'Dùng khoa học để nuôi sống khoa học gần như là điều không thể!'
Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh: 'Xin khẳng định, dùng khoa học để nuôi sống khoa học gần như là điều không thể trên phương diện quản lý'.
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học ở nước ta đã có những thành công nhất định, tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động này tại các các cơ sở giáo dục đại học còn rất khiêm tốn.
Qua khảo sát một số trường, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học chỉ chiếm khoảng từ 2-5%, hoặc gần như không có, hiếm hoi có một số trường tỷ trọng này cao hơn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm hơn 11% nguồn thu của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
Tổng hợp báo cáo tài chính công khai của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ của trường trong vòng 5 năm qua (từ năm 2017-2021) nhìn chung cũng đạt hiệu quả khá tốt so với mặt bằng chung của nhiều trường đại học hiện nay.
Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2017-2021), nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường có sự biến động. Cụ thể, giai đoạn từ 2017-2021 hoạt động này có khởi sắc, đặc biệt năm 2020, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ lên tới 48,6 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2020-2021 có sự sụt giảm, theo lý giải của Hiệu trưởng là do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2021, nguồn thu từ hoạt động này mang lại chiếm tỷ trọng 11,23% trong tổng cơ cấu nguồn thu của nhà trường.
Lý giải điều này, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc vào nhóm các trường tốp cao là nhờ truyền thống của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, vốn dĩ là một trường kỹ thuật lâu đời, có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ.
“Những đề tài khoa học của giảng viên trong trường một khi đã được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tế đều đạt được những kết quả khả quan, có thể ứng dụng ở các cơ sở, địa chỉ khác nhau, do đó, góp phần vào doanh thu khoa học công nghệ của trường. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được nhà trường thường xuyên tạo điều kiện nên số lượng đề tài khá lớn.
Đơn cử như trong năm học 2021-2022, cán bộ viên chức nhà trường đã được nghiệm thu 47 đề tài cấp trường (bao gồm đề tài do doanh nghiệp Murata tài trợ), 15 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng, nhiều đề tài cấp tỉnh thành, cấp Bộ và Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia). Số lượng đề tài các cấp được duyệt thực hiện trong năm 2022 là 57 đề tài cấp trường, 17 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng, 7 đề tài cấp Bộ và 7 đề tài cấp tỉnh thành”.
Theo Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh, có một yếu tố tuy còn mới ở Việt Nam nhưng đã là bình thường ở nhiều nước có ảnh hưởng đến nguồn thu khoa học công nghệ của nhà trường, đó là các nguồn tài trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cũng như các công ty, doanh nghiệp của các cựu sinh viên với mong muốn tạo một điều kiện học tập và nghiên cứu ngày càng hiện đại cho giảng viên và sinh viên.
“Hiện nay nhà trường đang tích cực tham gia đề xuất, thực hiện các đề án hợp tác với các đại học và tổ chức quốc tế để tranh thủ các nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học”, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh cho biết, hướng đến tự chủ đại học, Ban giám hiệu nhà trường luôn ý thức được rằng việc nâng cao doanh thu từ các hoạt động khoa học công nghệ để trở thành nguồn thu chính là một điều kiện tất yếu nên nhà trường luôn không thỏa mãn với những gì đã đạt được ở hiện tại.
“Thành công hiện tại chỉ mới ở mức tạm chấp nhận, cần phải cải thiện nhiều hơn trên mọi mặt để doanh thu khoa học công nghệ phải chiếm được hơn 30% tổng nguồn thu. Do vậy, nhà trường cần giải quyết các hạn chế còn tồn đọng như sau: xây dựng cơ chế chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với các địa phương, doanh nghiệp, tỉnh thành trong nước và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Giảng viên vẫn thiếu cơ hội để áp dụng các nghiên cứu trong khi khoa học công nghệ phát triển như "vũ bão"
Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi thì khó khăn trong việc triển khai các hoạt động khoa học công nghệ là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong môi trường nghiên cứu khoa học đang còn nhiều hạn chế của cả nước nói chung.
Theo Phó giáo sư Vinh, về cơ bản, cũng như đa số các trường đại học, trang thiết bị cho phòng thí nghiệm của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng còn thiếu và lạc hậu, các phòng lab chưa được trang bị nhiều, một số đã xuống cấp.
“Tuy vậy, trong bối cảnh chuyển sang hình thức tự chủ, nhà trường cam kết sẽ dành nhiều hơn nữa nguồn thu cho các hoạt động khoa học công nghệ, coi những điểm trên là khó khăn chung và là những yếu tố chủ quan mà nhà trường sẽ tìm được biện pháp để giải quyết”, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, vẫn có những yếu tố khó khăn khách quan mà nhà trường cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan Chính phủ. Cụ thể:
Thứ nhất, đa phần các công ty công nghệ có vốn lớn và tuyển nhiều lao động hiện nay tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, thiên về outsource (Công ty Outsource là công ty được thuê để thực hiện các công việc cụ thể theo yêu cầu của công ty khách hàng, họ không sở hữu sản phẩm hay hàng hóa đó) nên không tập trung nghiên cứu và phát triển. Các lĩnh vực khác không có sự đầu tư từ các công ty lớn nên sự phát triển không đồng đều về khoa học công nghệ.
Thứ hai, mặc dù đã có nhiều giải pháp rất tích cực, nguồn thu chính của thành phố Đà Nẵng vẫn đến từ du lịch, việc thu hút vốn đầu tư của các công ty sản xuất và chế biến vào thành phố vẫn chưa nhiều.
Việc không có cơ hội để áp dụng các nghiên cứu, kiến thức đã tích lũy vào cuộc sống có thể khiến cho kĩ năng của giảng viên giảm sút, điều này là rất nghiêm trọng khi khoa học công nghệ đang phát triển với một tốc độ rất nhanh.
Do vậy, nhà trường rất mong muốn thành phố tìm được thêm nhiều nguồn đầu tư hơn về khoa học và công nghệ.
4 giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta mặc dù đã có nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác triệt để. Trước câu hỏi của phóng viên về việc “có thể thực hiện việc dùng khoa học nuôi sống khoa học được không?”, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh nhận định:
“Trước hết, xin khẳng định, dùng khoa học để nuôi sống khoa học gần như là điều không thể trên phương diện quản lý. Chỉ một số ngành, lĩnh vực là có thể thực hiện được điều này, tuy nhiên, việc duy trì các ngành, lĩnh vực khác cũng là một nhiệm vụ không thể không thực hiện”.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh đề xuất một số giải pháp quan trọng, đồng thời cũng là hướng phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Theo Phó giáo sư, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất, đó là yếu tố con người mà cụ thể ở đây là đội ngũ giảng viên.
“Nhà trường đang tích cực tìm cách cải thiện nguồn thu cho giảng viên để có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà khoa học về làm việc cho trường. Có như vậy, việc giảng dạy mới được giảm tải, thời gian và chất lượng cho nghiên cứu khoa học mới được tăng lên.
Yếu tố con người cũng bao gồm cả lực lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh. Do vậy, cũng cần thêm những yếu tố khuyến khích người học học cao lên nữa, vận động cho các doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu và phát triển để từ đó họ tuyển dụng lực lượng lao động trình độ cao, tạo ra nhu cầu xã hội về việc học thêm ở các bậc trên đại học. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ có một lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ và năng động, chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học”.
Giải pháp thứ hai, theo Phó giáo sư chính là việc tìm thêm nguồn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
“Để tìm thêm nguồn thu, việc đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tham gia các đề xuất nghiên cứu được tài trợ bởi các tổ chức uy tín là cần thiết. Do đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các seminar (là các buổi hội thảo, nghiên cứu chuyên đề,...) liên kết với doanh nghiệp, tổ chức các buổi thăm và nói chuyện trực tiếp với doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động hội thảo, diễn đàn quốc tế để tạo liên kết”.
Cũng theo Phó giáo sư, việc tổ chức các hoạt động khoa học công nghệ cần được chuyên nghiệp hóa, phân công rõ ràng các công đoạn, công việc. Vì vậy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đang lên kế hoạch thành lập các nhóm, tổ chức chuyên hỗ trợ giảng viên trong việc đăng ký và quản lý, triển khai đề tài. Giảng viên chỉ tập trung vào công việc chuyên môn, không cần lo lắng đến các thủ tục.
Cuối cùng, theo Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, “yếu tố về cơ sở vật chất cũng cần được đổi mới, có thể sẽ là một khoản đầu tư lớn nhưng cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là việc sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả, có kế hoạch sử dụng rõ ràng”.