Đừng để văn hóa du lịch chỉ là khẩu hiệu

Những ngày gần đây, cộng đồng du lịch Ninh Bình lại có dịp 'dậy sóng' vì câu chuyện 'thu tiền vô lý, đuổi cừu hộ cũng bắt trả tiền' ở đồng cừu xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn. Câu chuyện đáng tiếc một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về việc cần sớm chấn chỉnh 'văn hóa du lịch', đừng nghĩ nó chỉ là những khẩu hiệu suông.

Khách du lịch về tham quan Khu di tích văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Đường

Khách du lịch về tham quan Khu di tích văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Đường

Bức xúc vì câu chuyện "thu tiền vô lý"

Cụ thể, theo chị Nguyễn Thị Xuân Thùy - người đã phát clip với nội dung "Bà chủ đồng cừu Gia Hưng, huyện Gia Viễn thu tiền vô lý, đuổi cừu hộ cũng bắt trả tiền" trên mạng facebook kể lại:

"Hôm đó, tôi cùng các em đi chơi. Lúc đi qua đàn cừu ở bờ đê thuộc xã Gia Hưng, cháu tôi ở trong thành phố Hồ Chí Minh muốn xuống chụp ảnh. Người đàn ông chăn cừu nói tiền vé là 50 nghìn/người. Chúng tôi đồng ý và giúp người chăn cừu lùa cừu sang phía khu dân cư, tránh trường hợp cháu tôi có thể trượt chân ngã xuống sông. Khi mọi người đang cùng nhau đuổi thì một người phụ nữ gần 60 tuổi xưng là chủ đàn cừu xuất hiện và bắt chúng tôi phải nộp thêm tiền nếu không sẽ không cho đi. Cô ấy ra giá: 7 người là 350 nghìn, nhưng "chỉ lấy giá hữu nghị" là 200 nghìn…

Chúng tôi phản đối bởi cả nhóm đang cùng nhau đuổi cừu chứ không hề chụp ảnh. Chỉ có đứa cháu vừa chụp được 2 kiểu thì cô này ra quát tháo, thu tiền. Chúng tôi nói sẽ trả thêm 50 nghìn (tổng là 100 nghìn) cho vài bức ảnh như vậy. Nhưng cô này gay gắt giữ chìa khóa, chặn đầu, bắt chúng tôi xuống xe và nhất định không cho đi.

Sau một hồi thấy tôi làm căng, phân tích đúng sai, cô ấy "xuống giọng" chốt giá cuối là 150 nghìn vì lý do "bọn tôi bỏ tiền đồng, thu tiền hào nên phải như vậy". Trời nóng sợ bọn nhỏ mệt nên chúng tôi đã đồng ý để nhanh chóng đi khỏi đây. Vài trăm bạc không đáng gì nhưng cái gì sai thì phải lên tiếng. Là người địa phương còn bị bắt nạt vậy, không biết du khách đến đây thì thế nào?"

Chị Nguyễn Thị Hòa, người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc cũng phải bức xúc lên tiếng: "Rõ ràng người chủ đàn cừu này rất vô lý, cố chấp, thiếu văn hóa. Đoàn khách đã sẵn sàng mở điện thoại cho cô ấy xem, thậm chí yêu cầu gọi người chăn cừu ra nhưng cô không chịu, nói thế nào cũng không nghe, chỉ kiên quyết bắt trả theo đầu người. Ở đâu lại có kiểu, đi qua cừu, lùa cừu hộ cũng bắt trả tiền, không trả thì chặn xe, dọa nạt du khách như vậy được."

Chỉ trong một thời gian ngắn, video này đã thu hút sự quan tâm, bình luận của hàng nghìn người. Hầu hết mọi người đều cho rằng bà chủ đàn cừu đã sai và thu tiền hết sức vô lý. Điều đáng nói, rất nhiều người cũng đồng loạt lên tiếng về việc mình cũng từng là nạn nhân bị "chặt chém" khi đến đây chụp ảnh. Bức xúc, nickname Phạm Hưởng bình luận "Có lần tôi đi qua đây, người chủ cũng nói đê này cô ấy thầu hết rồi, đứng trên đê cũng phải trả tiền." Người dùng facebook Ánh Lyly để lại chia sẻ "Chúng tôi đi 4 người nhưng chỉ có 2 người chụp ảnh. Cô này đòi 400 nghìn, sau đó giảm xuống còn 200 nghìn. Bát nháo, lộn xộn, mỗi người lấy một giá. Nhiều người thấy cảnh đê đẹp, chụp chẳng may dính cừu cũng phải trả tiền".

Chị Huyền Vũ thì than "Tôi cũng từng bị. Chỉ 1 lần không bao giờ có lần 2". "Thật buồn, rồi đây ai còn muốn đến chụp cừu nữa? Quê hương muốn phát triển du lịch mà có những người thiếu văn hóa thì sao phát triển được? Đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc chứ không mất hình ảnh du lịch quê mình lắm!" một người dùng khác lo lắng. Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng, tại sao tình trạng này diễn ra lâu như vậy nhưng vẫn chưa được địa phương xử lý triệt để?

Trao đổi với ông Đinh Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, được biết, nhân vật trong clip "đồng cừu Gia Hưng" thuộc gia đình ông Nguyễn Văn Ngân, ở xóm 5. Hộ này vốn là hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong xã. Mấy năm gần đây chuyển sang nuôi cừu, thu hút rất nhiều du khách đến chụp ảnh. Tuy nhiên đây là hoạt động "tự phát", việc thu tiền, giá vé bao nhiêu đều do chủ hộ tự ý đặt ra. Ngay sau khi nhận được phản ánh, địa phương đã giao cho lực lượng công an xã phối hợp với chủ hộ, sớm chấn chỉnh và giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn này.

Đừng để văn hóa chỉ là khẩu hiệu

Câu chuyện ở đồng cừu Gia Hưng là một sự việc đáng tiếc, một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng trong việc xây dựng văn hóa du lịch, quản lý văn hóa du lịch nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, mọi thông tin được lan truyền với tốc độ "chóng mặt" như hiện nay. Đây chắc chắn cũng là một bài học đáng nhớ đối với người chủ đàn cừu.

Thực tế, những sự việc đáng tiếc này thường chỉ xảy ra ở những cơ sở nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp, sự quản lý giám sát của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Nhưng từ những câu chuyện nhỏ này nếu không xử lý dứt điểm, sẽ để lại những tiền lệ xấu gây ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Xác định việc xây dựng văn hóa du lịch là yếu tố quyết định đến việc có níu chân du khách ở lại hay không, thời gian qua, ngành Du lịch đã triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân và các khu, điểm du lịch về việc xây dựng văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch. Qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét, để lại sự hài lòng đối với du khách.

Ý thức của người dân, du khách chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi sau các sự kiện lớn. Ảnh: Minh Hải

Ông Hoàng Thanh Phong, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động chia sẻ: Để xây dựng Khu du lịch Tam cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn, nhất là nâng cao văn hóa ứng xử cho những người làm du lịch, Ban Quản lý đã đề ra nhiều giải pháp, phối hợp tích cực với các cấp, ngành, lực lượng chức năng, đoàn thể xã hội tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, niêm yết công khai giá các dịch vụ, ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động kinh doanh, tạo thuận lợi cho du khách. Xử lý kiên quyết nếu có trường hợp chèo kéo khách, ép khách mua hàng, chụp ảnh lưu niệm…

Tại bến thuyền, yêu cầu đội ngũ lái đò thực hiện quy định mặc áo đồng phục, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp, gọn gàng vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi người. Ngoài ra trong quá trình tiếp đón du khách phải niềm nở, thân thiện, tăng cường giới thiệu cảnh quan, văn hóa để du khách thêm hiểu về các giá trị nơi đây.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở văn hóa của những người làm du lịch thì chưa đủ. Để xây dựng môi trường văn hóa du lịch còn cần sự tham gia, ý thức tự giác của mỗi du khách. Thực tế vẫn còn đó những du khách thiếu ý thức xả rác ra môi trường, vẫn còn những du khách ăn mặc phản cảm, hành vi thiếu chuẩn mực khi đến các khu, điểm du lịch. Vẫn có những du khách buông lời xỉ vả, xúc phạm những người làm du lịch, bỏ qua các quy định, nội quy đã được đưa ra để đạt được lợi ích cho mình.

Chúng ta nói nhiều đến văn hóa du lịch, đến việc xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn. Song làm thế nào để văn hóa du lịch không chỉ dừng lại là khẩu hiệu hay lời hô hào? Làm thế nào để khẳng định sự khác biệt của văn hóa và con người Ninh Bình với hàng nghìn điểm du lịch hấp dẫn khác? Điều đó có lẽ cần một quá trình dài cùng sự nỗ lực xây dựng của tất cả mọi người, từ người làm du lịch đến những người đi du lịch.

Thật may, văn hóa là điều có thể tuyên truyền, bồi đắp được nên chúng ta có thể hi vọng với sự vào cuộc chủ động, tích cực, trong thời gian tới sẽ không còn nghe thấy những phàn nàn, những câu chuyện đáng tiếc về cách làm du lịch méo mó, chộp giật, thiếu văn hóa ở nơi nào đó …trên đất Ninh Bình.

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dung-de-van-hoa-du-lich-chi-la-khau-hieu/d202211281642435.htm