Dùng lá trầu không sai cách có thể gây tai biến
Lá trầu không được nhân dân ta sử dụng chủ yếu dùng ngoài chữa đau mắt, lở loét, mụn nhọt… Tuy nhiên, việc sử dụng lá trầu không không đúng cách có thể gây tai biến...
Lá trầu không còn có tên gọi là trầu, thược tương, trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng...
Tên khoa học Piper betle L. (Piper siriboa L.). Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Làm thuốc người ta cũng dùng lá trầu không hái như đối với lá dùng ăn trầu.
1. Công dụng và liều dùng của lá trầu không
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, ngoài công dụng dùng để ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây), nhân dân nhiều nơi còn dùng lá trầu không giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch hạch huyết; chữa bệnh chàm mặt ở trẻ em.
Trầu không ít khi dùng trong mà chỉ hay dùng ngoài với liều lượng phù hợp. Có nơi còn giã lá trầu không đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú để cho sữa không ra nữa.
- Dùng lá trầu không để chữa các vết lở loét, mụn nhọt, vết chàm của trẻ em mới sinh: Lá trầu không tươi: 2 hoặc 3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào một cốc con. Dội nước sôi vào cho ngập lá trầu không. Làm như khi ta pha trà. Đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá trầu thôi ra, dùng nước này rửa các vết loét, vết chàm, mụn nhọt. Ngày làm như vậy 2 hoặc 3 lần theo hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền.
Hoặc có thể đem lá trầu đun với nước cho sôi kỹ để ấm dùng rửa ngoài.
- Điều trị một số bệnh lý về răng miệng: Trong lá trầu có tính kháng sinh, chống viêm nên có tính sát khuẩn cao, giúp bảo vệ răng miệng, hạn chế sâu răng.
Hoạt chất flavonoid có trong lá trầu không có khả năng sát khuẩn và cầm máu, có thể giúp người bệnh thuyên giảm tình trạng nhiệt miệng, chảy máu chân răng.
- Điều trị một số bệnh lý phụ khoa:Sử dụng lá trầu không hỗ trợ điều trị một số bệnh lý phụ khoa như ngứa, viêm nhiễm, nhiễm nấm. Hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ sử dụng nguyên liệu chiết suất từ lá trầu không.
- Điều trị hôi nách: Sử dụng lá trầu không giã nát lấy nước cốt, hạt cau đun lấy nước, thêm nước vôi trong và lau lên vùng nách, mỗi tuần thực hiện 2 - 3 lần và bạn sẽ thấy được hiệu quả tốt nhất.
2. Cảnh báo khi sử dụng lá trầu không sai cách
ThS. BS. Nguyễn Quang Dương cho biết, hiện nay đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp tai biến do sử dụng lá trầu không không đúng cách, theo mách bảo, theo mạng, truyền miệng. Ví dụ, chế biến nước rửa không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến nhiễm trùng mắt. Một số trường hợp dùng nước lá trầu không để rửa mặt trị nám, không đúng cách có thể gây viêm da kích ứng, da mặt có những vết loang lổ, chỗ trắng chỗ đen.
Lá trầu chứa 2 hợp chất làm trắng rất mạnh là phenol và catechol. Hai thành phần này được nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố, còn gây viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại.
Khi rửa mặt bằng lá trầu không có tác dụng tẩy trắng trong thời gian ngắn, và đây là giai đoạn đầu của phản ứng viêm. Khi sử dụng lâu dài, quá trình tăng sắc tố sau viêm diễn ra khi những mảng trắng bắt đầu thâm đen dần, khiến tình trạng viêm da càng nặng hơn.
Vì vậy, tuy lá trầu không có tác dụng trong một số bệnh như trên nhưng người bệnh cần có hướng dẫn dùng của các bác sĩ đông y, tránh tự ý sử dụng, sử dụng sai cách, mất vệ sinh… khiến bệnh càng nặng thêm.
Lá trầu không không có tác dụng chữa nám da, do vậy mọi người không làm theo các tin đồn. Tác dụng chính của lá trầu không là chữa viêm và kháng khuẩn mạnh.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh