Dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Hà Nội
Chiều 20/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19' trên địa bàn thành phố.
Công điện nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi; dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố; tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch…
Quyết tâm giữ vững thành quả để bảo vệ Thủ đô
Với quan điểm xuyên suốt nhằm giữ vững thành quả đạt được để bảo vệ an toàn cho Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc quyết liệt, thực chất, hiệu quả, ngay từ cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch công tác những tháng cuối năm 2021.
Thành phố yêu cầu nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cùng sự vào cuộc thực chất, hiệu quả, kịp thời của các tổ chức, lực lượng đoàn thể, đơn vị, người dân tại từng gia đình, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, gắn kết vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và mỗi công dân trên từng địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phân công cụ thể từng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống dịch theo địa bàn; bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ và thành phố, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, địa điểm công cộng, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn.
Thành phố cũng tổ chức chiến dịch cao điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm, đóng cửa các cơ sở vi phạm, không đảm bảo quy định, yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch gắn với xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chủ các cơ sở và cá nhân tham gia đồng thời tuyên truyền để chấn chỉnh kịp thời. Các địa phương phải thường xuyên đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên từng địa bàn theo hướng dẫn của ngành Y tế và chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã huy động sự vào cuộc của các lực lượng từ cơ sở, nòng cốt là lực lượng Công an kết hợp với việc phát huy vai trò của các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, mô hình “Liên gia tự quản”… trong công tác phòng, chống dịch bệnh, rà soát, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tránh để lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng; thực hiện nghiêm quy định “5K”, ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát và quản lý di biến động dân cư; kiểm soát chặt chẽ việc khai báo y tế ngay tại cửa các sân bay, nhà ga, bến xe…
Khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, thần tốc xét nghiệm
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai kịp thời việc công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) thuộc thành phố và các biện pháp áp dụng tương ứng trên cổng thông tin điện tử của địa phương và ngành y tế; thông tin tuyên truyền kịp thời để các tổ chức, đơn vị, người dân thực hiện bảo đảm an toàn, phòng chống dịch trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội cũng cần chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, căn cứ tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh, độ bao phủ vaccine và điều kiện thực tế, khả năng ứng phó để tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố; UBND thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ trong tháng 10/2021.
Ngành y tế cần duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành. Khi phát hiện ca F0 thì cần tiếp tục thực hiện khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, thần tốc xét nghiệm, trả kết quả trong thời gian ngắn nhất, truy vết, phát hiện sớm F0 đưa đi điều trị, đưa F1 đi cách ly tập trung để nhanh chóng kiểm soát, dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm vaccine, ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng giao hàng, vận chuyển, giáo viên, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị… tiến tới tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế cũng có trách nhiệ, chủ trì, phối hợp Công an thành phố cập nhật, báo cáo thường xuyên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố về các ca nhiễm có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố đang có dịch; ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế đối với người nhập cảnh, người từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ trung bình, nguy cơ thấp vào thành phố Hà Nội theo hướng dẫn của Trung ương.
Dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố
Trong Công điện số 22, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để tổng hợp, tham mưu, báo cáo thành phố để tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) bảo đảm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Công an thành phố được giao chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở và tại các địa bàn, khu vực cách ly y tế, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Công an thành phố tiếp tục triển khai việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Công an thành phố được giao dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào thành phố; chủ trì phối hợp Sở Y tế, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát y tế bảo đảm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các sân bay, nhà ga, bến xe và các tuyến giao thông cửa ngõ trên địa bàn thành phố theo quy định, đặc biệt đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch…
Tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được giao tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động giáo dục và đào tạo tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn.
UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và các địa phương rà soát, sắp xếp lại, bổ sung, chuyển đổi các khu nhà tái định cư chưa đưa vào sử dụng báo cáo thành phố để chuyển đổi tạm thời sang các cơ sở cách ly tập trung F1...