Đừng đổ lỗi cho đèn tín hiệu khi tham gia giao thông

Khi Nghị định 168 có hiệu lực, mức xử phạt vượt đèn đỏ tăng lên từ 3- 6 lần thì lại có ý kiến đổ lỗi cho đèn tín hiệu và hạ tầng giao thông.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông

Con số thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, năm 2024 toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong đó, có 23 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 76 người, bị thương 17 người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, có 3.065 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người. Đáng chú ý, có 360 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người bị thương 301 người. Ngoài ra còn có 143 vụ TNGT do phương tiện giao thông đi ngược chiều làm chết 38 người, bị thương 141 người…

Như vậy, việc tùy tiện tham gia giao thông, bất chấp, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhất là quy tắc giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.

Nhiều trường hợp thú nhận với cơ quan công an là chỉ vì mong muốn của bản thân khi tham gia giao thông ngại không muốn dừng xe, thấy các xe khác cũng vượt đèn đỏ, muốn đi về sớm… lâu dần thành thói quen vượt đèn đỏ, nhất là tại các nút giao thông không có lực lượng cảnh sát giao thông hay vào khi đường vắng. Tuy nhiên, trong nhiều lần vượt đèn đỏ, đã có một lần xảy ra TNGT.

Từ ngày 1/1/2025, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây (Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Trong đó, mức phạt đối với xe ô tô sẽ tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng; mức phạt đối với xe mô tô tăng từ 800 nghìn - 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

Việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTATGT đường bộ và kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc như: Tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe quy định tại Nghị định 168, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp. Từ đó có cơ sở để giảm thiểu vi phạm TTATGT, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT và thiệt hại do TNGT gây ra.

Giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn

Sau gần một tháng áp dụng, Nghị định 168 vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin trái chiều, đổ lỗi cho hạ tầng giao thông. Có ý kiến cho rằng, đèn vàng thời gian quá ngắn, thời gian không đủ di chuyển ra khỏi giao lộ. Biển báo không rõ ràng, biển báo khuất tầm nhìn, có quá nhiều biển báo, đèn tín hiệu chuyển đột ngột,.... Đã có nhiều trường hợp người điều khiển xe máy khi phát hiện đèn đỏ thì phanh gấp dúi dụi, thấm chí ngã ngay trước vạch.

Thế nhưng, cần biết rằng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, leo lề không liên quan gì tới hạ tầng giao thông, ở đây là thói quen vi phạm xấu được cho là bình thường của nhiều người, nên luật cần răn đe để thay đổi thói quen xấu.

Việc điều khiển xe phải tỉnh táo khi tới nơi giao nhau có tín hiệu đèn để không bị phanh gấp, mà bắt buộc phải giảm tốc độ, quan sát khi đến các nút giao, dù có đèn hay không có đèn, dù đèn xanh hay đèn đỏ và khi chấp hành đúng các quy định sẽ không bao giờ có trường hợp phanh gấp.

Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy, chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ đã quy định rất rõ tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT. Cụ thể, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau: Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt phải đủ tính răn đe để người dân không dám vi phạm pháp luật. Nếu mức phạt quá nhẹ kiểu như: Vượt đèn đỏ, đi xe ngược chiều trên cao tốc,... mà chỉ phạt vài trăm ngàn đồng thì chẳng ai sợ và họ sẽ liên tục tái phạm bởi số tiền đó với họ là quá ít, không đủ tính răn đe.

Việc nâng mức phạt giao thông như hiện nay hoàn toàn phù hợp, nhiều nước cũng đã áp dụng. Văn hóa giao thông được định hình rõ nét hơn.

Bước sang năm 2025, với sự nghiêm minh của pháp luật, với sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện cần tuân thủ các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tạo dần cho mình các thói quen tốt như: Dừng xe lại khi đèn đỏ; không vượt ẩu; phóng nhanh; không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia.

Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, trong nửa tháng (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 14/1/2025) tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (giảm 34,27%, giảm 47 người chết (giảm 11,41%), giảm 426 người bị thương ( giảm 34,24%)”, Cục Cảnh sát giao thông thông tin.

Văn Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-do-loi-cho-den-tin-hieu-khi-tham-gia-giao-thong-370478.html