Dựng lại niềm tin: Từ nội lực cá nhân đến vai trò thiết chế xã hội

LTS: Dựng lại niềm tin cũng là chủ đề cuộc tọa đàm mùa xuân do Người Đô thị tổ chức. Thành phần tham dự đến từ nhiều khu vực, gồm chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, nhạc sĩ Dương Thụ - Giám đốc Dự án chuỗi quán Cà Phê Thứ Bảy (trong đó có salon văn hóa Cà phê Thứ Bảy); TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc AtlasIndustries Vietnam Joe Woolf và bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), sáng lập và điều hành dự án Nhà chống lũ.

Niềm tin là một giá trị tinh thần cốt lõi của con người, nó quan trọng đến mức dẫn tới nhận thức “mất niềm tin là mất tất cả”. Trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia hãy nỗ lực xây dựng lại niềm tin của người dân nước mình.

Và, “Khủng hoảng niềm tin” đang thực sự xảy ra trong xã hội Việt Nam, trên mọi lĩnh vực công quyền, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, gia đình… Nhiều hiện tượng tiêu cực trong các mối quan hệ Nhà nước với nhân dân, dân với dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp và với khách hàng, thầy với trò, bác sĩ với bệnh nhân, thành viên trong gia đình với nhau, đã khiến cho niềm tin trong xã hội bị suy giảm, đổ vỡ, đang như hồi chuông báo động…

Kỳ 1: Duy cảm hay duy lý?

Nhạc sĩ Dương Thụ nhìn niềm tin như một trạng thái tâm lý hiện hữu trong mỗi con người. Chồng tin vợ. Bằng hữu tin nhau. Tuy nhiên, trải nghiệm cá nhân mách bảo xã hội không còn nhiều người tin vào những điều cao cả. Nhiều người tử tế phải tự bôi xấu mình, giấu mình đi để tránh bị miệng đời làm tổn thương.

Cũng bởi “miệng đời” mà ông Thụ đau đớn bán ngôi nhà ngoại ô mà mình sống trong hai thập niên. Nơi ông ở từng rất yên tĩnh. Chiều buông cò đậu bờ rào. Sau khi người ta san lấp mặt bằng, xây nhà trọ cho mướn. Những người hàng xóm mới có thú giải trí hát karaoke với âm lượng khuyếch đại, khiến ông không thể tập trung làm việc. Khi ông đề nghị họ giảm bớt âm lượng thì câu trả lời nhận được là “không nghe được thì dọn đi nơi khác”. Họ tin “âm lượng lớn mới hay”.

Niềm tin còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, vốn hiểu biết, tích lượng văn hóa của từng cá nhân. Niềm tin rất chủ quan. Nó có thể đúng với người này mà sai với người khác.Vậy nên niềm tin đôi khi cũng rất nguy hiểm nếu niềm tin đó là sai trái ở chính những người có trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và rộng hơn là cả quốc gia. Ông Thụ cho rằng chủ đề đặt ra rất khó thảo luận vì niềm tin đi cùng sự trung thực: "Nói thật về chuyện tin hay không tin là động chạm đến những vấn đề nhạy cảm, phiền toái lắm. Mỗi người hãy trở về với chính mình. Tin cái gì là tùy thuộc vào chính mình. Không đẽo cày giữa đường. Người chính trực thì phải làm việc. Kéo xe bò cũng được. Cuốc đất cũng được…”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Thụ không kéo xe bò, cũng không cuốc đất. Ông làm nhạc. Ông tin vào âm nhạc có thể hòa giải được. Tháng 4/1994, ông đã làm chương trình “Nửa Thế kỷ Bài hát Việt Nam”,một chương trình lớn tầm quốc gia lần đầu tiên tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của đủ các dòng nhạc: Tiền chiến, Lãng mạn, nhạc Sài Gòn trước 75, nhạc Kháng Chiến, Cách mạng, nhạc thời Hậu chiến,và nhạc Tình ca mới, giữa lúc về văn hóa có chuyện cấm đoán rất nặng nề. Ông tin là mình đúng, Lòng tin ông đã được đền đáp. Mặc dù không có chủ trương, nhưng lãnh đạo Hội thời đó đã ủng hộ sáng kiến của ông để Hội đứng ra tổ chức, lại được doanh nghiệp lớn tài trợ .

Chương trình dù bị một số người chống đối quyết liệt, những nó vẫn diễn ra 3 đêm tai Nhà hát Lớn Hà Nội và thành công rất tốt đẹp Từ năm 2009, ông làm chương trình Điều còn mãi , một chương trình định kỳ vào 2/9 hàng năm với Vietnamnet (VNN đứng ra tổ chức và xin tài trợ). Đây là Dự án âm nhạc lớn thứ hai của ông sau “Nửa Thế kỷ bài hát Việt Nam” mà ông vừa là tác giả, vừa là Giám đốc nghệ thuật vừa là người biên tập.

Ở Dự án này, biên tập công phu và toàn diện hơn (có cả những thành quả của Việt nam về khí nhạc chứ không phải chỉ có ca khúc). Sau năm năm thực hiện , ông trao lại chương trình cho Vietnamnet. Chương trình này rất lớn với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia và kéo dài trong nhiều năm, lại không phải do chủ trương của Bộ Văn Hóa, của Hội nhạc sĩ nên không được cấp kinh phí, thế mà vẫn làm được bởi ông tin vào sự đúng đắn của mình, vào Vietnamnet, vào sự ủng hộ của doanh nghiệp, của nghệ sĩ. Tiền doanh nghiệp tài trợ đủ để trang trải những chi phí tối thiểu. Ca sĩ chỉ nhận cát-sê tượng trưng. Ông tin họ và họ tin ông. Còn ông làm được bởi ông còn có niềm tin vào con người bởi ông luôn xem đất nước là của mình. Ông phản đối cách nghĩ “phó thác đất nước cho Nhà nước”, không làm gì cả rồi ngồi chửi đổng mỗi khi Nhà nước làm sai chuyện này, chuyện khác. Tư tưởng dựa dẫm cũng là một cách tự đánh mất niềm tin.

Cảm ơn nhạc sĩ đã trình bày một khía cạnh rất quan trọng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét vế thứ hai của niềm tin là thay đổi theo thời gian, không chỉ phụ thuộc vào sự trưởng thành của mỗi cá nhân mà còn bị chi phối bởi bối cảnh xã hội, môi trường sống. Thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp do yêu cầu công việc, bà Chi Lan cho rằng 50% thành-bại của khu vực này đến từ nỗ lực chủ quan, phần còn lại đến từ môi trường chung mà bà cho rằng có sức “ảnh hưởng ghê gớm”.

Câu chuyện Nhà nước hoàn trả căn nhà 34 Hoàng Diệu (Hà Nội) cho gia đình ông Trịnh Văn Bô vẫn chưa có hồi kết sau khi bà quả phụ Hoàng Thị Minh Hồ qua đời. Nhà tư sản dân tộc đã hiến rất nhiều tài sản cho nền dân chủ cộng hòa non trẻ, từ bỏ cuộc sống đủ đầy tại thủ đô để đi theo kháng chiến với niềm tin vào cuộc cách mạng được dẫn dắt bởi Cụ Hồ. Kết thúc chiến tranh, gia đình nhiều lần trình bày nguyện vọng chính đáng lấy lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu mà gia đình chỉ cho nhà nước mượn chứ không phải hiến. Nhiều lãnh đạo cấp cao cũng đồng thuận bằng văn bản. Thế nhưng cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa danh chính ngôn thuận trả lại ngôi nhà cho gia đình ông Trịnh Văn Bô. Nhìn vào cách xử sự trong trường hợp này của những nhà lãnh đạo ở nhiều thời kỳ và nhiều cấp khác nhau, dư luận hồ nghi vào hệ thống điều hành đất nước. Niềm tin của giới doanh nhân vào đối xử của nhà nước thêm một lần bị chấn động nặng nề.

Thời kỳ cải tạo công thương ở miền Bắc phá vỡ hệ thống kinh tế tồn tại trước đó, để lại khủng hoảng kéo dài nhiều năm. Nhưng vì chiến tranh nên những trục trặc bị che lấp.

Sau 1975, kịch bản ấy tiếp tục được lặp lại ở miền Nam. Ý thức hệ dẫn dắt niềm tin rằng chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn. Thực ra lúc ấy cũng có những con người trong hệ thống nghi ngờ chủ trương cải tạo công thương nghiệp. Tiếc rằng họ là nhóm thiểu số, buộc phải chấp nhận ý kiến tập thể. Hoặc có thể vì lợi ích thúc đẩy. Cũng không loại trừ tâm lý sợ mếch lòng lãnh đạo cấp cao. Duy ý chí bao trùm thập niên hậu chiến đẩy nền kinh tế đến bờ vực thảm họa. Hệ thống thừa nhận sai lầm, tuyên bố Đổi mới.

Công cuộc Đổi mới ban đầu làm được nhiều việc. Thay đổi thể chế với doanh nghiệp Nhà nước. Ra Luật Doanh nghiệp, trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân mà Nhà nước “cầm nhầm”. Nỗ lực thúc đẩy thay đổi dù chậm chạp vẫn tạo ra niềm tin. Nhưng đến một ngưỡng nhất định thì xã hội dần dần nhận ra “nói vậy mà không phải vậy”. Nhiều chính sách tốt không được thực hiện. Vẫn còn đó sự giật cục hoặc nửa vời trong chủ trương. Tâm lý dè chừng càng về sau càng bộc lộ rõ, thể hiện qua những mâu thuẫn trong nhiều văn kiện quan trọng. Nghị quyết mới nhất của Đảng thêm cho khu vực tư nhân một từ “quan trọng” vào tiền tố “động lực” mà rón rén mãi mới đưa được vào nghị quyết nhưng vẫn nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là lực lượng vật chất để thực hiện… Nghĩa là khu vực tư nhân đừng tưởng sẽ được bình đẳng để phát triển và trở thành động cơ chủ lực kéo nền kinh tế.

Trong khi đó, lực lượng chủ đạo vẫn tiếp tục duy trì “truyền thống” không hiệu quả. Chỉ riêng 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công thương đã khiến Chính phủ đau đầu. Tiếp đến là danh mục dài hơn mà bà Chi Lan tin rằng nếu rờ hết khu vực DNNN thì chỗ nào cũng có chuyện. Sau khi tăng giá điện, EVN bị phát hiện giấu khoản lãi gần 5.000 tỉ đồng. Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo ở PVN bị khởi tố. Quá nhiều bằng chứng như vậy mà vẫn khẳng định DNNN là chủ đạo thì nền kinh tế sẽ như thế nào?

Bà Chi Lan hoài nghi có sự nhập nhằng trong khái niệm “động lực quan trọng”, hàm ý khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Thực tế là FDI được nhận những ưu đãi khủng mà trong nước chỉ doanh nghiệp thân hữu mới có. Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI, chiếm đến 72% kim ngạch. Phát triển công nghiệp cũng vậy.Khu vực tư nhân nội địa dẫu chiếm số đông nhưng quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, đóng góp chỉ 9% vào GDP. Lệ thuộc vào khối FDI tiềm ẩn những rủi ro. Không loại trừ khả năng đến một thời điểm nào đó, có những vùng đất mới mang lại những ưu đãi và niềm tin tốt hơn, họ ra đi thì nền kinh tế hơn 90 triệu dân còn lại gì?

Cầu viện quyền lực siêu nhiên vì sa sút niềm tin? Ảnh minh họa: Zing

Những năm gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp thành đạt ở quy mô trung bình hoặc tương đối lớn đã bán tài sản, ra nước ngoài định cư. Nếu ở lại cũng chỉ trên danh nghĩa bởi phần lớn tài sản đã chuyển qua biên giới. Họ cũng sẵn sàng ra đi khi tình thế bất lợi. Bà Chi Lan cảm thán làn sóng thiên di là “nỗi đau lớn”, biểu hiện rõ nét sự đổ vỡ niềm tin của thế hệ doanh nhân bươn chải sau hơn ba thập niên Đổi mới.

Nhìn lại mấy chục năm làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều khiến bà Chi Lan day dứt là sư gắn kết, tinh thần hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo. Nguyên nhân cũng do thiếu niềm tin lẫn nhau. Nền móng của niềm tin là hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, bảo vệ những người lương thiện. Giữa ba khu vực doanh nghiệp được đối xử rất khác nhau làm sao có thể hợp tác làm ăn bình đẳng với nhau được.Khi bên vi phạm hợp đồng đã ký hoặc thậm chí lừa đảo mà không bị trừng phạt, mà vẫn có kênh để chạy chọt, giành phần thắng, liệu rằng còn mấy ai dám đi buôn có bạn. Có chăng là uy tín cá nhân giữa các doanh chủ được thử thách qua nhiều năm làm ăn. Khi doanh nghiệp rơi vào tay người khác, chưa chắc đôi bên có thể tiếp tục hợp tác.

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Nhắc lại lời một người thầy dạy mình cách nay hơn năm thập niên tại Đại học Ngoại thương, bà Chi Lan giải thích “danh” chính là chữ tín, là niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài hơi, tốn kém chi phí của doanh nghiệp nhưng lại dễ dàng bị xói mòn bởi sự thắng thế của hàng giả, hàng nhái, của sự cạnh tranh bằng những thủ đoạn gian dối. Niềm tin của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất cứ tuột dốc hoài. Lời than cửa miệng của các bà nội trợ là “ăn cái gì cũng sợ độc hại, mua cái gì cũng sợ đồ dởm”.

Có một nghịch lý là nhiều chủ sở hữu phát triển các sản phẩm mới không dám đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Họ lo ngại …mất bí quyết trước khi được Nhà nước công nhận!. Ngay cả cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính thống mà người ta cũng không dám tin. Một trường hợp cụ thể là con trai của bà Chi Lan đầu tư nghiên cứu một loại bếp dành cho người nghèo. Sau khi thị trường chấp nhận, tổ chức khá tốt hệ thống sản xuất, và mất gấp ba thời gian theo luật định để làm thủ tục, anh mới đăng ký được quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.

Thượng Tùng lược thuật

________________

Kỳ sau: Kiểm soát quyền lực

Hai góc nhìn bổ sung lẫn nhau đưa chủ đề thảo luận dịch dần về phía hệ thống mà có lẽ người am tường nhất trong số khách mời không ai khác chính là ông Nguyễn Sự - Nguyên bí thư thành ủy Hội An. Ông được nhiều người nhận xét là “trẻ trung, thanh thản hơn” sau quyết định về hưu trước tuổi….

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dung-lai-niem-tin-tu-noi-luc-ca-nhan-den-vai-tro-thiet-che-xa-hoi-12698.html