Dùng mạng xã hội đưa pháp luật đến dân
Các cơ quan chức năng cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet... hướng đến các đối tượng cụ thể nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ngày 19-12, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Cần nâng cao kiến thức pháp luật cho dân
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình vi phạm do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm. Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL mà nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh việc hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nội dung, hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn. Việc triển khai công tác này được gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa công tác PBGDPL dần đi vào chiều sâu, thực chất, phát huy hiệu quả trên thực tế.
Việc tổ chức hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước cả ở trung ương và địa phương với nhiều điểm nhấn. Điều này đã góp phần tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội.
Công tác PBGDPL được thực hiện có trọng tâm
Tại đầu cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết công tác PBGDPL được các cấp ủy Đảng, chính quyền TP rất quan tâm, xem đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Công tác PBGDPL được tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đi vào nề nếp, thực chất với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần vào việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Theo ông Châu, từ khi có Chỉ thị số 32, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nâng cao ý thức tự giác học tập, nghiên cứu pháp luật. Ngoài ra, để thực hiện đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý”, đội ngũ luật gia, luật sư đã tham gia công tác PBGDPL ngày càng tích cực và chủ động. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng quan tâm hơn đến các vấn đề pháp lý trong giao dịch dân sự, thương mại.
8.805 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cả nước (tính đến cuối năm 2018).
Tận dụng Internet và mạng xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ ra nhiều tồn tại và hạn chế trong công tác PBGDPL. Cụ thể như ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa đầy đủ, thậm chí vẫn còn quan niệm PBGDPL là nhiệm vụ của ngành tư pháp. Ở một số nơi, cách thức PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm...
Ông Trương Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới công tác đổi mới giáo dục pháp luật phải dựa trên nguyên lý lý luận gắn liền với thực tiễn, thực hành, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội. Đồng thời chú trọng đổi mới công tác PBGDPL trên báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.
“Trong bối cảnh mới của Internet, mạng xã hội... có cả những thông tin tốt, những tấm gương người tốt, việc tốt nhưng mặt trái là những thông tin xấu độc hại, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội” - ông Bình nói.
Từ đó Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet, truyền thông một cách sâu rộng; hướng đến các đối tượng cụ thể, các giới, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân…
Trong bối cảnh đó, báo chí phải thực sự trở thành diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.
Gắn kết công tác PBGDPL và thi hành pháp luật
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL, trong đó chú trọng giáo dục nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực thi pháp luật.
Đồng thời đẩy mạnh phối hợp, kết hợp giữa triển khai công tác PBGDPL với hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để gắn kết chặt chẽ hơn công tác PBGDPL với hoạt động thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/dung-mang-xa-hoi-dua-phap-luat-den-dan-878790.html