Đừng hành xử như một đứa trẻ

Xuất phát từ những mâu thuẫn của trẻ nhỏ, vì bênh con, muốn 'giải quyết mâu thuẫn thay con', 'đòi công bằng cho con', thời gian qua, không ít phụ huynh đã hành xử một cách bạo lực, thiếu suy nghĩ, như mình đang là một đứa trẻ.

Theo nội dung đoạn clip lan truyền trên mạng internet mới đây, khoảng 5 giờ chiều ngày 18-8, một bé trai đã bị một người đàn ông lao đến đánh tới tấp tại sân chung cư New Horizon, số 87 Lĩnh Nam (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi cháu bé ngã xuống đất, người đàn ông này vẫn tiếp tục đánh vào mặt và đầu cháu, khiến mặt và áo cháu dính đầy máu. Nạn nhân được xác định là cháu NHM, 12 tuổi, cư dân chung cư New Horizon. Công an phường Mai Động đã xác định nguyên nhân ban đầu là do nhóm trẻ chơi bóng đá rồi xảy ra mâu thuẫn giữa NHM và một bạn trong nhóm, sau đó bạn này về nhà gọi bố, bố bạn đã "ra tay" như trong đoạn clip. Vụ việc đã được chuyển Công an quận Hoàng Mai thụ lý, điều tra. Tương tự, trước đó, tại quận 11, TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra sự việc nghiêm trọng. Trong lúc đá bóng, một nhóm trẻ đã cãi nhau, dẫn đến người lớn mâu thuẫn vì bênh con rồi xô xát dẫn đến hậu quả một người bị đâm tử vong...

Người đàn ông hành hung cháu bé. Ảnh: Cắt từ clip

Người đàn ông hành hung cháu bé. Ảnh: Cắt từ clip

Là bố mẹ ai cũng thương con, khi thấy con mình bị đau, bị bắt nạt, ai cũng xót. Thế nhưng dù có xót con, bênh con đến mấy cũng không thể coi đó là cái cớ mà lao vào "hạ cẳng tay, thượng cẳng chân" đối với con của người khác hoặc có những hành vi bạo lực đối với người thân của đứa trẻ. Khi phụ huynh vì bênh con mà dùng nắm đấm, cái đạp với một đứa trẻ bằng tuổi con mình giữa nơi đông người thì đã tự mình bôi nhọ hình ảnh bản thân, biến bản thân thành một người thô lỗ, vô văn hóa, trở thành "tấm gương mờ" cho trẻ. Hành vi đó không phải là của người lớn nên có mà là của một đứa trẻ chưa được giáo dục cách giao tiếp, ứng xử phù hợp, có văn hóa.

Dưới góc nhìn pháp lý, hành vi nói trên đã vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục... Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Về chế tài xử phạt, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp đối với người dưới 16 tuổi, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mỗi người lớn đừng vì bênh con mà có những phút giây không tỉnh táo, thiếu suy nghĩ, hành xử bạo lực để rồi phải chịu hình phạt của pháp luật, khi hối tiếc thì cũng đã muộn.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/dung-hanh-xu-nhu-mot-dua-tre-791662