Loạn xe dù, bến cóc giữa nội thành Đà Nẵng

Bến cóc mọc như nấm quanh bến xe trung tâm Đà Nẵng, hàng loạt nhà xe sử dụng xe hợp đồng để gom khách lẻ, xác nhận đặt chỗ, thu tiền như tuyến cố định.

Bến cóc tràn lan, xe trá hình nhan nhản

Trung tuần tháng 6, PV có mặt tại các tuyến đường quanh bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, ghi nhận bến cóc mọc lên như nấm, xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai, rầm rộ.

Xe Đình Nhân dừng đón trả khách, hàng hóa trước văn phòng 166 Điện Biên Phủ.

Xe Đình Nhân dừng đón trả khách, hàng hóa trước văn phòng 166 Điện Biên Phủ.

Gần trưa 11/6, văn phòng của nhà xe Quỳnh Nhật tại số nhà 95 đường Hoàng Thị Loan (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) tấp nập, hành khách lỉnh kỉnh hành lý.

Trước cửa văn phòng, các bao tải, thùng hàng nằm la liệt, người tới lui liên tục.

Dưới lề đường, chiếc xe khách BKS 43F-004.82 chờ sẵn. Gần 11h cùng ngày, nhân viên nhà xe tất bật xếp hành lý, cho hành khách lên xe. Đúng 11h, chiếc xe quay đầu về cầu vượt Ngã Ba Huế, xuôi theo đường Trường Chinh (quốc lộ 1A) chạy thẳng về hướng Nam.

Trên kính trước và sau của xe khách này đề chữ "xe hợp đồng" nhưng lại niêm yết chạy tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn – Cần Thơ. Theo dữ liệu tại bến xe trung tâm Đà Nẵng, xe 43F-004.82 không đăng ký hoạt động tại bến này cũng như bến xe phía Nam thành phố.

Tại đường Nam Trân (phường Hòa Minh), đối diện bến xe trung tâm Đà Nẵng, hoạt động đón khách, xếp dỡ hàng còn tấp nập hơn. Tối 11/6, dọc đường Nam Trân tràn ngập các xe giường nằm đỗ trước văn phòng.

Gần 20h, Văn phòng nhà xe Kim Chi 265 điện sáng choang, xe khách BKS 43B-050.57 đỗ trước cửa. Nhân viên liên tục chất hàng vào khoang, khách nườm nượp lên xe. Sau hơn 1 giờ chất hàng, nhận khách, chiếc xe này mới quay đầu chạy vào bến xe Đà Nẵng để làm thủ tục xuất bến.

Cách đó không xa là văn phòng nhà xe Tân Kim Chi, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 1.000m2. Nơi đây cũng trở thành điểm nhận hàng, đón khách của nhà xe này. 17h15 ngày 11/6, xe BKS 43F-006.14 làm lệnh xuất bến tại bến xe Đà Nẵng. Tuy nhiên, thay vì chạy thẳng theo lộ trình đã đăng ký, chiếc xe khách này lại chạy vào đường Nam Trân, quần thảo nhiều vòng để đón khách rồi mới rời đi.

Ghi nhận thực tế, dọc đường Nam Trân có gần chục văn phòng xe khách, trong đó nhiều nhà xe như Tân Kim Chi, Kim Chi 265, Hải Hoàng Gia… thường xuyên tổ chức đón khách tại văn phòng.

Vô tư bán vé, thu tiền tươi

Trong khi đó, trên đường Điện Biên Phủ lâu nay tồn tại các nhà xe Đình Nhân, Cẩm Vân với mác xe hợp đồng nhưng có tổng đài đặt vé, gom khách lẻ, chạy như tuyến cố định. Những nhà xe này từng có thời gian đăng ký hoạt động, có quầy bán vé tại bến xe trung tâm Đà Nẵng. Nhưng nhiều năm trước, các nhà xe lần lượt bỏ bến ra ngoài chạy hợp đồng trá hình.

Xe Đình Nhân xuất vé đặt chỗ cho khách như tuyến cố định.

Xe Đình Nhân xuất vé đặt chỗ cho khách như tuyến cố định.

Trước số nhà 246 Điện Biên Phủ là văn phòng nhà xe Cẩm Vân, thường chạy tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn. Hoạt động xác nhận khách, chất hàng diễn ra rầm rộ. Qua điện thoại, nhân viên nhà xe cho biết, xe có 2 khung giờ xuất bến là 10h (xe 30 chỗ) và 13h (xe 20 chỗ) hằng ngày. Giá vé xe 30 chỗ là 500 nghìn tầng trên và 550 nghìn đồng/khách tầng dưới. Còn xe 20 chỗ giá vé là 650 nghìn đồng tầng trên và 700 nghìn đồng/ khách tầng dưới.

Cách đó chừng 500 mét là văn phòng của nhà xe Đình Nhân cũng chạy tuyến Đà Nẵng – TP.HCM. Nhân viên nhà xe giới thiệu, có 5 khung giờ xuất bến trong ngày, phương tiện là xe có 20 phòng. Giá vé phòng tầng trên 700 nghìn đồng, tầng dưới 750 nghìn đồng/khách. Địa điểm lên xe là số nhà 166 Điện Biên Phủ (văn phòng nhà xe). Khung cảnh tấp nập tại đây không khác một bến xe thu nhỏ.

Khách đối mặt rủi ro

Với việc các xe của nhà xe Đình Nhân, Cẩm Vân thường trong tình trạng cháy vé, lại không mất phí ra vào bến, dịch vụ phục vụ hành khách… nhẩm tính sau khi trừ đi chi phí tài xế, nhiên liệu, mỗi chuyến xe của các nhà xe này đã thu lợi khủng.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách tuyến Đà Nẵng – TP.HCM hoạt động tại bến xe Đà Nẵng cho hay, mỗi xe giường nằm xuất bến Đà Nẵng với hành trình 800km trở lên phải đóng mức phí từ 9.500 – 13.500 đồng/ghế, giường, chưa kể các loại phí khác.

Trong khi các doanh nghiệp có đăng ký bến bãi phải mất phí thì các xe trá hình ngang nhiên ra ngoài bắt khách lẻ, cạnh tranh bất bình đẳng với các nhà xe làm ăn chân chính. Đáng nói là hành khách trên các chuyến xe trá hình hợp đồng ngoài các cuộc điện thoại trực tiếp để đặt xe thì không có bất kỳ xác nhận chính thức nào, không có vé theo quy định nên sẽ không có căn cứ để bồi thường nếu không may xảy ra TNGT.

Theo tìm hiểu, nhà xe Cẩm Vân đăng ký 4 xe hợp đồng vận tải khách, xe du lịch tại Đà Nẵng. Còn nhà xe Đình Nhân đăng ký hoạt động 6 xe. Cách thức hoạt động của các nhà xe này đều là đưa đón khách theo hợp đồng, không bán vé lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác nhận đặt chỗ, gom khách lẻ của các nhà xe này diễn ra phổ biến.

Theo lãnh đạo Chi cục thuế Thanh Khê - Liên Chiểu (Cục thuế TP Đà Nẵng), quy định hiện nay là doanh nghiệp tự tổ chức khai thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật về số thuế đã khai. Cơ quan thuế không thể kiểm soát được hết việc ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp trên thực tế. Để đảm bảo công bằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, công an, Sở GTVT, quản lý thị trường.

Theo ông Đặng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, hiện Sở đang phối hợp Cục thuế thành phố xây dựng, triển khai quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan để tăng cường công tác quản lý, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Kiến nghị lắp camera phạt nguội

Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận phản ánh về tình trạng xe đón trả khách trên đường Nam Trân, Điện Biên Phủ và đã xử phạt rất nhiều xe vi phạm. Trong đó, hầu hết các xe chấp hành việc xử phạt, nhưng cũng có nhà xe chây ì không chịu đến xử lý biên bản. Thậm chí có trường hợp khi lực lượng TTGT đến kiểm tra thì tài xế lái xe đi nơi khác.

Lực lượng TTTGT Đà Nẵng kiểm tra hoạt động đón, trả khách nhà xe Đình Nhân.

Lực lượng TTTGT Đà Nẵng kiểm tra hoạt động đón, trả khách nhà xe Đình Nhân.

Theo ông Hoàng, ngoài việc phân công lực lượng TTGT tổ chức kiểm tra, xử lý, đơn vị cũng có công văn gửi công an các quận liên quan để phối hợp xử lý.

Lãnh đạo Đội CSGT – TT Công an quận Liên Chiểu cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị xử lý hàng chục trường hợp đón trả khách không đúng quy định trước bến xe trung tâm Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhà xe có cảnh giới nên việc xử lý gặp khó khăn, lực lượng chức năng phải hóa trang, ghi hình để phạt.

Đơn vị này kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung lắp đặt biển cấm dừng, đỗ trên đường Nam Trân. Ngoài ra, giải pháp căn cơ là lắp camera để phạt nguội vì cứ vắng mặt lực lượng CSGT thì vi phạm lại tái diễn.

Theo ông Đặng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, với các xe Đình Nhân, Cẩm Vân, Sở không cấp phù hiệu, các nhà xe này xin phù hiệu từ Sở GTVT TP.HCM. Định kỳ hằng tháng, Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý tình trạng đậu đỗ sai quy định tại các tuyến đường xung quanh bến xe và khu vực lân cận. Tuy nhiên, nhiều thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ phát hiện xe chất hàng chứ không đón khách.

Thời gian tới, ngoài việc kiểm tra trực quan, Sở sẽ bổ sung các biển cấm dừng, đỗ, lắp camera giám sát để xử lý.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, từ ngày 1/3 - 1/7/2024, lực lượng TTGT phát hiện 24 trường vi phạm về kinh doanh vận tải khách, đã xử lý 10 trường hợp và gửi thông báo vi phạm đến cơ quan đăng kiểm các trường hợp còn lại. Riêng trên đường Điện Biên Phủ, lực lượng chức năng xử lý 7 trường hợp, có 4 trường hợp vẫn chây ì, chưa chấp hành xử lý.

Văn Tư

Vĩnh Nhân

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/loan-xe-du-ben-coc-giua-noi-thanh-da-nang-192240704235537108.htm