Dựng lại niềm tin - kỳ 2: Kiểm soát quyền lực

Hai góc nhìn bổ sung lẫn nhau đưa chủ đề thảo luận dịch dần về phía hệ thống mà có lẽ người am tường nhất trong số khách mời không ai khác chính là ông Nguyễn Sự - Nguyên bí thư thành ủy Hội An. Ông được nhiều người nhận xét là 'trẻ trung, thanh thản hơn' sau quyết định về hưu trước tuổi.

“Đánh tham nhũng, cần nhưng chưa đủ”

Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Sự gắn liền với với nhiều quyết sách bảo tồn đô thị cổ bên bờ sông Hoài, điển hình là bản quy chế quản lý mà ông ký trên cương vị chủ tịch thị xã nhận đã được sự ủng hộ của tỉnh, các ngành TW và của UNESCO.

Trước đó, bản dự thảo quy chế từng năm lần bảy lượt lấy ý kiến các bộ ngành liên quan mà chưa đi đến được kết luận cuối cùng và vẫn cứ “tiếp tục nghiên cứu”. Hội An không chờ được, việc quản lý đi sản cũng không chờ được, ông Nguyễn Sự quyết định ký ban hành quy chế, dù biết sai quy trình, vượt thẩm quyền nhưng ông vẫn ký. Nghĩa là ông sẵn sàng trả giá bằng sinh mệnh chính trị để bảo lưu niềm tin của cá nhân mình, rằng việc mình làm mang lại lợi ích cho địa phương, cho nhân dân. Giờ đây, ông Nguyễn Sự đã rời hệ thống, nhưng bản quy chế ấy vẫn còn đó, tiếp tục được bổ sung cho phù hợp thực tế và được người dân Hội An duy trì thực hiện. “ Nếu mình hành động vì lợi ích thực sự của nhân dân, tôi tin cấp trên sẽ ủng hộ”, ông Sự khẳng định.

Ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An. Ảnh: TL

Một trong các yếu tố để hình thành nên giá trị của xã hội là đức tin, là tín ngưỡng. Đức tin, tín ngưỡng khác với mê tín dị đoan. Trong chừng mực nào đó tín ngưỡng còn là giá trị của cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống bền vững. Tín ngưỡng góp phần giúp cho con người hướng thiện.

Có một thời gian dài các cơ sở tín ngưỡng bị xem như tàn dư của chủ nghĩa phong kiến cần phải phá bỏ. Mái đình làng ở nông thôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người nông dân. Đó là biểu tượng của thiết chế quyền lực, văn hóa, tín ngưỡng. Đình làng là nơi thờ thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền; là nơi nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ những bậc tiền nhân đã có công với làng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần làm cho cộng đồng gắn bó với nhau, tin tưởng nhau hơn và có vai trò quan trọng giáo dục đạo đức trong cộng đồng làng.

Đạo đức bổ khuyết cho luật pháp trong quản trị quốc gia. Pháp luật điều chỉnh hành vi bằng trừng phạt. Còn đạo đức xã hội, những ràng buộc theo hương ước có chức năng khuyến thiện. Luật pháp không bắt buộc người ta phải cứu giúp người bị nạn dọc đường. Nhưng nếu làm lơ, những người có lương tâm sẽ bị cắn rứt. Chính đó là Đức tin.

Đức tin bị coi thường thì giá trị xã hội bị đảo lộn. Những điều bình thường trở thành bất thường. Quan chức sống “ngay ngắn” - cách nói của người Quảng Nam hàm ý về sự tử tế, đàng hoàng - thì bị xem xét theo hai khuynh hướng, hoặc giả “chết” hoặc không bình thường. Vẫn còn rất nhiều người trong bộ máy sống ngay ngắn, có lòng tự trọng và có trách nhiệm với công việc và nhân dân. Hoài nghi là cần thiết. Nhưng sẽ rất nguy hiểm khi đánh mất niềm tin.

Đề cập đến thực trạng con cháu quan chức, những người không có năng lực được bồng bế lên “ghế” một cách phổ biến, ông Nguyễn Sự cho rằng chính những trường hợp cụ thể, sự việc cụ thể đã làm cho dư luận thui chột niềm tin vào hệ thống, dẫn tới phủ nhận “tất cả con cán bộ lãnh đạo đều không có năng lực”.

Bản chất việc lãnh đạo “lót ổ” cho con, cháu, người thân vào bộ máy để nhanh chóng lên làm lãnh đạo là một dạng thức tham nhũng gián tiếp, tham nhũng quyền lực, tước bỏ cơ hội của những người có năng lực.

Về phần tham nhũng trực tiếp, ông Nguyễn Sự phản đối quyết liệt quan điểm tham nhũng trong bộ máy do thúc bách về kinh tế. Theo ông, anh em cán bộ lương thấp chỉ có điều kiện ăn cắp vặt. Cán bộ tham nhũng đều là những người có chức vụ. Bạc tỉ với họ chỉ là tiền lẻ. “Thế mà người ta vẫn sống nhởn nhơ, vẫn tỏ ra đạo đức. Đôi lúc còn giở giọng dạy bảo thiên hạ” - ông Nguyễn Sự gay gắt.

Trong chiến dịch chống tham nhũng, ông Sự bày tỏ thái độ ủng hộ, bởi theo ông điều làm cho người dân mất niềm tin lớn nhất hiện nay là tình trạng tham ô, nhũng nhiễu trong bộ máy.“Chống tham nhũng là việc cần phải làm, làm quyết liệt và mạnh mẽ hơn; loại bỏ những kẻ sâu dân, mọt nước để bộ máy được sạch sẽ hơn”.

Vấn đề đáng nói là phải thu hồi cho bằng được tài sản mà những kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt và trục lợi. Ông Sự cho rằng chủ trương kê khai tài sản của quan chức là việc cần phải làm và việc kê khai đó phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sự trung thực trong việc kê khai, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ thu nhập của các đối tượng trong diện kê khai. Chống tham nhũng muốn bền thì phải minh bạch, công khai bằng hệ thống pháp luật, bằng định chế.

Việc chống tham nhũng dựa vào quyết tâm là cần thiết nhưng chưa đủ, còn phải bằng những qui định chặt chẽ của pháp luật. Nếu chỉ dựa vào quyết tâm của những cá nhân thì việc chống tham nhũng sẽ không bền, bởi vì không có gì đảm bảo rằng những cá nhân thay thế những người đang chống tham nhũng quyết liệt sẽ tiếp tục giữ được tinh thần đó. Do đó cần phải có những qui định của luật pháp để bất cứ ai tham gia bộ máy cầm quyền đều phải thực hiện và chấp hành.

(Ảnh minh họa)

Tham nhũng nhờ quyền lực. Muốn chống tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Quyền lực thuộc về nhân dân, cho nên phải có cơ chế bằng luật định để nhân dân giám sát quyền lực. Không kiểm soát được quyền lực thì sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực và chính sự tha hóa là nguyên nhân sinh ra lợi ích nhóm gây tổn hại cho đất nước, mất lòng tin của nhân dân.

Cùng với việc làm trong sạch bộ máy, cần phải thay đổi nếp nghĩ và cách làm trong công tác cán bộ. Chấm dứt ngay tình trạng con ông cháu cha và tình trạng “ dắt díu” người thân vào bộ máy công quyền . Cái gọi là “ quy trình “ trong công tác tác cán bộ còn quá nhiều điều bất cập ; một số người đã lợi dụng quy trình để làm chuyện bậy bạ “ mua chức ,bán quyền”. Phải biết chọn người “ hiền” người “tài” theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, tránh thiên kiến, để ai cũng có thể có điều kiện tham gia quản trị xã hội, quản trị đất nước. Muốn xây dựng một chính phủ kiến tạo, một chính quyền liêm chính phải có đội ngũ cán bộ có lòng tự trọng, trách nhiệm, tận tụy, thực sự vì dân, không mị dân, có kiến thức, am hiểu công việc, có kiến thức năng lực quản trị, biết lắng nghe cuộc sống, tôn trọng thực tiễn và thượng tôn pháp luật.

Với một cơ chế minh bạch cùng với bộ máy qui tụ được người hiền, người tài thì sẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và tạo được niềm tin trong nhân dân.

Kết thúc phần phát biểu của mình, nguyên bí thư thành ủy Hội An nhận xét chủ đề thảo luận khá rộng và có nhiều suy nghĩ, ý kiến khác nhau nhưng với trách nhiệm một công dân ông xin được góp một tiếng nói trong một giới hạn có thể.

Tư duy tích cực

Lần đầu tiên trong cuộc Tọa đàm mùa xuân mà Người Đô thị có tham vọng tổ chức định kỳ xuất hiện một khách mời nước ngoài là ông Joe Woolf, đến Sài Gòn năm 1991 với vai trò nhân viên của một công ty dầu khí của Anh. Trên mảnh đất này, ông tìm được một nửa của mình là giảng viên khoa tiếng Anh thuộc Đại học Tổng hợp TP.HCM. Cũng chính người phụ nữ này mời ông tới lớp, dạy tiếng Anh cho sinh viên của cô ấy. Ông bắt đầu tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thông qua giao tiếp với những bạn trẻ. Mặc dù vậy, ông Joe thừa nhận mình không phải là một học sinh ưu tú trong việc học tiếng Việt. Người hỗ trợ ngôn ngữ cho ông tại buổi tọa đàm là TS. Phạm Xuân Hoàng Ân.

Ông Joe Woolf. Ảnh: Quý Hòa

“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1991”, ông Joe mở lời. Thời điểm đó, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo ông, đấy là hệ quả của chiến tranh và chính sách cấm vận từ Hoa Kỳ. Có lẽ là người nước ngoài nên ông không biết còn một nguyên nhân khác nữa là sự sai lầm về đường lối kinh tế tập trung bao cấp. Người dân nghèo khó nhưng tự trọng, đùm bọc nhau cùng vươn lên. Ấn tượng ban đầu ấy khiến ông xúc động. Về nước một thời gian sau khi công ty rút khỏi Việt Nam, ông quyết định thôi việc, quay lại Sài Gòn khởi nghiệp.

Trong phạm vi hiểu biết của ông Joe, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, nhiều người không còn phải lo chuyện cơm ăn áo mặc, chỗ ở, mà bắt đầu có nhu cầu về những vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như câu chuyện về niềm tin đang được thảo luận. Những chuyện không hay xảy ra ở đâu đó được người đàn ông phương Tây này tiếp cận khá tích cực: “Các bạn đủ vững chãi, đủ mạnh để cất lên tiếng nói, bày tỏ quan điểm cá nhân. Các bạn dám đối mặt, đối đầu với những bức xúc trong xã hội và tìm cách giải quyết vì sự tiến bộ của Việt Nam”.

Bày tỏ “niềm tin mãnh liệt” vào thế hệ trẻ, ông Joe cho biết doanh nghiệp của mình hiện có 350 nhân viên, trong đó có rất nhiều sinh viên ngành kiến trúc, kỹ thuật mới tốt nghiệp. Cũng như thế hệ sinh viên cách nay 25 năm, họ ham học hỏi, làm việc cật lực, gìn giữ những giá trị truyền thống. Mỗi khi đất nước bị thiên tai, họ tổ chức những đêm nhạc từ thiện, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại. Xã hội có thể chưa hoàn hảo như kỳ vọng. Kinh tế đi xuống ở đâu đó khiến nhiều người bi quan. Tuy nhiên, về quan niệm cá nhân, ông Joe chia sẻ “thích sống bên cạnh những người lạc quan”, cùng nhau hợp tác và phát triển. Đấy cũng là một cách thiết thực đóng góp cho Việt Nam.

Góc nhìn của vị khách người Anh kéo nhạc sĩ Dương Thụ hào hứng quay trở lại với cuộc tọa đàm dù “không lạc quan quan như ông Joe”. Xới lại vấn đề khủng hoảng niềm tin, ông Thụ tiếp cận nó như một tiến bộ xã hội. Muốn dựng lại niềm tin là phải không tin những gì không đáng tin nữa. Theo ông, nguyên nhân của đổ vỡ niềm tin, đức tin trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, giáo dục cho đến truyền thông xuất phát từ thể chế. Khẳng định thể chế không thay đổi không thể gầy dựng lại niềm tin, nhưng ông Thụ cũng thừa nhận rằng “thể chế nằm ngoài khả năng của chúng ta”. Và, mỗi người tự phải biết tin vào chính mình bằng cách tham gia tạo ra những giá trị nuôi dưỡng niềm tin.

Đồng cảm với ông Joe góc nhìn về giới trẻ, ông Thụ phê bình tư duy đám đông. Không phải giới trẻ đều hỏng hết. Ông nói say sưa về những bạn trẻ văn minh mà ông có nhiều dịp tiếp xúc. Được đào tạo bài bản ở phương Tây, các bạn về nước làm nhạc. Không vì tiền. Không vì danh vọng. Không tham gia giới giải trí. Các bạn chỉ sáng tác những gì mình thích. Nhiều tác phẩm có giá trị mà ông Thụ thẳng thắn rằng “vượt qua thế hệ chúng tôi”.

Tin vào số ít những người trẻ là thông điệp mà ông chủ Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy gửi gắm.

Thượng Tùng lược thuật

____________

Kỳ sau: Tiếng kèn dân sự

Năm 2017 xảy ra nhiều cuộc va chạm liên quan đến vấn đề môi trường. Đà Nẵng trở thành điểm nóng sau khi bản Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà được công bố. Âm mưu trục lợi đại ngàn vô hình trung thúc đẩy sự hình thành một thế lực mới ở khu vực dân sự với mục tiêu hành động cụ thể là bảo vệ Sơn Trà trong bối cảnh cả hệ thống Đảng bộ lẫn chính quyền địa phương nhiều chuyện lùm xùm.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dung-lai-niem-tin-ky-2-kiem-soat-quyen-luc-12717.html