Dùng kỹ thuật cao nhất trong phẫu thuật tim phổi cứu bệnh nhân có khối u hiếm gặp gây bít tắc đường thở
Các bác sĩ BV Phổi TƯ vừa có ca phẫu thuật thành công cho một phụ nữ mắc khối u có vị trí khó và phức tạp. Bệnh nhân bị khối u 1/3 dưới khí quản gây bít tắc gần như hoàn toàn phế quản gốc trái.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 1/11 và đã thành công. Các bác sĩ đã sử dụng nhiều kỹ thuật cao trong phẫu thuật tim phổi với sự phối hợp của các chuyên gia đầu ngành tử BV Phổi TƯ và BV E.
Phối hợp các chuyên ngành, sử dụng các kỹ thuật cao nhất cứu bệnh nhân mắc khối u ở vị trí phức tạp và hiếm gặp
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương vui mừng cho biết, ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ rất thành công. Hiện bệnh nhân đã hồi tỉnh, các chỉ số hô hấp ổn định.
Bệnh nhân tên B.T.H (45 tuổi ở Móng Cái, Quảng Ninh). Chồng bệnh nhân cho biết, hơn 1 năm nay, vợ anh chỉ ở nhà không làm được việc gì ngay cả việc quét nhà vì hay bị khó thở. Đi khám ở tuyến dưới, được chẩn đoán mắc bệnh phổi mãn tính và u trung thất. Cứ mỗi lần phát bệnh gia đình thường tự mua thuốc điều trị tại nhà. Lần này, do khó thở tăng, ho nhiều và có đờm có máu nên gia đình đưa chị H. nhập BV Phổi TƯ. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị mắc khối u có vị trí phức tạp và hiếm.
"Đây là trường hợp khối u nằm ở vị trí phân đôi của khí quản, gọi là carina. Khối u đã phát triển làm cho toàn bộ đường thở đến 2 phổi của bệnh nhân bị hẹp gần như hoàn toàn.", TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết.
Bản chất của khối u dạng này không đáp ứng với hóa xạ trị, nếu không can thiệp khối u ngày càng to lên chít hẹp đường thở sẽ làm bệnh nhân tử vong. Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để loại bỏ khối u cứu bệnh nhân.
Theo các bác sĩ khối u có kích thước 35x38mm, xâm lấn lớp mỡ kế cận, chèn ép gần như toàn bộ hệ thống khí phế quản, làm hẹp phế quản gốc trái và một phần carina. TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng nói: "Khối u nằm trước cột sống, phía trước là toàn bộ hệ thống các mạch máu lớn của tim. Nên nếu không chạy tim phổi máy ngoài cơ thể sẽ khó lấy được khối u. Khó khăn với các bác sĩ phẫu thuật là vừa phải đảm bảo loại bỏ khối u vừa giữ 1 phần để tạo hình khí phế quản cho bệnh nhân."
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng chia sẻ: Với ca bệnh này cần sự phối hợp của chuyên ngành tim và phổi. Hiện tại, sau phẫu thuật, toàn bộ khí phế quản được tạo hình, đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thể hiện tay nghề và trình độ hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực của các bác sĩ Việt Nam
"Đây là một trong quy trình ghép phổi. Kỹ thuật tạo hình khí phế quản có mức độ khó tương đương với kỹ thuật ghép phổi – một kỹ thuật khó nhất trong những kỹ thuật ghép tạng", TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết. Giám đốc BV Phổi giải thích, chỉ có trong ghép phổi mới sử dụng các kỹ thuật đấu nối mạch máu phổi, các cây khí phế quản lại với nhau bằng các phương tiện hiện đại nhất. Toàn bộ kỹ thuật này đều tuân theo quy trình của ghép phổi.
Việc cắt bỏ được khối u đồng thời bảo tồn được các khí, phế quản để tạo hình khí, phế quản, tạo đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề điêu luyện chuyên môn và sự hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực và bệnh học hô hấp
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết, thành công của ca phẫu thuật này thể hiện trình độ kỹ thuật của các y bác sĩ Việt Nam, mở ra bước tiến mới trong công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, nhất là những trường hợp bệnh có vị trí giải phẫu phức tạp, khó tiếp cận giống trường hợp này.
Chia sẻ với phóng viên, anh N – chồng bệnh nhân cho biết, trước ca phẫu thuật gia đình cũng được bác sĩ tư vấn và xác định có khả năng vợ anh sẽ phải cắt một bên phổi. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Các bác sĩ không chỉ loại bỏ được khối u mà còn giúp tạo hình lại khí phế quản cho vợ anh - một điều nằm mơ anh cũng không nghĩ đến. Anh N. xúc động nói: "Tôi rất biết ơn các y bác sĩ của BV Phổi TƯ. Các bác sĩ đã hồi sinh cho vợ tôi thêm một lần nữa."