Đừng khiến người dân mua bảo hiểm chỉ để đối phó
Ngay khi thông tin phương tiện tham gia giao thông phải có bảo hiểm bắt buộc, đã có tình trạng người dân đổ xô đi mua bảo hiểm cho xe máy. Thế nhưng có không ít ý kiến cho rằng, người dân mua bảo hiểm hiện nay chỉ để… đối phó với cảnh sát giao thông.
Mua bảo hiểm chỉ để đối phó
Ghi nhận của PV, những ngày gần đây, các điểm bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm tăng đột biến về doanh số do người dân đổ xô đến mua bảo hiểm cho xe máy. Không chỉ vậy, trên mạng xã hội cũng phát sinh hàng nghìn bài viết đăng, quảng cáo với nội dung bán bảo hiểm xe máy, ô tô với giá thấp hơn so với mua ở các đại lý. Ngay tại các vỉa hè trên nhiều tuyến đường như: Cầu Giấy, Xuân Thủy, Trần Duy Hưng… cũng có nhiều người bán bảo hiểm cho xe máy với mức giá thậm chí chỉ có 10.000 đồng.
Nhiều người đến tại thời điểm khi được PV hỏi cho biết, mặc dù đã tham gia giao thông từ rất lâu, nhưng đây là lần đầu tiên mua bảo hiểm cho xe máy. Thế nhưng, trước “ma trận” về giá của các loại bảo hiểm, người dân cũng không biết phải mua loại nào, hãng nào mới đúng quy định và để không bị CSGT phạt khi kiểm tra. Tại một điểm bán bảo hiểm ở đường Cầu Giấy với giá 20.000 đồng/năm, người bán cho biết, mỗi ngày bán được vài chục cái là chuyện bình thường. Nhiều người mua còn không cần quan tâm và không hiểu giá trị của tờ bảo hiểm, chỉ sử dụng để…đối phó CSGT.
Nguyên tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – Phùng Đắc Lộc cho biết, bảo hiểm giá rẻ đang bán tràn lan với giá rẻ với giá 20.000 đồng/năm là bảo hiểm tự nguyện dành cho 2 người ngồi trên xe máy. Còn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới là phí do Nhà nước quy định, người bán không thể bán thấp hơn giá quy định. Có trường hợp bán thấp hơn do người bán tự giảm phần hoa hồng cho khách hàng, nhưng trên giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn phải ghi đủ 66.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Marketing của Công ty bảo hiểm Bưu điện cho biết, khi mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này sẽ rất hữu dụng với một số trường hợp nếu người gây ra tai nạn rất nghèo và không đủ khả năng bồi thường cho nạn nhân. Do đó, pháp luật bắt buộc chủ xe phải mua bảo hiểm, để khi xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, nạn nhân luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ phía công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.
TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, các hoạt động mua bán bảo hiểm xe máy tràn lan với giá rẻ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đang gây hiểu lầm với người dân là bảo hiểm bắt buộc. Thực tế đây là bảo hiểm tự nguyện. Do đó, người dân cần tới các nơi bán có uy tín để được tư vấn và mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Thực tế có nhiều người vẫn lầm tưởng rằng 2 loại bảo hiểm xe máy bắt buộc và tự nguyện là giống nhau. Chính điều này đã dẫn đến việc mua bảo hiểm tự nguyện giá rẻ ở ven đường mà không biết là dù có bảo hiểm này thì vẫn bị phạt.
Người dân chưa thấy được lợi ích từ việc mua bảo hiểm
Về vấn đề từ nhiều năm nay, người dân không quan tâm tới việc mua bảo hiểm xe máy, chỉ khi có đợt tổng kiểm tra mới đổ xô đi mua, nhiều ý kiến cho rằng, khi xảy ra sự cố thường rất khó để lấy tiền đền bù từ bảo hiểm. Hầu hết trong thực tế, khi có tai nạn xảy ra, thông thường người dân sẽ tự hòa giải, thương lượng với nhau. Còn để yêu cầu bảo hiểm chi trả thì phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp.
Như trường hợp của anh Trần Quốc Hùng (Đền Lừ, Hà Nội), vào năm 2017 khi xảy ra sự cố va chạm, anh cũng đã thử nộp hồ sơ cho công ty bảo hiểm, nhưng để lấy được tiền thì phía công ty yêu cầu nhiều loại giấy tờ như: biên bản hiện trường, tỷ lệ thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận của CSGT về tình trạng người điều khiển phương tiện không vi phạm các quy định… thời gian đi lại, làm việc với các bên mất quá nhiều thời gian, cho nên anh Hùng đành phải bỏ cuộc.
Hay gần đây nhất, trên mạng xã hội anh T.H đã thử chứng minh của việc “vô tác dụng” khi mua bảo hiểm xe máy với tình trạng hiện nay của các đơn vị bán bảo hiểm bằng cách mua bảo hiểm bắt buộc (66.000 đồng) và bảo hiểm tự nguyện (20.000 đồng) sau đó gọi lên tổng đài xin được tư vấn về quyền lợi. Theo đó, nhân viên tổng đài tư vấn, nếu xảy ra tai nạn thì khách hàng có thể gọi cho số chăm sóc khách hàng để trình báo, ngay sau đó sẽ có nhân viên kiểm định của khu vực tai nạn liên hệ lại để hỗ trợ ngay. Anh T.H quyết định “thử” tính hiệu lực của bảo hiểm bằng cách gọi lên tổng đài trình báo tai nạn vào lúc 8h sáng. Nhân viên tổng đài sau khi nhận thông tin của anh T.H đã yêu cầu anh chờ để được nhân viên kiểm định khu vực xảy ra tai nạn gọi lại hỗ trợ. Thế nhưng mãi đến 16 giờ, không có một nhân viên nào gọi lại để hỗ trợ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc mua bảo hiểm cho xe máy hiện tại vẫn chỉ mang lại quyền lợi cho phía đơn vị bán, còn người dân vẫn chưa thực sự nhận thấy lợi ích và quyền lợi nhận được khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm. Do đó, nhiều người chưa quan tâm đến mua loại bảo hiểm này do thủ tục yêu cầu chi trả phức tạp, trong khi các bên đều muốn giải quyết nhanh chóng.
Theo các chuyên gia, với tình trạng hiện nay, mặc dù bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy tuy ý nghĩa tốt, nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng theo yêu cầu. Người dân đang nhìn việc “ép” mua này như một loại thủ tục “hành dân” khi họ chưa dễ dàng nhận được quyền lợi. Pháp luật cần quy định trách nhiệm bồi thường, chi trả của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhanh chóng, thuận tiện hơn, để người tham gia bảo hiểm thấy được lợi ích của họ và tham gia đầy đủ hơn. Nhất là hiện nay, hầu hết các vụ va chạm xe máy không quá nghiêm trọng, người dân lại không giữ nguyên hiện trường cho nên việc nhận được tiền bảo hiểm là không dễ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy. Hiện nay, khi xảy ra các vụ va chạm xe, các công ty bảo hiểm đã đưa ra hàng loạt thủ tục rườm rà, làm khó cho người dân.
Hiện tại, các doanh nghiệp bán bảo hiểm vẫn đang cung cấp dịch vụ chủ yếu dựa trên việc người dân bắt buộc phải mua bảo hiểm, chứ không phải người dân thấy được lợi ích nên mua. Cách làm này của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ khiến khách hàng không biết đến giá trị của sản phẩm, hầu hết chỉ coi là “tờ giấy” dùng để đối phó CSGT. Nếu không đơn giản hóa các thủ tục thì những giấy chứng nhận bảo hiểm mà người dân mua sẽ mãi mãi không được sử dụng như tên gọi, đem lại lợi ích cho người dân khi xảy ra sự cố mà nó chỉ mang lại lợi nhuận cho những đơn vị bán.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-khien-nguoi-dan-mua-bao-hiem-chi-de-doi-pho-post79949.html