Dùng drone để tiếp tế cho dân vùng lũ: Chia sẻ kinh nghiệm từ người trong cuộc
Tại Thái Nguyên, Tuyên Quang và Lào Cai, một nhóm tình nguyện viên đã sử dụng drone (máy bay không người lái), kết hợp với lực lượng chức năng để vận chuyển tiếp tế, cứu trợ cho người dân bị cô lập bởi lũ lụt.
Trước tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc, một nhóm tình nguyện viên từ Hà Nội đã mang thiết bị máy bay không người lái (drone/flycam) đến TP.Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai để hỗ trợ tiếp tế cho người dân tại các khu vực mà lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận. Thiết bị này có thể mang tối đa 4kg hàng hóa trong mỗi lần bay.
Tại Thái Nguyên, hàng cứu trợ được cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị gồm: áo phao, đồ ăn, thức uống, pin sạc dự phòng, thuốc thông thường…
Theo đó, lực lượng cứu hộ phối hợp với các thành viên của nhóm xác định địa điểm, vị trí cần hàng tiếp tế, tìm cách liên lạc với người cần cứu trợ sử dụng đèn pin, phát tín hiệu trong đêm để thả hàng đúng chỗ.
Việc sử dụng drone đã góp phần hỗ trợ chuyển hàng cứu trợ kịp thời đến các địa điểm bị ngập lụt, nơi lực lượng chức năng khó tiếp cận bằng xuồng, thuyền với người mắc kẹt.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, một thành viên trong nhóm tình nguyện là anh Đỗ Quốc Việt (Công ty Vietflycam) cho biết, khi đọc được thông tin về tình hình mưa lũ ở Thái Nguyên, anh cùng các thành viên khác đã huy động nhiều drone tham gia công tác cứu trợ.
Tại Thái Nguyên, nhóm của anh Việt đã hoạt động liên tục 2 ngày để vận chuyển lương thực cho các hộ dân ở những địa bàn khó tiếp cận do ngập lụt. Nhóm bay theo bản đồ đến từng nhà hoặc dùng camera tìm từng nhà rồi bay xung quanh, nếu có người sẽ thả túi đồ xuống.
Sau Thái Nguyên, nhóm anh Việt tiếp tục lên Tuyên Quang và Lào Cai để thực hiện công việc.
Theo đánh giá của nhóm anh Việt, hình thức này khá nhanh chóng trong việc cung cấp đồ thiết yếu đến người dân.
“Ví dụ có những khu vực chỉ vài cây số nhưng chèo thuyền cả tiếng đồng hồ mới tiếp cận được, thì các drone chỉ cần 2 phút là đến được. Thậm chí, nhóm tự chế thêm một bộ phận gắp/ nhả bên dưới drone. Mỗi chuyến bay sẽ chuyển áo phao, nước, đồ ăn cho bà con với trọng lượng 7kg. Điểm xa nhất mà drone bay vào là 4km”, anh Việt chia sẻ.
“Chúng tôi có các drone như M600 Pro có khả năng mang được 7kg mỗi chuyến, máy T50 với khả năng mang được 50kg, máy M350 với khả năng khảo sát địa hình và nhiều chiếc Mavic được trang bị camera nhiệt giúp trong việc tìm kiếm người, cùng 2 xe bán tải sẵn sàng cho các nhiệm vụ vận chuyển. Điều này góp phần giải quyết bài toán trước mắt của người dân là ăn uống, duy trì sự sống hoặc tìm ra người mắc kẹt, còn việc cứu hộ lực lượng chức năng sẽ tiến hành sau đó”, anh Việt nói.
Anh Việt cũng cho biết hình thức này được chính quyền các địa phương rất ủng hộ và khuyến khích. Cán bộ địa phương cung cấp cho nhóm danh sách những khu vực bị cô lập, cần hỗ trợ, nên công việc tiến hành cũng khá thuận lợi.
Tuy vậy, anh Việt cho biết thời tiết mưa gió cũng có phần ảnh hưởng đến công việc, bởi các drone “lẽ ra là không được bay trong mưa, nhưng tình hình này thì chúng tôi vẫn phải thực hiện bay, vì người dân đang rất cần, mỗi lần bay về thì lại lau khô drone; hoặc đôi khi bay các khu vực xa thì có thể mất sóng…
Từ kinh nghiệm thực tiễn, anh Việt cho biết, trong quá trình cứu trợ, trước tiên, cần phân loại các khu vực bị nước ngập (thông tin từ chính quyền địa phương) và xác định máy bay sẽ sử dụng cho các khu vực cano không thể đi tới được. Khu vực này khá xa khu trung tâm và phải bay 2 - 7km vào để đưa vật tư.
Theo đó, tất cả các máy bay sẽ được trang bị hệ thống gắp/nhả đồ và cần có đội ngũ hỗ trợ gói hàng và lắp hàng lên máy bay để có thể vận chuyển 25 - 30 gói hàng/giờ. Phi công dùng camera và định vị lái tới các khu vực cần thả và cố gắng thả vào sân hoặc chỗ khô ráo, dễ nhận đồ, nên thả vật tư từ độ cao 20 - 80m, tùy từng địa hình.
“Đừng cố gắng hạ cánh xuống thấp vì điều đó rất nguy hiểm cho cả drone và người dân phía dưới vì máy bay của chúng ta rất to cùng với khoảng cách bay xa”, anh Việt nói.
Với các khu vực làm việc buổi tối, anh Việt cho rằng nên chú ý tới ánh sáng đèn xoay tròn, đó sẽ là nơi có người và họ đang kêu cứu. Ở đây, các đội bay bên em thường ưu tiên các hộ ở xa và đơn độc vì khả năng tiếp cận được họ là thấp nhất.
Trả lời phỏng vấn, anh Việt cũng tỏ vẻ ngần ngại và nói rằng: “Chúng tôi cũng chưa đóng góp được gì nhiều vào công việc chung, chỉ biết cố gắng hết mình thôi. Công việc hiện nay còn rất bộn về và chưa biết bao giờ nhóm sẽ về lại Hà Nội”.
“Sau thời gian ở Thái Nguyên và Tuyên Quang thì chúng tôi đang ở Lào Cai và di chuyển vào một số khu vực bị cô lập. Hiện, chúng tôi cũng đang huy động thêm nguồn lực để vận chuyển, cứu trợ bà con. Hiện toàn đội đang cố gắng tiếp cận nhiều khu vực nhất có thể, hi vọng giúp bà con vượt qua được thời điểm khó khăn này”, anh Việt nói.
Video nhóm anh Đỗ Quốc Việt dùng drone để tiếp tế cho người dân vùng lũ:
Tại cuộc làm việc tại Yên Bái sáng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các cách làm sáng tạo như dùng drone tiếp tế nhu yếu phẩm; cảm ơn người dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, hỗ trợ lẫn nhau, ngoài mì tôm, bánh mì… còn tổ chức gói bánh chưng, bánh giò…, đưa thuyền bè ủng hộ đồng bào vùng thiên tai.