Đừng gắn 'sứ mệnh' tín dụng tiêu dùng với hạn chế tín dụng đen
Tín dụng tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính...
Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển tích cực khi được nhà quản lý hết mực quan tâm. Tuy nhiên, Chính phủ có nên gắn “sứ mệnh” cho tín dụng tiêu dùng là để hạn chế tín dụng đen?
Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nên kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tính đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%).
Riêng trong 5 năm gần nhất, tín dụng tiêu dùng gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở tăng trưởng khoảng 20%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng của tín dụng toàn ngành (khoảng 15,4%).
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thực chất, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.
Ông Thịnh nhìn nhận, khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội...
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ.
"Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, hạn chế tín dụng đen, giúp giảm thiểu các hệ lụy đảm bảo an ninh trật tự xã hội", bà Phạm Thị Thanh Tùng đánh giá.
Không phủ nhận những lợi ích mang lại từ sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên gắn tài chính tiêu dùng với một sứ mệnh mà nó không làm được như đẩy lùi tín dụng đen.
Bởi lẽ, theo ông Hiếu, bản chất của tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen hoàn toàn khác nhau về đối tượng đi vay, mục đích đi vay cũng như lãi suất vay. "Tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính" ông Hiếu đánh giá.
Đồng thời, khi nhà điều hành gắn tín dụng tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen thì mô hình này sẽ bị kiểm soát chặt, các tổ chức chính thức gặp thiệt thòi và các tổ chức phi chính thức càng lạm dụng. Hiểu đơn giản, khi vấn đề được quan tâm quá lại hóa ngược, phản tác dụng.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, tín dụng tiêu dùng không nên có bất kỳ sứ mệnh gì. Mặt khác, Chính phủ cần để thị trường phát triển đúng, phát triển tự nhiên, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng là tốt nhất.
"Hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, Nhà nước không thể can thiệp ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro này mà chỉ có thể hạn chế rủi ro ở mức độ thấp nhất", ông Hiếu nhấn mạnh và làm rõ, bên cạnh rủi ro của cá nhân thì còn có rủi ro của tổ chức.
Vì vậy, vị chuyên gia này đưa ra 2 kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, ngoài việc bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức cho thì cũng phải để người dân chịu một phần rủi ro để tự rút kinh nghiệm. “Cần tính đến việc phá sản cá nhân, không thể nói cá nhân không thể phá sản”, ông Hiếu nói.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cũng không nên để các tranh chấp hợp đồng tín dụng tiêu dùng kéo dài 2 – 3 năm hoặc không có cơ hội để giải quyết văn minh, nhanh chóng.