Dùng máy bắn đá và thang mây, Lý Thường Kiệt hạ quân Tống thế nào?

Lý Thường Kiệt biết quân Tống sức đã khốn, đang đêm vượt sông Như Nguyệt tập kích, đại phá khiến quân Tống mười phần chết đến năm, sáu. Quách Quỳ phải nghị hòa, kéo quân về.

Nhân dân Đại Việt dưới triều Lý đang sống yên bình thì tin tức về quân xâm lược phương Bắc tràn tới. Nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến diễn ra trong hai năm (1075-1077) với vô vàn trận đánh lớn nhỏ, trong đó nổi lên ba trận đánh then chốt, có ý nghĩa quyết định.

Hạ thành Ung Châu

Chuẩn bị cho kế hoạch xâm lăng, nhà Tống lấy thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) làm trung tâm tích trữ lương thảo, tập trung lực lượng. Biết rõ điều này, Lý Thường Kiệt chủ trương “đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của địch”.

Cuối năm 1075, 10 vạn quân được huy động và chia làm hai đạo. Quân bộ do Tông Đản chỉ huy và xuất phát trước. Quân thủy do Lý Thường Kiệt trực tiếp dẫn đầu. Cả hai đạo nhằm hướng Ung Châu đánh tới.

Đạo quân Tông Đản nhanh chóng tiêu diệt các trại quân Tống ở mặt nam Ung Châu. Trung tuần tháng 1/1076, đạo quân này bắt đầu vây hãm thành Ung Châu. Đạo quân Lý Thường Kiệt dễ dàng hạ Khâm Châu, Liêm Châu (đều thuộc Quảng Đông) và sau đó cũng kéo đến Ung Châu.

Đối mặt với đại quân Lý, chủ tướng Ung Châu là Tô Giám, một người biết dùng binh, đóng cửa thành cố thủ, kiên quyết chống trả. Tô Giám còn cho người đến Quế Châu xin quân tiếp viện.

 Lý Thường Kiệt đánh Ung Châu. Tranh sưu tầm.

Lý Thường Kiệt đánh Ung Châu. Tranh sưu tầm.

Lý Thường Kiệt chủ động đón đánh quân Tống tiếp viện, diệt đạo quân này, đồng thời chỉ huy quân công thành mãnh liệt. Quân Lý dùng máy bắn đá bắn vào thành, lại dùng phi thê (thang mây) để trèo lên thành, quân Tống dùng hỏa cự (đuốc lửa) đốt cháy phi thê.

Quân Lý đổi chiến thuật, bắn tên tẩm thuốc độc khiến người ngựa quân Tống ở trên thành chết chồng chất lên nhau. Tô Giám sai dùng cung thần tí (một phát bắn nhiều mũi tên) bắn trả khiến tượng quân Lý thiệt hại. Các máy bắn đá của ta vẫn hoạt động nhưng không mấy hiệu quả.

Nhiều ngày chưa hạ được thành, Lý Thường Kiệt cho quân đào hầm ngầm lót da cho khỏi ướt để luồn vào thành. Quân Tống phát hiện và phóng hỏa cản lại. Quân Lý dùng hỏa công bắn các chất cháy vào. Thành bị vây lâu ngày thiếu nước nên các đám cháy lan rất nhanh, nhưng Tô Giám cố giữ.

Quân Lý phải dùng đến kế “thổ công”, xếp nhiều bao đất thành bậc thang cao vài trượng rồi nối nhau trèo lên. Với biện pháp này, quân Lý dần tràn lên mặt thành. Ngày đầu tiên của tháng 3/1076, thành Ung Châu bị hạ. Tô Giám giết hết người nhà rồi đốt lửa tự thiêu.

Chiến thắng Ung Châu làm đảo lộn kế hoạch xâm lược của nhà Tống, khiến chúng vào thế bị động, buộc phải chuẩn bị lại cho cuộc viễn chinh. Về phía ta, Lý Thường Kiệt phá hủy hết các kho tàng của quân Tống rồi rút về xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt án ngữ phía bắc Thăng Long.

Chiến công Đông Kênh

Mùa thu năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ làm thống soái, Triệu Tiết làm phó theo đường bộ tiến sang nước ta. Đạo thủy binh do Hòa Mân và Dương Tùng Tiên chỉ huy cũng lên đường. Binh thuyền địch theo đường ven biển từ Khâm Châu đến vùng biển Vĩnh An (Móng Cái).

Từ Vĩnh An, chúng dự định theo sông Đông Kênh (vốn là dải nước ven biển giữa đất liền và các hải đảo từ Móng Cái vào cửa Bạch Đằng) vào sông Bạch Đằng, rồi lên Vạn Xuân (Phả Lại trên sông Lục Đầu) để vào Thăng Long hoặc tiếp ứng các ngả cho quân bộ.

Thủy binh địch có nhiệm vụ quan trọng là “Ghé vào bờ bắc sông để chở đại quân sang”. Vì vậy, nếu để chúng lọt vào được nội địa nước ta thì ưu thế của quân Tống sẽ tăng lên, rất bất lợi cho kế hoạch chặn địch tại phòng tuyến Như Nguyệt.

Để đối phó, Lý Thường Kiệt cử tướng Lý Kế Nguyên đem đội binh thuyền đóng giữ trên sông Đông Kênh. Lý Kế Nguyên phải chặn bằng được cánh quân thủy, đập tan mưu đồ phối hợp quân thủy bộ của địch.

Tháng 8/1076, thủy quân Tống kéo vào Đông Kênh, chúng đụng quân ta. Lý Kế Nguyên đổ quân chặn đánh. Các chiến thuyền nhỏ nhẹ của ta di chuyển linh hoạt, liên tục tấn công các thuyền chiến to nặng của địch. Hòa Mân và Dương Tùng Tiên túng thế, không biết làm sao vượt qua được.

Sau đó, chúng cố gắng mở các cuộc tấn công mới, nhưng hơn 10 lần tấn công chúng đều thất bại. Quân Tống tiến thoái không xong, đành loanh quanh trên biển chờ thời cơ. Đến năm sau khi có lệnh gọi về thì chúng mới biết chiến tranh đã kết thúc.

Chiến công trên sông Đông Kênh là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ kế hoạch kháng chiến của nhà Lý. Nó làm thất bại hoàn toàn âm mưu phối hợp thủy bộ của địch. Sức mạnh của địch kể như đã bị bẻ gãy một nửa.

Chiến thắng Như Nguyệt

Đầu năm 1077, đại quân Quách Quỳ, Triệu Tiết ùn ùn kéo đến bờ bắc sông Như Nguyệt. Bên kia là phòng tuyến quân ta. Chỉ cần vượt được phòng tuyến này chúng sẽ tràn đến Thăng Long. Quách Quỳ nóng lòng đợi thủy binh mà không biết rằng nó đang bị đánh tơi bời ở Đông Kênh.

Nhớ lời vua Tống “Khi đem quân vào cõi, phải đánh cho chóng được”, Quách không đợi và hai lần cho quân vượt sông, hết dùng cầu phao rồi dùng bè gỗ. Quân Tống tiến sát mặt lũy ra sức xông lên. Quân Lý chặn đánh dữ dội, đẩy lui từng lớp giặc, giữ chắc tuyến phòng thủ.

Quách Quỳ không dám mạo hiểm thêm, ra lệnh án binh bất động. Quân Tống đóng trải dài bên bờ sông đối mặt với chiến lũy của ta. Quách Quỳ, Triệt Tiết chia nhau chỉ huy hai khối quân lớn nhất, nằm cách nhau hơn 30 cây số. Chúng giả vờ nới lỏng phòng bị để nhử quân ta sang sông.

 Trận chiến Như Nguyệt ngăn quân Tống đánh vào Thăng Long. Tranh sưu tầm.

Trận chiến Như Nguyệt ngăn quân Tống đánh vào Thăng Long. Tranh sưu tầm.

Trước tình thế quân địch còn đông và lo phòng thủ, Lý Thường Kiệt chủ trương mở các cuộc công kích lớn nhằm chia cắt lực lượng và tiêu hao sinh lực địch. Hai đối tượng công kích chính sẽ là khối quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết.

Tháng 3/1077, Lý Thường Kiệt giao cho hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn chỉ huy hơn 400 chiến thuyền chở 2 vạn quân tiến đến gần trại Quách Quỳ. Quân ta đổ bộ lên bờ đánh thẳng vào doanh trại quân Tống. Quách Quỳ huy động tổng lực đối phó.

Quân Tống sau cơn hốt hoảng ban đầu, lại có lực lượng đông hơn, đã dần lấy lại thế trận và đẩy lui quân Lý. Quân ta phải rút xuống thuyền. Hoằng Chân, Chiêu Văn hy sinh anh dũng.

Quách Quỳ tưởng đại thắng nhưng không ngờ rơi vào bẫy. Cánh quân Hoằng Chân, Chiêu Văn chỉ là “kỳ binh” đánh tiêu hao lực lượng và thu hút sự chú ý của địch, tạo điều kiện để “chính binh” nhân sơ hở tổ chức tấn công. Cùng lúc Quách Quỳ bị tấn công, đại quân do Lý Thường Kiệt thống lĩnh âm thầm vượt sông đánh úp doanh trại Triệu Tiết.

Triệu Tiết đang mải theo dõi chiến trận bên Quách Quỳ bỗng bị đánh thì trở tay không kịp và nhanh chóng thảm bại. Việt sử lược ghi: “Lý Thường Kiệt biết quân Tống sức lực đã khốn, đang đêm vượt sông tập kích, đại phá được quân Tống, (khiến chúng) mười phần chết đến năm, sáu”. Quách Quỳ sau đó phải nghị hòa và kéo quân về nước.

Nguyễn Thanh Tuyền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-may-ban-da-va-thang-may-ly-thuong-kiet-ha-quan-tong-the-nao-post1071871.html