Đừng mãi là con nhà nghèo vượt khó!
Gốc gác nông dân, sinh ra từ làng, từng bị bệnh hiểm nghèo nhưng vượt lên trên tất cả, kể cả sự nghiệt ngã của lịch thi đấu tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh đã đoạt 'cú hattrick' huy chương vàng điền kinh. Dường như, chính sự thử thách của số phận đã khiến cho những tấm huy chương của Oanh trở nên quý giá hơn. Nhưng…
Cái tên không chỉ bởi cô gái quê Bắc Giang vừa giành 3 huy chương vàng môn điền kinh mà còn bởi cách mà Oanh chiến thắng. Chỉ có 30 phút nghỉ (thực tế khoảng 20 phút) giữa 2 nội dung thi đấu, nữ hoàng điền kinh Việt Nam lập kỳ tích khi giành cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Điều này là chưa từng có tiền lệ ở bất cứ đâu trên thế giới, những nơi tổ chức các cuộc thi đấu điền kinh chuyên nghiệp.
Đông Nam Á, ngàn năm trước là cái nôi của văn minh lúa nước, ngàn năm sau nền văn hóa này dường như vẫn còn đeo bám nặng nề, ít ra là trong việc tổ chức đại hội thể thao khu vực. Các VĐV, HLV các nước Đông Nam Á mặc nhiên xem những điều tréo nghoe như vậy là một đối thủ và họ lựa chọn im lặng để vượt qua như những rào chắn vô hình. Chinh phục được nó, những chiếc huy chương càng trở nên lung linh hơn.
Với Nguyễn Thị Oanh, lý lịch con nhà nghèo vượt khó tiếp tục thử thách cô khiến cho đường đến đỉnh vinh quang càng trở nên vinh quang hơn. Chỉ có ý chí sắt đá, nỗ lực hơn người, tố chất đặc biệt, một cô gái con nhà thuần nông, 8 anh chị em, từng gặp bạo bệnh năm 14 tuổi mới có thể “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Hành trình nhiệm mầu của Oanh, giá trị truyền cảm hứng của Oanh là những điều đã được thừa nhận. Chúng ta cần nhiều hơn những VĐV như Oanh không chỉ để đoạt huy chương mà để lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng. Nhưng lẽ ra chúng ta đã không phải thấy một Nguyễn Thị Oanh bị ép trong 30 phút nghỉ giữa 2 nội dung thi đấu nếu có những tiếng nói trách nhiệm cất lên đúng lúc. Cất lên không chỉ để giành huy chương mà quan trọng hơn để thay đổi những “lệ làng” của thể thao khu vực.
Với một lịch thi đấu phản hoa học, phi thể thao như thế, nguy cơ chấn thương nặng hoàn toàn có thể xảy ra. Giả sử nó rơi vào trường hợp Nguyễn Thị Oanh hoặc giả sử cô không thành công, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đã quá lâu, chúng ta và cả giới thể thao khu vực Đông Nam Á đồng lõa với những bất công như thế trong cái vòng luẩn quẩn “ao làng”. Để rồi, khi thành công, chúng ta lại hát vang bài đường đến ngày vinh quang bằng… bàn chân giẫm gai. Còn khi thất bại, chúng ta lại đỗ lỗi cho cái “ao làng”. Nhưng thử hỏi, có nước chủ nhà SEA Games nào dám vỗ ngực tuyên bố mình “chơi đẹp” ngoài những khẩu hiệu thắm tình đoàn kết trưng khắp đường phố?
Một VĐV trọng điểm quốc gia như Nguyễn Thị Oanh còn có thêm nhiều nguồn thu nhập khác. Nhưng rõ ràng, con số 7 triệu đồng lương “cứng” trong thời kỳ bão giá như hiện nay khiến nhiều người ngỡ ngàng đối với chính sách đãi ngộ nhân tài của chúng ta. Nhân tài là của hiếm và cần phải có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, không thể cào bằng. Đã đến lúc, chúng ta phải thấy VĐV đoạt HCV nhưng tập bắn súng bằng đạn giả, luyện bơi ở hồ như một nỗi buồn hơn là niềm tự hào.
Thực tế, nhiều năm qua, nguồn VĐV thể thao chuyên nghiệp của nước ta chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, miền núi, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với nhiều gia đình, con cái theo nghiệp thể thao mục tiêu ban đều là để thoát ly và thoát nghèo.
Con nhà nghèo, theo cách ví von của giới trẻ - sinh ra… xa vạch đích nên ý chí, nỗ lực hơn người bình thường và vì thế rất hợp với thể thao, một cuộc đua đầy gian nan, vất vả. Tuy nhiên những năm gần đây, công thức con nhà nghèo vượt khó thành công trong thể thao đang ngày càng có chiều hướng giảm.
Kinh tế xã hội phát triển đã thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, thành thị với nông thôn, mở ra nhiều cơ hội lập nghiệp cho thế hệ trẻ. Và vì thế, lựa chọn con đường gian nan mang tên thể thao không còn nhiều hấp dẫn. Chưa kể ở thành phố, các gia đình có ý định cho con cái theo nghiệp thể thao chỉ chiếm số ít.
Nếu không có một chính sách đãi ngộ tốt, môi trường chuyên nghiệp, lộ trình bài bản, trong những năm tới, thể thao Việt Nam sẽ phải đau đầu đi tìm lời giải nguồn cung VĐV. Phải làm sao để chúng ta có một lớp Nguyễn Thị Oanh mới, được phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ xứng đáng, để được chạy trên những “đường thẳng, giờ đẹp”, chứ không phải mãi tự hào theo kiểu… con nhà nghèo vượt khó.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dung-mai-la-con-nha-ngheo-vuot-kho-d190875.html