Dùng drone dọn hơn 280 kg rác trên đỉnh Everest
Nepal dùng drone vận chuyển hơn 280 kg rác từ độ cao 6.000 m trên đỉnh Everest, giúp giảm tải cho người Sherpa và cải thiện tình trạng ô nhiễm đỉnh núi.

Đơn vị vận hành một chiếc drone từ trại chính núi Everest, hồi tháng 5. Nguồn: Airlift Technology.
Từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, hai thiết bị bay không người lái (drone) do công ty Airlift Technology (Nepal) vận hành đã đưa hơn 280 kg rác thải từ độ cao hơn 6.000 m trên Everest xuống trại chính, theo Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha (SPCC).
Đây là lần đầu tiên công nghệ bay được triển khai quy mô lớn để hỗ trợ làm sạch "nóc nhà thế giới", Bloomberg đưa tin.
Trước đó, nhiệm vụ thu gom rác chủ yếu do người Sherpa thực hiện. Mỗi người thường gùi 20 kg rác gồm chất thải sinh hoạt, bình oxy rỗng, thức ăn thừa và thang hỏng, vượt hơn 4 tiếng băng qua lớp băng nứt và khe sâu từ trại 1 (cao 6.065 m) về đến trại chính, cách khoảng 700 m độ cao.
Đến nay, nhờ drone trị giá 70.000 USD mỗi chiếc, hành trình nay chỉ mất 6 phút.
"Chúng tôi rất vui vì có drone hỗ trợ thu gom rác", Lhakpa Nuru Sherpa, 33 tuổi, thuộc công ty Asian Trekking, người từng 15 lần lên đỉnh Everest, chia sẻ.
Lhakpa cho biết khoảng 70% lượng rác đội anh mang xuống năm nay đều do drone thực hiện, giúp giảm tải công việc và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rác thải nhựa bị bỏ lại tại một bãi rác cách trại chính Everest 3,5 km, thuộc vùng Sagarmatha (Nepal), tháng 10/2024. Ảnh: Mailee Osten-Tan.
Biến đổi khí hậu khiến lớp băng tan nhanh, phơi bày lượng rác bị chôn vùi hàng chục năm qua, đe dọa nguồn nước và sức khỏe của các làng phía dưới.
Từ năm 2023, chính quyền Nepal quy định mỗi người leo núi vượt trại chính phải mang về ít nhất 8 kg rác, nếu không sẽ mất khoản ký quỹ 4.000 USD. Người leo cũng phải thu gom chất thải cá nhân bằng túi chuyên dụng.
Nhiệt độ tăng khiến địa hình ngày càng nguy hiểm. Khu vực sông băng Khumbu đoạn giữa trại chính và trại 1 liên tục sụp đổ do khe nứt mở rộng.
"Khumbu Icefall là nơi nguy hiểm nhất Everest. Cuối mùa leo, băng bắt đầu tan, triển khai bay drone ở đây sẽ an toàn hơn nhiều", ông Tenzing David Sherpa, giám đốc Asian Trekking, nhận định.
Dù có thể hoạt động trong điều kiện -20°C và sức gió 40 km/h, drone vẫn gặp hạn chế ở độ cao lớn do không khí loãng.
Trong một chuyến bay hồi tháng 4, một thiết bị đã kích hoạt dù khẩn cấp khi sức gió vượt quá 60 km/h và bị hư hỏng. Theo ông Tshering Sherpa, CEO SPCC, tai nạn cho thấy dự án cần có bảo hiểm chuyên biệt vốn rất khó mua tại Nepal.
Airlift cho biết đang thử nghiệm thêm các mẫu drone mới, không chỉ ở Everest mà còn tại các đỉnh núi khác cao trên 8.000 m. Hiện ít nhất 5 hãng drone từ Mỹ và châu Âu đề nghị cung cấp thiết bị để thử nghiệm.
Nếu thành công, dự án không chỉ giúp giảm áp lực cho người Sherpa mà còn mở ra hướng đi mới trong công cuộc bảo tồn môi trường Himalaya – vùng đất không chỉ dành cho những nhà leo núi mà còn hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm.