Khi đang tìm kiếm ở Công viên Vùng Maryborough gần Melbourne, Úc, David Hole đã phát hiện ra một thứ khác thường - một tảng đá rất nặng, màu đỏ, bên ngoài lẫn một ít đất sét màu vàng.
Với hy vọng sẽ tìm thấy vàng bên trong, David Hole đã thử cưa đá, máy mài góc, máy khoan, thậm chí ngâm thứ đó trong axit. Tuy nhiên, ngay cả một chiếc búa tạ khi đập vào tảng đá cũng không thể tạo ra tiếng.
Vì không thể mở được "tảng đá", nhưng David Hole vẫn bị nó hấp dẫn, gây tò mò. Sau đó, người này liền mang tảng đá đến Bảo tàng Melbourne để nhận dạng.
Sau khi xem xét, nhà địa chất Dermot Henry của Bảo tàng Melbourne đã phải thốt lên rằng: "Anh hãy đứng vững nhé, vì thứ anh có được quý giá hơn vàng rất nhiều lần, đó là một thiên thạch cực hiếm!".
"Thiên thạch quý hiếm này có vẻ ngoài như được điêu khắc và có nhiều vết lõm như lúm đồng tiền. Điều đó được hình thành khi thiên thạch lao qua bầu khí quyển Trái Đất, sức nóng của bầu khí quyển tạo nên chúng (vết lõm)", ông cho biết thêm.
Nhà địa chất này cho biết ông đã nhìn rất nhiều tảng đá mà mọi người nghĩ là thiên thạch. Trên thực tế, sau 37 năm làm việc tại bảo tàng và xem xét hàng nghìn tảng đá, chỉ có hai trong số đó là thiên thạch thật, và đây là một trong hai.
"Một tảng đá trên Trái Đất không nặng như vậy,” ông Bill Birch, một nhà địa chất khác của Bảo Tàng Viên Melbourne giải thích. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên Tạp Chí Hiệp Hội Hoàng Gia Victoria.
Thiên thạch được đặt tên Maryborough, theo tên thị trấn gần nơi ông David Hole tìm thấy nó. Khối đá 17 ký được xác định là một thiên thạch có tuổi thọ 4.7 tỷ năm.
Sau khi dùng cưa kim cương để cắt một lát thiên thạch, các chuyên gia phát hiện tảng đá có các hợp chất hóa học có chứa sắt, tương tự các thiên thạch Chondrit H5 tìm thấy trước đây. Ngoài ra, bên trong thiên thạch còn chứa những tinh thể kim loại nhỏ li ti trong suốt được gọi là Chondrule.
"Thiên thạch đặc biệt này có lẽ đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, nó bị một số tiểu hành tinh tông vào, sau đó rơi xuống Trái Đất,” ông Henry nói. Các nhà nghiên cứu cho biết Maryborough đã tồn tại trên Trái Đất từ 100 đến – 1.000 năm.
Thiên thạch Maryborough hiếm hơn vàng rất nhiều. Đây là 1 trong 17 thiên thạch từng được tìm thấy ở bang Victoria, và là khối đá có trọng lượng cao thứ 2, sau một mẫu vật khổng lồ nặng 55 ký được tìm thấy năm 2003.
"Đây là thiên thạch thứ 17 ở Victoria, trong khi có hàng ngàn khối vàng tự nhiên đã được phát hiện tại đây,” ông Henry nói.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV.
Thùy Dung (T.H)