Đừng làm xấu Hồ Gươm

Vị trí trung tâm, không gian văn hóa ngàn năm hội tụ khiến Hà Nội đã đưa ra những quy tắc bất di bất dịch để bảo vệ không gian khu vực quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận: cấm quảng cáo ngoài trời, tổ chức các hoạt động văn hóa phải đặc sắc và văn minh…

Thế nhưng, bên cạnh những nét đẹp đã thành thương hiệu ấy, gần đây một số hoạt động quanh khu vực Hồ Gươm bỗng chốc biến nơi đây trở nên xấu đi, kém nguyên vẹn.

Từ năm 2016, TP Hà Nội tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Thành công về không gian tổ chức, không gian văn hóa, lượng người đến, doanh thu dịch vụ… đã giúp Hà Nội nhân rộng các mô hình phố đi bộ ở các quận huyện khác. Không biết bao nhiêu người dân Hà Nội đã tạo thói quen cuối tuần lên Hồ Gươm đi bộ. Khách du lịch từ các tỉnh, thành cũng như du khách quốc tế đến Hồ Gươm để được thưởng thức từng góc văn hóa hội tụ, như giới thiệu về di sản đặc sắc của Việt Nam, hay các sự kiện hòa nhạc, lễ hội đẳng cấp quốc tế.

Dưới bóng tháp Rùa, bóng cầu Thê Húc hay không khí linh thiêng tỏa ra từ đền Ngọc Sơn, tượng đài vua Lê, vua Lý Thái Tổ… như tự nhắc nhở mỗi người làm việc và hoạt động đều nhằm giữ gìn sự văn hiến văn minh. Thế nhưng, sau hơn 7 năm tổ chức không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, vì lợi ích kinh tế, vì một vài động thái lạm dụng của nhà quản lý cũng như đơn vị tổ chức đã làm xấu xí những thành quả từng gặt hái về kinh tế -xã hội, văn hóa của nơi này.

Theo báo cáo của Sở VH&TT Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay ước tính có khoảng 170 sự kiện được tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó có 31 chương trình biểu diễn nghệ thuật, 33 sự kiện thể thao, điển hình với quy mô lớn, 13 sự kiện quốc tế do các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức và do TP phối hợp tổ chức…

Nếu chỉ nhìn trên số liệu thì đây là sự thành công cho các hoạt động. Thế nhưng, quá nhiều du khách đi bộ quanh Hồ Gươm vào dịp cuối tuần phàn nàn về việc nơi không gian phố đi bộ đang bị lạm dụng quá mức bởi những hội chợ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng... Nhiều gian hàng bày bán không quy củ, “nhếch nhác” và thiếu thẩm mỹ, trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc ở giữa không gian phố đi bộ vốn mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô. Rau, củ, quả, thuốc nam chữa xương khớp… người ta chỉ thấy ở các sản phẩm hội chợ cũng được bày bên Hồ Gươm.

Chưa kể, các hoạt động bán đồ ăn như: thịt xiên nướng, xúc xích nướng kéo rong khắp các con phố đi bộ. Xe đồ chơi ô tô điện, xe trượt thăng bằng cũng lũng đoạn từ phố Hàng Khay đến phố Đinh Lễ… khiến người đi bộ không còn chỗ đi bộ. Quá nhiều nhãn hàng quảng cáo như Bia Hà Nội, sữa Nuti food… lách quy định cấm quảng cáo ở khu vực này bằng các hoạt động thử sản phẩm và nghe âm nhạc tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Để các hoạt động xấu xí này xảy ra, chẳng thể đổ lỗi cho người dân hay DN hoặc đơn vị tổ chức phối hợp mà chỉ có thể hỏi trách nhiệm của chính quyền sở tại (nơi quản lý về an ninh trật tự) cũng như của Sở VH&TT Hà Nội (nơi chịu trách nhiệm thỏa thuận cho phép tổ chức biểu diễn) ở vị trí này.

Các đơn vị quản lý nên có những giải pháp để tìm ra cách trả lại vẻ đẹp, sự linh thiêng đúng nghĩa của Hồ Gươm. Giữ nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có thì người dân mới được hưởng những giá trị thật từ không gian phố đi bộ Hồ Gươm. Nếu định thêm gì đó cho Hồ Gươm thì cũng cần phải xem xét và thận trọng đến không gian văn hóa thuộc bậc quan trọng nhất của Thủ đô. Các hoạt động phải giúp Hà Nội ngày càng văn minh hơn.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-lam-xau-ho-guom.html