Đừng đổ lỗi cho nghèo khó
Chẳng biết trong tận thâm tâm của mỗi bị cáo nghĩ gì nhưng khi đối diện với cảnh tội tù thì lời hối hận luôn hiện hữu. Rồi những giọt nước mắt ân hận, một điệp khúc thường xuyên được lặp lại 'tại nghèo khó' cùng gương mặt âu sầu, thảm thiết hướng về hội đồng xét xử mong được giảm nhẹ hình phạt.
Người phụ nữ đã ở tuổi 63 nức nở tại tòa, cho rằng mình dại, làm liều chỉ bởi bần cùng mới sinh phạm tội. Theo lời bị cáo Nguyễn Thị Tuyết, vào năm 2005, bị cáo đã bị Tòa án nhân dân Quận 8 (TP. Hồ Chí Minh) tuyên xử 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và đã chấp hành xong hình phạt tù từ cuối năm 2010. Trên 10 năm qua, Tuyết đã tu chí làm ăn và tránh xa những điều sai trái. Nhưng do cuộc sống trên đất "Sài Thành" quá nhiều khó khăn, việc mua bán, kinh doanh không mấy thuận lợi dẫn đến nợ nần và mất khả năng chi trả. Thế là Tuyết quyết định về một vùng quê xa xôi nào đó để tránh nạn và Sóc Trăng chính là điểm đến. Rồi tình cờ trên một chuyến xe khách, Tuyết ngồi gần chị P - một chị bạn trạc tuổi mình cư trú ở Sóc Trăng, qua trò chuyện họ cảm thấy khá vui vẻ và hợp nhau.
Rồi tình cờ, Tuyết gặp lại chị P trong buổi viếng chùa. Do sống một mình nơi đất khách quê người, gặp lại người quen, dù mới gặp có một lần mà Tuyết vẫn cảm thấy vui mừng khôn xiết. Khi trò chuyện, tâm tình và họ cảm thấy có sự đồng cảm, thấu hiểu, quý mến nhau nên quyết định kết nghĩa chị em, trao đổi số điện thoại cho nhau. Thế là từ đó, Tuyết thường xuyên liên lạc với chị P; họ kể cho nhau nghe những chuyện vui, buồn trong cuộc sống và động viên, an ủi nhau khi gặp khó khăn. Thậm chí, Tuyết còn hay lui đến nhà chở cháu nội chị P đi chơi và nhận con trai chị P làm con nuôi.
Thật đẹp với một tình cảm chị em chân thành, gắn bó, nào ngờ đâu tất cả không qua được sự cám dỗ của đồng tiền bất chính. Khi biết con trai chị P là con nghiện, đã được cơ quan chức năng đưa đi cai nghiện về, nay lại tái nghiện thì Tuyết sẵn sàng bắt xe về tận TP. Hồ Chí Minh để mua ma túy dùm con nuôi. Thế là “ngựa quen đường cũ”, người mẹ nuôi tiếp tục có chuyến đi thứ hai và lần này, Tuyết mua số lượng nhiều hơn về phân chia ra từng phần nhỏ, để sẵn trong người nhằm “giúp đỡ” những con nghiện đói thuốc. Tại tòa, Tuyết cho rằng mục đích ban đầu chỉ muốn giúp con trai nuôi có nguồn hàng sử dụng và bản thân cũng chỉ lấy tiền chi phí đi lại. “Do quá khó khăn, bế tắc trong cuộc sống mới tiếp tục mua bán ma túy nhưng chưa thực hiện được ý định đã bị bắt. Chứ bản thân bị cáo cũng biết sợ lắm rồi, hơn 10 năm bị cáo đâu dính vào… mong tòa xem xét” - Tuyết nói trong nước mắt.
Dõi mắt về người chị bạn kết nghĩa, chị P tay ôm ngực, lắc đầu: “Tuyết từng là chị em thân thiết của tôi. Tôi không biết Tuyết mua bán ma túy; gia đình tôi cũng xem như không có thằng con nghiện ngập này”. Sự bất lực và tuyệt vọng thể hiện rõ qua từng câu nói, bởi một gia đình có người nghiện ngập là nỗi đau, sự bất hạnh lớn. Ma túy không những gây hại cho người dùng nó mà còn cho cả gia đình của họ, khiến họ trở nên mất dần khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình có người nghiện ma túy, bầu không khí lúc nào cũng lãnh đạm, buồn khổ; công việc làm ăn bị giảm sút do không được tín nhiệm; kinh tế cũng theo đó mà suy sụp… Tất cả có thể sẽ bị con nghiện phá tan, bỏ mặc người thân nhưng không thể quay lưng cùng ma túy. Thế mà người chị em “tốt” lại tiếp tay, hủy diệt cuộc đời con mình với hai từ “khó khăn” thì liệu có thể chấp nhận được không?!
Trong cuộc sống, không biết bao nhiêu những số phận, cuộc đời, hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay nhưng họ vẫn phấn đấu, vươn lên sống tốt và sống có ích cho đời. Xã hội và pháp luật không thể chấp nhận được việc “nghèo khó sinh ra phạm tội”. Hành vi phạm tội sẽ bị trừng trị thích đáng với mức án 17 năm tù, đủ để Tuyết nhìn nhận, nghiền ngẫm về hành vi sai trái của mình. Đó cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai lười lao động, thích hưởng thụ, muốn kiếm tiền nhanh bằng hành vi bất chính để khi phạm tội thì hối hận đã quá muộn màng.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/dung-do-loi-cho-ngheo-kho-51976.html