - xã hội; năng lực quản lý và điều hành đất nước còn non yếu, tạo kẽ hở cho các tiêu cực về đạo đức hoành hành; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, pháp luật chưa được thượng tôn; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu gương về đạo đức…
Tôi cho rằng chấn hưng văn hóa cần bắt đầu từ thể chế. Trước hết phải được thể hiện trong các quy định pháp luật, các quy tắc ứng xử xã hội. Phải kịp thời thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người thành các chính sách, pháp luật cụ thể, khả thi. Từ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh tế, xã hội đến các quy tắc ứng xử trong từng cơ quan, tổ chức, nơi công cộng...
Trong công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc, các giải pháp đặt ra cần phải đồng bộ và tổng thể. Sự nghiệp này không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ và các điều kiện khác về kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật, giáo dục…
Hiện nay rất nhiều vấn đề của văn hóa đang cần được quan tâm như xây dựng thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp, đô thị lớn; bảo tồn và phát triển văn hóa ở miền núi còn khó khăn hay hàng nghìn di sản, di tích lịch sử, cách mạng đang cần tu bổ, giữ gìn… Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa rất cần thiết nhưng không phải cứ có chương trình này thì văn hóa sẽ được tác động một cách mạnh mẽ và toàn diện. Chúng ta cần hiểu chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là sự đầu tư một cách có trọng điểm cho những lĩnh vực của ngành văn hóa mà không được hỗ trợ, bù đắp đủ từ ngân sách nhà nước.
Còn như tôi đã nói, chấn hưng văn hóa đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng không chỉ là việc của ngành văn hóa mà bao gồm công việc của rất nhiều đơn vị, bộ ngành, địa phương.
Do nhiều người nghĩ văn hóa “chỉ là cờ đèn kèn trống” nên đầu tư cho văn hóa còn rất hạn chế. Đi vào thực tế, chúng ta thấy ở nhiều nơi, văn hóa chỉ là “bánh xe thứ năm” mang tính dự phòng, không bao giờ được coi là trụ chính để phát triển.
GS-TS. Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)
Thạch Thảo - Quốc Ngọc thực hiện
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dung-de-van-hoa-chi-labanh-xe-thu-nam-42492.html