Đừng khai thác cạn kiệt di sản

Tham quan di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có lẽ là niềm ao ước của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, mấy ngày nay, không ít cơ quan báo chí, dư luận xôn xao về việc san lấp đất đá trong phạm vi 31,8ha, trong đó bao gồm 3,88ha vùng đệm của di sản để làm dự án.

Dự án lấp biển của Công ty TNHH Đỗ Gia Capital. Ảnh: T.Thăng.

Dự án lấp biển của Công ty TNHH Đỗ Gia Capital. Ảnh: T.Thăng.

Công ty TNHH Đỗ Gia Capital chính là chủ đầu tư dự án đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Theo thông tin cung cấp cho báo chí, dự án có đầy đủ tính pháp lý, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định.

Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án khu đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả với tổng mức đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng. Vị trí dự án được triển khai ở hạ lưu suối Lộ Phong, phía đông giáp biển, phía tây giáp núi đá vôi, phía Nam giáp với suối Lộ Phong. Năm 2021, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Tháng 6/2023, kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Thời điểm hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành tuyến đường dài hơn 1km, rộng khoảng 7m. Một khối lượng đất, đá lớn đã được đổ xuống bãi lầy.

Từ vị trí của dự án tới ranh giới vùng lõi vịnh di sản khoảng 4 - 5km. Theo quy hoạch khi được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994 thì khu vực bảo vệ I (vùng lõi) của Vịnh Hạ Long có quy mô diện tích 434km2, được giới hạn bởi 3 điểm là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam) và đảo Cống Tây (phía Đông). Khu vực bảo vệ II (vùng đệm) được xác định bởi bờ vịnh dọc theo quốc lộ 18A, từ kho xăng dầu B12 tại TP Hạ Long đến cây số 11 thuộc phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Khu vực bảo vệ III (vùng phụ cận) là vùng biển và đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên tiếp giáp với vườn quốc gia Cát Bà của TP Hải Phòng.

Như thế, tổng diện tích Vịnh Hạ Long vào khoảng 1.553km2, trong đó khu di sản thế giới được UNESCO công nhận rộng khoảng 434km2, gồm 775 hòn đảo.

Những người xây dựng quy hoạch các khu vực I, II và III của di sản năm 1994 nghĩ gì? Chắc rằng lúc đó họ đã hình dung ra sự phát triển đô thị mạnh mẽ nên đã khoanh một vùng rộng lớn để hạn chế sự xâm lấn, ảnh hưởng tới di sản? Vùng đệm vịnh Hạ Long rộng hơn 300km2, có tác dụng tạo thêm lớp bảo vệ cho khu vực di sản.

Khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử phạt hành chính chủ đầu tư 125 triệu đồng. Lỗi vi phạm là Chủ đầu tư không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Chưa thi công hệ thống kè bao quanh nhưng đã đổ đất đá xuống vùng nước ven bờ thuộc ranh giới quy hoạch dự án và chưa nạo vét bùn tại vị trí đổ đất khiến lượng bùn này bị thủy triều cuốn ra xa.

Trước sự phát triển đô thị mạnh mẽ, nguồn thu du lịch ngày một tăng, đã có phương án tính đến việc điều chỉnh, thu hẹp diện tích vùng đệm di sản để có thể thực hiện thêm các dự án khai thác du lịch. Điều này nên chăng? Di sản sẽ bị thu hẹp dần bởi các tòa nhà cao tầng, lượng du khách, rác thải, ô nhiễm môi trường ngày một tăng nếu như công tác xử lý hạn chế?

Làm sao để di sản thiên nhiên thế giới tồn tại bền vững? Làm sao để du lịch phát triển không quá nóng, ảnh hưởng tới di sản?, Làm sao để con người ý thức hơn về các giá trị mà di sản thiên nhiên thế giới hiếm có đem lại? Câu hỏi này có lẽ nằm ở câu trả lời là: Đừng khai thác cạn kiệt di sản.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dung-khai-thac-can-kiet-di-san-5743604.html