Đụng độ Trung - Ấn: Dễ lên, khó xuống!

Nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết có đến 45 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ đụng độ tại biên giới tranh chấp

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ đang gia tăng sau khi New Delhi hôm 16-6 công bố thông tin về cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua giữa 2 nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường lực lượng tại thung lũng Galwan ở khu vực Ladakh theo sau một loạt vụ lùm xùm tại biên giới tranh chấp trong những tuần gần đây. Đến đêm 15-6 (giờ địa phương), theo đài NDTV, đụng độ nghiêm trọng xảy ra khi một nhóm binh sĩ Ấn Độ tìm cách dỡ bỏ một lều trại của phía Trung Quốc tại thung lũng Galwan. Phía Trung Quốc trước đó đồng ý dỡ bỏ lều trại này sau cuộc đàm phán giữa chỉ huy quân sự hai nước hôm 6-6. Binh sĩ hai bên không sử dụng vũ khí mà dùng đá, tay không và gậy gộc, theo lời của các quan chức hai nước.

Ấn Độ cho biết có đến 45 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ đụng độ tại biên giới tranh chấp

Ấn Độ ban đầu cho biết 3 binh sĩ thiệt mạng nhưng đến cuối ngày 16-6 thông báo con số này tăng lên 20 do 17 binh sĩ bị thương nặng không qua khỏi. Chưa hết, theo một chỉ huy quân đội Ấn Độ, hàng chục binh sĩ nước này đã mất tích và dường như bị phía Trung Quốc bắt giữ. Đài NDTV dẫn nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết có đến 45 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương nhưng Bắc Kinh không phản ứng gì về thông tin này.

Trước diễn biến đáng lo trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục Ấn Độ và Trung Quốc "kiềm chế tối đa" trong khi Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên đạt được giải pháp hòa bình.

Thi thể một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ mới nhất với binh sĩ Trung Quốc được đưa đến trung tâm khám nghiệm pháp y tại một bệnh viện ở thị trấn Leh của bang Jammu và Kashmir hôm 17-6 Ảnh: REUTERS

Thi thể một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ mới nhất với binh sĩ Trung Quốc được đưa đến trung tâm khám nghiệm pháp y tại một bệnh viện ở thị trấn Leh của bang Jammu và Kashmir hôm 17-6 Ảnh: REUTERS

Ấn Độ và Trung Quốc có một số khu vực tranh chấp dọc biên giới dài gần 4.000 km và hai nước từng giao tranh vào năm 1962. Tờ The New York Times (Mỹ) dẫn lời một số nhà phân tích quốc phòng và chính trị đánh giá khả năng cuộc xung đột hiện nay leo thang hơn nữa là không cao, nhất là khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không muốn thế.

Điều này thể hiện rõ qua việc giới chức quân sự hai nước gặp nhau trong ngày 16-6 nhằm tìm giải pháp giảm căng thẳng ở thung lũng Galwan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17-6 cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không muốn thấy có thêm bất kỳ cuộc đụng độ nào tại biên giới với Ấn Độ và hai nước đang nỗ lực đối thoại.

"Vụ đụng độ ngày 15-6 dù gây thương vong nhưng không leo thang nghiêm trọng hơn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy giới lãnh đạo hai nước không muốn chiến tranh xảy ra" - bà Kelsey Broderick, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định với đài CNBC. Tuy nhiên, hai nước có thể gặp khó trong việc tìm kiếm lối thoát do không bên nào cho thấy dấu hiệu nhượng bộ và chịu từ bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Đó là lý do tiến trình xuống thang sẽ mất nhiều thời gian, theo bà Broderick. Trong lúc chờ mục tiêu này đạt được, nguy cơ đụng độ vẫn còn đó và chính phủ hai nước phải đối phó lời kêu gọi trả đũa đối phương từ trong nước.

Tờ The New York Times chỉ ra rằng những căng thẳng gần đây bắt đầu sau khi Ấn Độ xây một con đường đi qua thung lũng Galwan để đến một căn cứ không quân nước này. Giới phân tích quốc phòng nhận định tuyến đường nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại cản trở láng giềng nâng cấp các cơ sở quân sự.

Căng thẳng tại biên giới Ấn - Trung càng gây chú ý trong bối cảnh hai nước cạnh tranh ảnh hưởng tại khắp Nam Á. Pakistan, đối thủ lâu năm của Ấn Độ, đang cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Theo một số chuyên gia, quan hệ Ấn - Trung có thể thêm xấu đi và New Delhi dự kiến củng cố quan hệ với những quốc gia cùng chí hướng như Mỹ, Nhật, Úc…

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dung-do-trung-an-de-len-kho-xuong-20200617211918326.htm