Đừng để Vườn tượng danh nhân bị lãng quên
Ngày 22-9-2015, tại Văn miếu Trấn Biên đã diễn ra sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt: khánh thành Vườn tượng Danh nhân văn hóa được thực hiện từ nguồn huy động xã hội hóa, trong đó có phần đóng góp từ Phong trào Kế hoạch nhỏ của hàng ngàn học sinh trong tỉnh. Vườn tượng ra đời với mong muốn làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.
Công trình Vườn tượng danh nhân với 13 vị danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam, gồm 12 vị đang được thờ tại Nhà Bái đường của Văn miếu Trấn Biên (Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu) và tượng Vua Lý Thái Tổ. Trong đó, nằm tại vị trí trung tâm và là điểm nhấn của Vườn tượng Danh nhân văn hóa là tượng Vua Lý Thái Tổ với chiều cao trên 7,5m (bao gồm tượng và phần đế). Tất cả các bức tượng đều được chế tác bằng đá xanh nguyên khối - một loại đá quý hiếm đặc trưng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Vườn tượng danh nhân ngay sau khi được khánh thành đã được mở cửa miễn phí để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tham quan của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, với những học sinh được học trong những ngôi trường vinh dự mang tên danh nhân thì việc được tham quan thực tế, tìm hiểu về danh nhân ở vườn tượng giúp các em có nhiều thông tin hơn về lịch sử, thêm yêu quý ngôi trường của mình.
Thế nhưng, cùng với thời gian và do thiếu sự quan tâm, tu bổ thường xuyên, Vườn tượng danh nhân bị xuống cấp, cỏ mọc um tùm, đìu hiu. Đã từ lâu, nơi đây không còn là điểm đến của du khách, nhất là học sinh, sinh viên, kể cả người dân sống xung quanh khu vực này, vì không còn nhận ra một vườn tượng với quy mô như trước. Một địa chỉ văn hóa ý nghĩa đã và đang không phát huy được tác dụng và rất có khả năng bị lãng quên nếu như đơn vị chức năng không sớm vào cuộc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để vườn tượng “sống” lại.
Đồng Nai có khá nhiều danh thắng, di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm đầu tư, tăng cường kết nối để những di tích, danh thắng này thu hút được đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu, từ đó tính toán việc tạo nguồn thu từ chính các di tích, danh thắng này để phục vụ cho công tác tu sửa, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa khai thác hiệu quả.
Vườn tượng danh nhân, một công trình văn hóa ý nghĩa, rất cần nhanh chóng được sửa chữa, khôi phục để không bị lãng quên, tiếp tục trở thành không gian văn hóa thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thưởng lãm.