Dùng IELTS làm tiêu chí tuyển thẳng vào THPT có phù hợp?
Chuyên gia GD cho rằng, việc sử dụng IELTS để xét tuyển thẳng của các trường THPT tư cần có những đánh giá cụ thể, tránh ảnh hưởng đến công bằng trong giáo dục.
Hiện nay, một số trường phổ thông tư thục dùng IELTS để xét tuyển thẳng đối với học sinh vào lớp 10 hoặc dùng làm tiêu chí ưu tiên (trong xét tuyển hoặc giảm học phí). Chính vì vậy, nhiều phụ huynh cho con học IELTS từ sớm, để “chắc suất” vào lớp 10 hoặc có ưu đãi học phí, dẫn đến tình trạng có nhiều phụ huynh đổ xô đưa con đi học từ cuối cấp tiểu học hoặc đầu trung học cơ sở.
Trong khi đó, một số chuyên gia giáo dục đánh giá, độ tuổi này chưa phù hợp để dạy IELTS do khả năng nhận thức của học sinh chưa đủ và chưa hiểu được nhiều kiến thức. Vì vậy, việc các trường tư thục sử dụng IELTS xét tuyển thẳng vẫn là một “bài toán” cần tìm lời giải.
Cần có quy định phù hợp dựa trên cơ sở khoa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho hay, chứng chỉ IELTS có thể đánh giá được năng lực tiếng Anh của học sinh, nhưng việc sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển thẳng tại nhiều trường phổ thông là vấn đề cần xem xét.
“IELTS đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của giáo dục hiện nay, đặc biệt đối với trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, chứng chỉ này nên chỉ dừng lại ở mức độ ưu tiên hoặc cộng điểm, thay vì trở thành tiêu chí quyết định quá lớn như việc tuyển thẳng thí sinh tại các trường phổ thông tư thục.
Hiện nay, việc sử dụng IELTS trong xét tuyển đang tạo ra một số bất cập và có phần thiếu công bằng với những học sinh giỏi đều các môn. Điều này cho thấy, tồn tại những “khe hở” trong quy định, đòi hỏi sự điều chỉnh để đảm bảo tính minh bạch và công bằng”, cô Hằng bày tỏ.
Theo cô Hằng, các trường phổ thông tư thục thường tận dụng lợi thế linh hoạt trong tuyển sinh và quản lý để thu hút học sinh, thậm chí vượt trội so với trường công lập trong việc đưa ra các tiêu chí tuyển sinh riêng. Điều này có thể dẫn tới việc tạo ra một môi trường cạnh tranh thiếu công bằng.
Trên thực tế, luật đã cho phép những trường tư thục có những lợi thế riêng, nên các trường này hoàn toàn có quyền khai thác để đạt mục tiêu, bao gồm việc tạo ra lợi nhuận và xây dựng ưu thế về tuyển sinh so với các trường công. Tuy nhiên, trách nhiệm điều chỉnh để hệ thống vận hành cân bằng không nằm ở những trường này, mà thuộc về những người xây dựng quy định và thực thi.
Vì vậy, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý cần tập trung vào việc hoàn thiện các quy định, đảm bảo tính công bằng giữa trường công và trường tư. Điều này không chỉ giúp tạo ra một môi trường giáo dục minh bạch hơn mà còn hạn chế những bất cập trong việc áp dụng các tiêu chí tuyển sinh như IELTS, đồng thời bảo vệ quyền lợi chung của học sinh trong toàn hệ thống giáo dục.
Đồng quan điểm trên, cô Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh) nhận định, việc sử dụng điểm IELTS xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển của nhiều trường phổ thông có khả năng dẫn đến trường hợp không đảm bảo thống nhất về mặt chất lượng học sinh.
Theo cô Mai, tình trạng xét tuyển thẳng bằng IELTS là một trong những hình thức để các trường tư thục tuyển sinh, nhằm tăng nguồn tuyển và doanh số.
“Hiện nay, các trường phổ thông tư thục đầu tư cho giáo dục có những lý do riêng để sử dụng IELTS làm tiêu chí tiên quyết khi pháp luật hiện không cấm. Tuy nhiên, chứng chỉ này với mục đích chính để phục vụ cho việc du học, nên việc phụ huynh đổ xô cho con đi học quá nhiều chỉ để được xét tuyển thẳng vào trung học phổ thông, có thể vô tình tạo nên một trào lưu không tốt, khiến cho “IELTS hóa” giáo dục phổ thông”, cô Tăng Thị Ngọc Mai nêu quan điểm.
Cô Mai cho biết thêm, việc giải thích, tuyên truyền đến phụ huynh về ý nghĩa thực sự của chứng chỉ IELTS cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trước tình trạng phụ huynh đổ xô cho con đi học IELTS để được tuyển thẳng - điều đó hoàn toàn không đúng với mục đích của chứng chỉ này (nói riêng) và việc học ngoại ngữ (nói chung).
“Mặc dù tình trạng sử dụng IELTS để xét tuyển thẳng ở các trường tư thục đa phần xuất hiện ở các thành phố lớn, nhưng vẫn cần sự chấn chỉnh từ phía cơ quan quản lý, không thể chỉ điều tiết ở các trường công mà ngay cả các trường tư cũng cần có các quy định phù hợp dựa trên cơ sở khoa học” cô Mai bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, các trường tư thục nên sử dụng nhiều phương án khác trong xét tuyển để không tạo thành xu hướng “phổ cập IELTS”.
Nữ Trưởng khoa chỉ ra: “Các trường tư thục nên cân nhắc sử dụng một số bài thi đánh giá năng lực khác, thay vì chỉ sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển thẳng. Điều này giúp phản ánh trình độ tiếng Anh của học sinh một cách phù hợp hơn với độ tuổi và khả năng nhận thức của các em. Đối với học sinh trung học cơ sở, những bài thi được thiết kế riêng cho lứa tuổi này, sẽ đáp ứng tốt hơn về mặt trình độ và tư duy, đồng thời đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong việc đánh giá năng lực ngoại ngữ”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, bên cạnh việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế trong xét tuyển, các trường phổ thông tư thục hoàn toàn có thể triển khai những bài thi đánh giá năng lực được thiết kế phù hợp với nhu cầu và định hướng của nhà trường. Nếu mục tiêu chỉ là kiểm tra năng lực tiếng Anh của học sinh để xác định đủ điều kiện theo học chương trình bằng tiếng Anh, nhà trường có thể tổ chức những bài thi nhẹ nhàng và phù hợp hơn với trình độ của học sinh. Điều này không chỉ giảm áp lực, mà còn tạo thêm nhiều lựa chọn linh hoạt cho thí sinh trong việc đáp ứng yêu cầu tuyển sinh.
Ngoài ra, các trường tư thục cũng có thể tận dụng kết quả thi đánh giá năng lực môn tiếng Anh được tổ chức đại trà tại các tỉnh, thành phố làm cơ sở hoặc tiêu chí tuyển chọn học sinh. Sau đó, khi học sinh nhập học, nhà trường có thể tổ chức thêm các buổi phỏng vấn trực tiếp. Với số lượng học sinh tại các trường tư thục thường không quá đông, việc triển khai phỏng vấn đầu khóa hoặc đầu năm học là hoàn toàn khả thi. Điều này không chỉ giúp đánh giá chính xác năng lực tiếng Anh của học sinh, mà còn đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu và môi trường học tập của nhà trường.
Không nên “ép” học sinh phải luyện thi IELTS quá sớm
Bàn về giải pháp trước tình trạng trên, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, phụ huynh và học sinh cần xác định được mục đích của các bài thi IELTS để lựa chọn ở những thời điểm phù hợp, không nên “ép” học sinh phải luyện thi quá sớm, trong khi chưa cần phải sử dụng. Điều này vô hình trung sẽ tạo ra áp lực cho học sinh và bị “biến tướng” thành tình trạng “phổ thông hóa” IELTS.
Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và các trường phổ thông tư thục cần có những phương án nhằm tăng cường việc thay đổi nhận thức của xã hội về các giá trị, mục đích, và ý nghĩa của các bài thi, đánh giá năng lực tiếng Anh để phụ huynh và các em học sinh có thể hiểu và nắm được thông tin, mục đích thực sự của các loại bài thi này.
“Các cơ quan quản lý có thể đưa ra những khuyến cáo, đề nghị đối với các trường tư thục về tình hình xét tuyển của các trường. Trong đó, việc lựa chọn những bài thi phù hợp với độ tuổi của học sinh là một phương án khả thi. Những hướng dẫn cụ thể này có thể hỗ trợ các nhà trường lựa chọn, thực hiện các hình thức thi, bài thi hiệu quả và đúng với mong đợi của nhà trường hơn.
Cùng với đó, các trường phổ thông tư thục cũng nên có sự đa dạng trong việc xét tuyển, lựa chọn các bài thi phù hợp với trình độ, năng lực của các thí sinh, các đối tượng tiềm năng của trường.
Ngoài ra, việc thi chứng chỉ IELTS cũng rất tốn kém, không chỉ ở lệ phí thi mà còn ở quá trình ôn tập. Nếu các trường tư thục nghĩ đến trách nhiệm xã hội, cũng nên tính toán thêm điều này, để đảm bảo sự phù hợp với mặt bằng chung của thu nhập hoặc mức sống của người dân địa phương. Đây cũng là trách nhiệm của các trường tư thục đối với xã hội”, nữ Trưởng khoa nhấn mạnh.
Để giải quyết những bất cập liên quan đến việc xét tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS tại các trường tư thục như hiện nay, cô Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể từ phía cơ quan quản lý, nhà trường lẫn phụ huynh và học sinh.
Cụ thể, cô Mai chỉ ra rằng, các cơ quan quản lý muốn thực hiện chiến lược hiệu quả, phải dựa trên khảo sát thực tế và những đánh giá có cơ sở khoa học; từ đó, có thể đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp.
“Nhà trường có thể tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, nhằm hiểu rõ nguyên nhân và mục đích của phụ huynh trong việc lựa chọn trường, cũng như định hướng theo đuổi các chứng chỉ quốc tế, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và định hướng đúng đắn cho phụ huynh.
Khi phụ huynh nắm bắt được lợi ích và giá trị thực sự của từng lựa chọn giáo dục, việc đưa ra quyết định sẽ trở nên sáng suốt hơn, giảm bớt áp lực từ các xu hướng xã hội hay những yếu tố không cần thiết. Việc tăng cường thông tin và định hướng từ ngành giáo dục là yếu tố then chốt để giải quyết triệt để vấn đề, tránh tình trạng “IELTS hóa” trong giáo dục phổ thông”, cô Tăng Thị Ngọc Mai bày tỏ.