'Đứng hình' với chân dung trên hạt gạo của nghệ sỹ Đài Loan
Nghệ nhân Chen Forng Shean từng vẽ chân dung các nhà lãnh đạo châu Á lên… hạt gạo.
Trong bảo tàng nghệ thuật của nghệ sỹ Đài Loan (Trung Quốc) Chen Forng Shean, các tác phẩm được trưng bày ở khắp mọi nơi; tuy nhiên, để có thể thưởng thức được, bạn sẽ cần phải sử dụng kính lúp.
“Tôi luôn yêu thích nghệ thuật làm đồ vật siêu nhỏ, và tôi mong muốn có thể khiến nó được biết tới nhiều hơn tại Đài Loan”- ông Chen nói.
Năm nay 62 tuổi, tình yêu của ông Chen dành cho các vật siêu nhỏ bắt đầu từ những năm 1960, sau chuyến tham quan Bảo tàng Hoàng cung Đài Bắc khi ông còn là một học sinh tiểu học.
Nghệ thuật sáng tạo đồ vật siêu nhỏ có bề dày lịch sử tại Trung Quốc. Những hiện vật được khai quật cho thấy ngay từ thời nhà Thương (khoảng năm 1600 – 1046 trước CN), người ta đã bắt đầu làm các tác phẩm nghệ thuật siêu nhỏ từ chất liệu xương hoặc mai rùa.
Sau khi phát hiện niềm đam mê của mình, ông Chen đã bắt tay vào học thư họa và điêu khắc Trung Quốc. Năm 1981, ông làm việc tại một xưởng in tiền và được giao việc khắc các khối thép sử dụng kim làm bằng thép.
“Công việc tại xưởng đã giúp tôi có cơ hội và thời gian để luyện tập, từ đó trở nên quen thuộc với kính phóng đại, kim thép và chổi mini…”, ông nhớ lại.
Sau thời gian làm việc, ông Chen lại trở về với studio nhỏ của riêng mình. Lúc bấy giờ, tại Đài Loan vẫn chưa có nghệ nhân làm đồ siêu nhỏ, nên ông phải bắt đầu từ con số 0.
“Có rất nhiều lần thất bại, nhưng những trải nghiệm đó cũng khích lệ tôi”, ông cho biết.
Chen Forng-Shean's sử dụng nhiều chất liệu khác nhau cho các sáng tạo siêu nhỏ của mình như giấy, tóc, hạt mè, kim, cánh chuồn chuồn, thậm chí là cả đầu kiến.
Các tác phẩm ưu thích của ông là hai chú gấu trúc được ông làm vào năm 2009 – ba tháng sau khi hai chú gấu trúc Tuantuan và Yuanyuan được gửi tới Đài Bắc vào cuối năm 2008.
Ông chia sẻ, mình rất thích thi ca thời Đường, vì vậy ông đưa rất nhiều bài thơ vào trong tác phẩm của mình, làm trên các vật liệu đặc biệt như… cánh ong, sợi vải…
“Tôi cố gắng ghi lại văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua các tác phẩm của mình”, ông cho biết.
Người nghệ nhân cũng cảm thấy có trách nhiệm phải truyền lại di sản 3.000 năm của nghệ thuật làm đồ siêu nhỏ. Ngày nay, rất nhiều sinh viên đã đến bảo tàng của ông để tìm hiểu và học tập những kỹ năng trong bộ môn nghệ thuật này.