Dung hòa chính sách và nguyện vọng

Trong kỳ họp thứ 7 đang diễn ra tại Hà Nội, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Cụ thể, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc để lấy ý kiến các đại biểu.

Theo phương án 1, đối với người lao động đã có thời gian đóng BHXH trước ngày dự thảo Luật BHXH có hiệu lực thi hành thì sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Quy định này có nghĩa là sau thời gian dự thảo Luật BHXH có hiệu lực thi hành, người lao động sẽ không được rút BHXH một lần nữa. Còn với phương án 2, sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại sẽ được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Lý do để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất sửa đổi Luật BHXH là do tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao và gây nhiều hệ lụy cho Quỹ BHXH cũng như những khó khăn, thiệt thòi cho chính người lao động. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 595.000 người rút BHXH một lần, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó phần lớn là lao động ở độ tuổi từ 20-40 và số người sau khi rút BHXH một lần quay trở lại tham gia BHXH chỉ khoảng 28%. Đây là con số rất đáng lo ngại vì hiện cả nước mới chỉ có 17,48 triệu người tham gia BHXH, tương đương khoảng 37,5% lực lượng lao động. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc giảm bớt con số này bằng cách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng làn sóng rút BHXH một lần hiện vẫn chưa hạ nhiệt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do người lao động bị mất việc làm do suy thoái kinh tế toàn cầu nên cần có một khoản tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do nhận thức về ý nghĩa, trách nhiệm tham gia BHXH của một bộ phận người lao động vẫn còn chưa đúng, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông còn thiếu sự phối hợp tích cực giữa các cấp, ngành. Thậm chí vẫn còn một số ngành, địa phương coi đây là việc của ngành BHXH nên chưa tích cực phối hợp, đề xuất cách thức truyền thông sao cho phong phú, hấp dẫn và hiệu quả để hạn chế số người rút BHXH một lần nhằm tăng độ bao phủ của BHXH.

Hiện đông đảo cử tri đồng thuận với phương án 1, nhưng mong muốn việc cần làm cấp bách trước mắt là sửa đổi luật theo hướng tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH, đồng thời dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động, thay vì hạn chế quyền rút BHXH một lần. Và thực tế cho thấy, người lao động chỉ rút BHXH một lần trong trường hợp quá khó khăn hay rút để phục vụ các nhu cầu tài chính ngắn hạn như chi phí y tế hay trang trải nợ nần. Vì vậy, để thu hút ngày càng đông người lao động tham gia BHXH và hạn chế tối đa tình trạng rút BHXH một lần thì việc làm thường xuyên và lâu dài là các cấp và ngành chức năng phải tăng cường giải pháp nâng cao nhận thức của người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, giúp người lao động hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích lâu dài khi tham gia BHXH.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158936/dung-hoa-chinh-sach-va-nguyen-vong