Dùng giấy đăng ký xe sang lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng GPBank
Ngày 8/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử các đối tượng trong vụ án giả mạo hồ sơ để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng GPBank.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Lại Duy Cương (sinh năm 1983, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội); Phạm Ánh Hậu (sinh năm 1991, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Hoàng Văn Hiểu (sinh năm 1992, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) và Phạm Trung Thành (sinh năm 1991, cựu cán bộ GPBank, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội).
Theo cáo trạng truy tố, năm 2018, Cương cần vay 1,2 tỷ đồng để mở thêm gara ô tô, nhưng không có tài sản đảm bảo. Thông qua người quen, Cương tìm gặp một cựu nhân viên ngân hàng GPBank đã nghỉ việc để được hướng dẫn làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Để hoàn thiện hồ sơ Cương đã nhờ Hiểu, nhân viên làm việc tại một gara ô tô ở huyện Đông Anh ký khống hợp đồng mua bán chiếc ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 với mục đích dùng tài sản này để thế chấp ngân hàng.
Ngày 27/8/2018, sau khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, Phạm Trung Thành đến gara ô tô của Cương để kiểm tra hoạt động kinh doanh. Theo quy định, khi thẩm định hồ sơ vay, Thành phải kiểm tra, thu thập bản gốc đăng ký xe để đối chiếu nhưng Thành không thực hiện, không kiểm tra thông tin, tính hợp pháp của tài sản bảo đảm.
Cáo trạng xác định, Cương dùng giấy đăng ký xe ô tô giả mang tên anh ta thế chấp ngân hàng để được giải ngân cho vay số tiền 1,2 tỷ đồng và chiếm đoạt số tiền này.
Sau lần đầu trót lọt, Cương tiếp tục nhờ Hiểu ký hợp đồng khống mua bán chiếc xe Landrover với Phạm Ánh Hậu để hoàn thiện thủ tục vay vốn ngân hàng.
Hậu đã cầm hợp đồng khống, giấy đăng ký xe giả để thế chấp vay tiền ngân hàng. Lần này, nhân viên ngân hàng tên Thành cũng không thẩm định giấy tờ gốc. Dùng đăng ký xe ô tô giả mang tên mình, Hậu thế chấp ngân hàng vay được 1,2 tỷ đồng và chiếm đoạt số tiền này của GPBank.
Trong vụ án này, hành vi của Hiểu bị xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Cương và Hậu.
Phạm Trung Thành là người trực tiếp thẩm định hồ sơ vay vốn và đề nghị định giá tài sản bảo đảm của 2 bị cáo Cương và Hậu. Tuy nhiên, Thành đã không trực tiếp kiểm tra tài sản bảo đảm là 2 chiếc ô tô Lexus và Landrover để đối chiếu số khung, số máy với các giấy tờ xe.
Thành không thu thập bản gốc, không kiểm tra thông tin, tính pháp lý của các giấy đăng ký xe mà Hậu và Cương dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Thành chưa từng nhìn thấy 2 chiếc ô tô này trên thực tế. Việc thẩm định tài sản đảm bảo trên của Thành đã dẫn đến việc cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo, gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 2,4 tỷ đồng của GPBank.
Tại cơ quan điều tra, Cương khai sử dụng số tiền vay để mở thêm gara sửa ô tô ở thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Do làm ăn thua lỗ nên gara của Cương đã ngừng hoạt động. Bị cáo không có khả năng trả lại tiền cho ngân hàng.
Còn Thành khai nhận chỉ thẩm định thông tin cá nhân, nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của Hậu và Cương. Đến khi giải ngân, Thành mới nhìn thấy giấy đăng ký xe bản gốc. Thành thừa nhận đã cho khách hàng ký trước vào biên bản sau cho vay để về hoàn thiện hồ sơ.
Tại phiên tòa, sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lại Duy Cương mức án 13 năm tù; Phạm Ánh Hậu 12 năm; Hoàng Văn Hiểu 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn Phạm Trung Thành, cựu cán bộ GPBank nhận mức án 36 tháng tù nhưng được hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.