Đừng là tấm gương mờ của con trẻ

Khi nghe HĐXX nhắc đến những đứa con, Lê Thị Nhựt (SN 1977, trú P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nghẹn lòng, cúi gằm mặt. Thị rưng rưng còn chưa kịp khóc, tiếng đứa trẻ lên hai vọng vào từ phía hành lang phòng xử, cắt ngang suy nghĩ...

Người mẹ đáng trách...

Đây không phải là lần đầu Nhựt đứng trước bục khai báo. Nhựt biết rõ mười phần bản thân đang làm điều cả xã hội lên án, làm điều gây tổn thương cho những người thân yêu, đặc biệt là 3 đứa con của mình.

Nhựt đưa ra lý do vì hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp nên làm liều. Là bởi suy nghĩ còn nông cạn, chưa lường hết được hậu quả của những việc mình làm. Vậy nhưng, Nhựt đâu biết những lý do Nhựt đưa ra chỉ khiến cô càng đáng trách hơn là đáng thương. Nhựt là một người phụ nữ “bình thường” đúng nghĩa, dư thừa sức vóc, nếu nói vì không có nghề nghiệp, nghèo khổ quá mà làm liều há chẳng phải cô đang tự vả vào mặt mình?.

Năm 2013, không chỉ Nhựt mà cả chồng thị cùng tham gia trọng một vụ trộm cắp tài sản, chồng bị tuyên 6 năm tù còn cô nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Những tưởng lần đầu tiên vi phạm, lại tận mắt chứng kiến chồng phải chấp hành án 6 năm dài đằng đẳng để rồi vì khiếp sợ mà chùn chân, nhưng không... Trong thời gian chấp hành án phạt cũ chưa xong, Nhựt lại vào Quảng Nam thực hiện hành vi trộm cắp. Lần này, TAND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tuyên Nhựt 1 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước, tuyên buộc thị 4 năm tù nhưng tạm hoãn thi hành án vì lý do còn nuôi con nhỏ.

Chồng đi tù, chỉ còn mình thị chống chọi với cuộc sống “nhiều không”, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không tiền cũng không tương lai... Nhựt như bước vào ngõ cụt. Nuôi hai đứa con đã khó, năm 2018 Nhựt lại sinh đứa con thứ 3, khó khăn vì thế mà nhân lên. Khi biết có thêm một mầm sống đang hình thành trong mình, Nhựt thấy cuộc sống trước mặt tối sầm lại, cánh cửa cuộc đời tàn nhẫn đóng sập không có cách mở ra. Nhựt đã từng nghĩ đến việc chấm dứt sự sống mới hình thành này nhưng cuối cùng Nhựt không thể. Đứa nhỏ không có tội, nó là cốt nhục của cô làm sao có thể chính cô một tay giết nó. Nhựt gạt đi suy nghĩ tàn nhẫn ấy, quyết định sẽ sinh đứa nhỏ ra, sẽ đối mặt với khó khăn. Cô sẽ tìm việc làm, sẽ cố gắng kiếm tiền vì tương lai các con. Đã có những thời điểm cô thực sự bận rộn kiếm tiền, những lúc ấy quá khứ sai lầm cô còn “nợ chưa trả”, hay những sự bỉ bôi của người đời đối với cô, cô cũng chỉ coi là một cơn ác mộng. Cô sẽ vì các con vượt qua bằng hết.

Vậy nhưng cái sự quyết tâm ấy chẳng theo người phụ nữ đơn độc ấy được bao lâu. Cơm áo gạo tiền cứ xoắn chặt cô, theo cô vào cả cơn mộng mị. Cô thấy cuộc đời mình thực sự rớt xuống khe cốc mà tiến thoái lưỡng nan, cùng đường bí lối. Cũng chẳng còn ai để bấu víu lúc khốn cùng, cô nhắm mắt buông thả. Đã có lúc cô tìm đến công việc mà cả xã hội gọi là “ti tiện”, đáng khinh nhưng nó chẳng giúp làm cho đường đời của cô sáng lên, ngược lại càng thêm u uất. Không ít lần Nhựt tự lục vấn bản thân, liệu kiếp trước cô đã phạm phải điều gì sao đến kiếp này thân cô phải bị đày đọa như thế. Sao mọi con đường sống của cô đều bị chặn lại chung quy cũng bởi chữ “nghèo” như thế?! Giờ thì chẳng ai bắt ép mình, cũng chẳng ai quản mình, thôi thì cô cứ buông để nó rơi.

Lần này, Nhựt tiếp tục bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” với tổng trị giá chiếm đoạt hơn 51 triệu đồng. Cô cùng với đứa em kết nghĩa thực hiện liên tục 3 vụ trộm xe máy. Đến cuộc đời cô, bản thân cô còn không biết thương, biết quý thì lấy ai người cảm thông cho cô. Án tuyên 3 năm tù, cùng với 4 năm tù mà cô còn “nợ” trước đó, tổng cộng 7 năm. 7 năm! Một quảng thời gian đủ để 3 đứa con cô trưởng thành. Nhưng với 7 năm đó, bọn chúng sẽ lớn lên như thế nào, đến cỏ cây không được chăm sóc còn lụi tàn, chúng phải làm sao? Bất giác, ánh mắt tuyệt vọng của Nhựt rũ xuống, cô thở dài trong vô thức...

Lê Thị Nhựt ân hận khi nghĩ đến các con

Lê Thị Nhựt ân hận khi nghĩ đến các con

Tương lai nào cho con?

Hẳn không sai khi nói rằng đôi mắt của con trẻ là máy ảnh, bộ não là một máy ghi âm, những lời nói, hành động của cha mẹ được khắc sâu vào trái tim chúng... Nhìn lại mình, chẳng phải cả cha lẫn mẹ đang là tấm gương mờ đục trước mắt 3 đứa con hay sao? Còn gì xót xa hơn như thế, Nhựt đắng cay nhận ra nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Đứa con lớn của vợ chồng Nhựt năm nay vừa qua tuổi 18. Tuổi đủ để hiểu, để nhìn nhận về cuộc sống, về thực tại của cha mẹ mà nó phải đối mặt. Những đứa con của Nhựt không có quyền lựa chọn được sinh ra, nhưng ít nhất chúng cũng có quyền khát khao được lớn lên trong một gia đình bình thường. Có cha, có mẹ là người bình thường, có nhân cách bình thường không bị vẩn đục. Tại sao cả cha lẫn mẹ chúng đều chung cảnh tù tội mà không khác đi, đơn giản chỉ là một người lao động chân tay cần mẫn? Tại sao lại khiến cho anh em chúng nó sống không dám ngẫng mặt vì mang tiếng cha mẹ đi ăn trộm phải ngồi tù? Như vậy chẳng phải đã quá tàn nhẫn đối với chúng rồi hay sao?

Trong quá trình xét xử, ngoài phòng xử án hai đứa lớn phải thay phiên nhau trông đứa trẻ lên hai, nét mặt đượm buồn. Với chúng tuổi thơ chẳng có gì ngoài nỗi buồn chiếm ngự. Trong ký ức thuở ấy, hình ảnh cha tay chân vướng còng theo chân công an không từ mà biệt. Nỗi nhớ cha hằng đêm còn đó, mong muốn gia đình có ngày sum họp đủ cả cha lẫn mẹ còn chưa thực hiện nay lại tiếp tục dở dang. Quả thực cuộc sống của gia đình Nhựt chẳng khác nào đang chơi trò rượt đuổi, trốn tìm mà cái thứ họ kiếm tìm thì càng tìm lại càng nằm ngoài tầm với. Đắng cay ở chỗ, không phải vợ chồng Nhựt không có cơ hội để nắm lấy mà do chính hai người lớn họ tự mình ném đi. Chỉ là tội cho 3 đứa trẻ, càng khát khao muốn có bao nhiêu lại càng vỡ vụn trong tuyệt vọng mất mát bấy nhiêu.

Đứa trẻ lên hai thiếu hơn mẹ, cố trườn ra khỏi vòng tay đứa lớn để bò vào phía trong. Không được thỏa mãn, hét lên đầy giận dữ. Mỗi lúc như vậy Nhựt lại lơ đểnh câu trả lời HĐXX, quay đầu hướng ra phía cửa. Hiện tại Nhựt đang được hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ nhưng thời gian rồi cũng sẽ trôi, rồi cô cũng phải một thời gian dài xa cách. Đứa nhỏ vắng mẹ liệu có vượt qua, hai đứa đang độ tuổi lớn cần sự dạy bảo uốn nắn, cần người tâm sự tỉ tê nay vắng mẹ liệu lớn lên có vượt qua mặc cảm. Rồi cả đến tương lai của bọn chúng ở phía trước, liệu có dễ dàng khi lý lịch cha mẹ đều mang thân tù tội... Mầm nhân cách cho con trẻ cần được vun xới, tưới tắm bằng những tấm gương sáng từ mẹ cha. Tại sao bắt các con mình phải đối diện với tấm gương mờ như thế! Đó chính là điều không công bằng nhất mà vợ chồng Nhựt dành cho các con của mình.

HĐXX TAND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tuyên bố kết thúc phiên tòa, đôi chân Nhựt khuỵu xuống, lập tức đưa hai tay bưng lấy mặt khóc rưng rức. Tiếng khóc phát ra là vì sự ân hận giày vò cũng là khóc vì tuyệt vọng. Cô chính là biết mình đã quá sai, lựa chọn buông thả của cô lúc ấy thực sự quá sai. Nếu như cô quyết tâm tách mình khỏi sự cám dỗ tầm thường ấy thì đã không có kết đau như hôm nay. Và nếu như cô công bằng hơn với các con thì đã không biến mình thành người mẹ tồi. Chỉ cần một lần nếu như ấy của Nhựt được đáp ứng thì tốt biết nhường nào!?

Bế con trên tay rời tòa dưới nắng gắt, nhìn ánh mắt ngây thơ đang cười với mình, lòng Nhựt quặn thắt. Cô đau đến nỗi tầm mắt mờ đi, mờ đi... từng chút một!

Trang Trần

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/dung-la-tam-guong-mo-cua-con-tre-23364.html